Trong báo cáo mới đây từ Savills Việt Nam, lượng căn hộ sơ cấp giảm hơn một nửa so với năm trước. Thậm chí, phân khúc biệt thự, nhà phố… rơi vào cảnh ảm đạm hơn khi nguồn cung sụt giảm đến 65%, chạm đáy trong vòng 6 năm qua.

Quý IV/2021, nguồn cung căn hộ tại TP HCM đạt hơn 7.800 căn, tăng đến 160% so với quý trước. Dù vậy, nếu tính theo cả năm, thì nguồn cung trong năm chỉ đạt hơn 11.700 căn, thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Nhà phố, biệt thự trong năm 2021 chỉ đạt 1.200 căn, chủ yếu đến từ các dự án mở bán trước đó.

Trước sự thiếu hụt nguồn cung tại TP HCM, dòng vốn đầu tư tiếp tục dịch chuyển về các tỉnh lân cận.

20210422112757-3c05-custom-1645414282.jpg

"Quỹ đất tại TP HCM càng ngày càng hẹp, do đó các chủ đầu tư hiện nay đều đang mở rộng ra các tỉnh lân cận. Bình Dương tiếp tục là kế thừa, là điểm đến tiếp theo cho thị trường căn hộ. Còn đối với thị trường nhà đất và nhà ở liền thổ, Đồng Nai trở thành điểm đến tiếp theo", bà Võ Thị Khánh Trang - Phó Giám đốc bộ phận Nghiên cứu, Savills Việt Nam, đánh giá.

Theo Savills, nguồn cung căn hộ của Bình Dương trong năm 2021 cao hơn TP HCM 5% và lượng giao dịch nhiều hơn đến 42%. Trong khi, nguồn cung nhà liền thổ tại Đồng Nai nhiều hơn TP HCM khoảng 130%.

Cùng với sự đầu tư về mặt hạ tầng, giao thông và công bố các thông tin quy hoạch tại nhiều địa phương đã đẩy lượng giao dịch bùng nổ cục bộ. Song song đó, giá trị bất động sản tại TP Hồ Chí Minh đang thiết lập mặt bằng giá mới đã tạo ra xu thế dịch chuyển ra vùng phụ cận.

"Điều chỉnh để giữa vùng phụ cận, xung quanh hoặc những tỉnh thành lân cận có mức độ tương xứng với với sản phẩm, với giá bất động sản tại các khu đô thị lớn, nên cũng có một xu thế nhà đầu tư họ sẽ đổ ra các vùng phụ cận, tỉnh thành khác để họ đầu tư và kỳ vọng giá trị gia tăng trong tương lai", bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, nhận định.

Sự dịch chuyển này đang tạo áp lực lớn đến nguồn cung nhà ở tại thị trường TP HCM, khi nhu cầu đang quay trở lại ở nhiều phân khúc. Do vậy theo các chuyên gia, thị trường cần có một gian dài để điều chỉnh trước những khó khăn hiện nay từ quỹ đất và thủ tục đầu tư.

"Đâu đó khoảng quý III và quý IV năm nay, chúng ta có thể thấy bức tranh rõ nét hơn. Còn trong quý 1 và 2 có lẽ chúng ta vẫn đang nhìn thấy sự mất cân đối trên thị trường, nó vẫn sẽ hiển hiện rất rõ. Trong bức tranh đó, nhiều khi giá bất động sản lại không giảm, mà còn có xu hướng tăng", ông Phan Công Chánh, chuyên gia bất động sản, cho biết.

Dự báo từ các đơn vị nghiên cứu thị trường, sự thiếu hụt nguồn cung bất động sản liền thổ tiếp tục tiếp diễn do quy hoạch nhà ở TP HCM đến năm 2030 ưu tiên phát triển nhà ở cao tầng. Đây sẽ là xu hướng còn tiếp diễn khi phân khúc căn hộ dự kiến sẽ chiếm 90% nguồn cung nhà ở trong tương lai, trong khi nhà phố, biệt thự chỉ chiếm dưới 10%.