Những doanh nghiệp chọn cách 'sống chung với đại dịch'

Bảo An
5 năm qua, bất động sản luôn là một trong những ngành có lợi nhuận tốt nhất. Mùa báo cáo tài chính quý III khởi động với các doanh nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp đại dịch.

Thống kê mới đây của Vietnam Report cho thấy, trong suốt 5 năm qua, ngành bất động sản là một trong những nhóm luôn giữ vững vị trí ngành có lợi nhuận tốt nhất. Trong khi nhóm ngành tài chính và ngành thực phẩm - đồ uống luôn ổn định và lần lượt dao động quanh mức 11% và 10% xuyên suốt giai đoạn 2017 - 2021, nhóm bất động sản - xây dựng đã có bước nhảy vọt trong năm 2019 khi tăng mạnh từ 14,8% (năm 2018) lên mức 23,9% - chiếm gần 1/4 tổng số doanh nghiệp trong bảng.

Tốc độ tăng trưởng kép về lợi nhuận (CAGR) trung bình của nhóm bất động sản - xây dựng cũng đạt mức cao, khoảng 10,8%. Đây được xem là ngành có tiềm năng tăng trưởng và góp phần tích cực cho đà phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian sắp tới. Nếu xét theo quy tắc 70 - phép màu của tăng trưởng trong kinh tế học, nhóm bất động sản - xây dựng cần hơn 6 năm (70/10,8) nữa sẽ ghi nhận lợi nhuận trung bình của doanh nghiệp được nhân đôi.

Lợi nhuận nhóm xây dựng tăng cao nhờ hưởng lợi từ đầu tư công và sự bành trướng của nhiều dự án địa ốc. Trong khi đó, lợi nhuận nhóm bất động sản duy trì ổn định với tăng trưởng hấp dẫn có thể lý giải từ diễn biến giá tăng liên tục bất chấp những trở lực.

tcbc-profit500-2021-h1-1634614713.jpg

Báo cáo mới đây của JLL công bố, trong quý III, giá bán bình quân căn hộ hạng A trên thị trường sơ cấp đạt 5.099 USD một m2, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá bán bình quân căn hộ ở cả 3 phân khúc trên thị trường sơ cấp đạt 2.683 USD một m2, tăng 10,9% so với cùng kỳ. Giá bán tăng trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm và các dự án mới gia nhập thị trường phần lớn đều ở phân khúc trung cấp trở lên.

Diễn biến giá bán tương tự cũng thể hiện trên báo cáo mới nhất của Savills Việt Nam. Dù các đợt phong tỏa kéo dài khiến thị trường ế ẩm nhưng trong quý III, giá chào bán căn hộ vẫn tăng 5-10%.

Quý III được xem là giai đoạn bộc lộ rõ nét mức tác động của đại dịch đến sức khỏe doanh nghiệp. Nhưng có vẻ mệnh đề này chưa phù hợp nếu áp cho ngành bất động sản.

Mùa báo cáo tài chính đang trong giai đoạn khởi động, tuy nhiên một số đại diện mới công bố thông tin lần lượt nêu ra những chỉ số kinh doanh tăng trưởng mạnh. Đây được xem là những doanh nghiệp đã ứng phó tốt và thành công "sống chung với đại dịch".

Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) quý vừa qua có doanh thu thuần gần 1.268 tỷ đồng, phần lớn từ chuyển nhượng đất. Lợi nhuận sau thuế gần 608 tỷ đồng. Dù doanh thu giảm 3,7% nhưng lợi nhuận vẫn tăng 38,4% nhờ giá vốn rẻ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp ghi nhận khoảng 2.394 tỷ đồng doanh thu thuần và hơn 1.111 tỷ đồng lãi ròng. Tương tự, doanh thu giảm hơn 4% nhưng lợi nhuận tăng đến hơn một nửa so với cùng kỳ. Với kết quả trên, doanh nghiệp này đã hoàn thành gần 60% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

03100158-cong-chinh-khu-cong-nghiep-nam-tan-uyen-1634614713.jpeg

Công ty cổ phần BV Land (BVL) báo cáo 123 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 50% so với quý III/2020. Ở hoạt động tài chính, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu tăng mạnh lên gần 2,8 tỷ đồng, chủ yếu là lãi tiền gửi và tiền cho vay. Tổng lại, BV Land lãi gần 7 tỷ đồng, gấp 2,7 lần cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng năm 2021, BV Land ghi nhận gần 408 tỷ đồng doanh thu thuần và 16,6 tỷ đồng lãi sau thuế. Đây là quý kinh doanh bội thu của doanh nghiệp này khi hai chỉ số trên lần lượt tăng gần 94% và 239% so với cùng kỳ năm trước. Điều này giúp công ty thực hiện được gần 2/3 chỉ tiêu doanh thu và gần ¾ chỉ tiêu lợi nhuận của năm 2021.

Công ty cổ phần Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC) dù không có một mùa kinh doanh thuận lợi nhưng vẫn ghi nhận được nguồn tiền không nhỏ. Cụ thể trong quý III, doanh thu thuần đạt gần 34,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 48,6 tỷ đồng. Hai chỉ số trên lần lượt giảm 65% và 53% so với cùng kỳ.

Trong 9 tháng đầu năm, kết quả kinh doanh của Nam Tân Uyên giảm nhẹ so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu thuần giảm 15%, đạt 165 tỷ đồng và lãi ròng giảm hơn 11%, đạt hơn 212 tỷ đồng. Tuy các chỉ số trong báo cáo tài chính giảm nhưng xét trong hoàn cảnh hoạt động của các khu công nghiệp đều đóng băng, mức lãi hơn 212 tỷ đồng của Nam Tân Uyên có giá trị rất lớn. Ngoài ra, doanh thu dài hạn từ cho thuê hạ tầng khu công nghiệp đang được ghi nhận gần 2.961 tỷ đồng. Khoản này sẽ được phân bổ dần vào các năm tiếp theo, dựa trên thời gian thuê đất còn lại mà khách hàng đã trả tiền trước.

Y Khải