Bất động sản có nhượng quyền thương hiệu được không?

Lan Anh
Nhượng quyền kinh doanh bất động sản là lĩnh vực hấp dẫn. Tuy nhiên liệu rằng mô hình này có khả năng phát triển ở Việt Nam và phù hợp với tất cả các nhà đầu tư hay không?

Nhượng quyền thương hiệu là gì?

Nhượng quyền thương hiệu (tiếng anh gọi là Franchise hoặc Franchising) là mô hình thương mại cho phép cá nhân hoặc doanh nghiệp (bên nhượng quyền) được bán quyền sử dụng kiến thức, quy trình kinh doanh, phân phối sản phẩm, dịch vụ hoặc nhãn hiệu kinh doanh độc quyền của mình cho một cá nhân hoặc đơn vị khác (bên nhận nhượng quyền). 

Đổi lại, bên nhận nhượng quyền phải trả cho bên nhượng quyền một khoản phí ban đầu và phí bản quyền hàng năm cho việc sử dụng tên thương mại và phương thức hoạt động. Ngoài ra, bên nhận nhượng quyền có thể sẽ phải phân chia theo phần trăm doanh thu, lợi nhuận với bên nhượng quyền. Phí bản quyền thường niên dao động trong khoảng 4,6 – 12,5% tùy ngành.

Các loại hình nhượng quyền thương hiệu

Nhìn chung tùy vào điều kiện trao đổi giữa hai bên mà thị trường ghi nhận được các hình thức nhượng quyền thương hiệu dưới đây:

1. Nhượng quyền kinh doanh không toàn diện

Nhìn chung, nhượng quyền kinh doanh không toàn diện được hiểu là bên nhượng quyền chỉ trao một phần mô hình kinh doanh cho bên nhận quyền, ví dụ như nhượng quyền sản phẩm, nhượng quyền sử dụng logo thương hiệu, nhượng quyền sản xuất,…

Nhượng quyền sản phẩm (hoặc phân phối)

Nhượng quyền sản phẩm hoặc phân phối sản phẩm là cái nôi đầu tiên của hình thức nhượng quyền thương mại. Theo đó, nhà sản xuất sẽ trao quyền phân phối sản phẩm cho các đại lý. Đối với mô hình này, các đại lý phải trả khoản phí để được phép bán những sản phẩm đã đăng ký nhãn hiệu của nhà sản xuất trong phạm vi và thời gian nhất định.

Tập đoàn Singer là đơn vị đầu tiên áp dụng mô hình nhượng quyền để phân phối máy may của mình. Sau đó, hình thức này cũng được lan rộng đến các ngành công nghiệp dầu khí, ô tô và nước giải khát.

Nhượng quyền sản xuất

Theo thỏa thuận này, bên nhượng quyền sẽ trao cho các đại lý quyền sản xuất và phân phối sản phẩm tại một khu vực hoặc thị trường cụ thể. Đây là hình thức nhượng quyền phổ biến trong ngành nước giải khát.

Nhượng quyền sử dụng nhãn hiệu

Bên nhận nhượng quyền có thể sử dụng logo (nhãn hiệu) của bên nhượng quyền để phục vụ cho các mục đích kinh doanh khác.

2. Nhượng quyền kinh doanh toàn diện

Hiện nay nhượng quyền kinh doanh toàn diện là hình thức phổ biến nhất. Theo đó, bên nhượng quyền sẽ thỏa thuận chuyển giao một loạt các ‘công thức’ kinh doanh cho bên nhận quyền, bao gồm kỹ thuật kinh doanh, công thức điều hành quản lý doanh nghiệp, lập kế hoạch chiến lược tiếp thị, đào tạo nhân viên, vận hành sản xuất và hướng dẫn kiểm soát chất lượng đầu ra.

3. Nhượng quyền quản lý

Bên nhượng quyền sẽ cung cấp người quản lý và điều hành doanh nghiệp. Hình thức này phổ biến trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn.

4. Nhượng quyền đầu tư vốn

Bên cạnh việc sử dụng thương hiệu và mô hình kinh doanh, bên nhận quyền sẽ tham gia đầu tư vốn với tỷ lệ nhỏ. Mục tiêu là để trực tiếp tham gia kiểm soát và điều hành hệ thống kinh doanh.

Nhượng quyền kinh doanh bất động sản hoạt động như thế nào?

Tương tự, nhượng quyền kinh doanh bất động sản hiện nay được xếp vào mô hình nhượng quyền kinh doanh không toàn diện. Trong đó, một cá nhân hoặc doanh nghiệp được phép sử dụng thương hiệu của bên nhượng quyền để cung cấp dịch vụ cho khách hàng tại một địa điểm cố định hoặc thông qua các thiết bị trực tuyến. Chủ thể chính của thỏa thuận nhượng quyền này thường là môi giới và các đại lý.

Hình thức nhượng quyền kinh doanh bất động sản thường được các công ty môi giới sử dụng để tuyển thêm đại lý nhằm mở rộng thị trường kinh doanh. Theo đó, các chủ đầu tư sẽ cho phép các đại lý phân phối sản phẩm của mình. Đối với các hình thức nhượng quyền dịch vụ môi giới bất động sản, bên nhượng quyền sẽ đào tạo và cung cấp cho bên nhận quyền danh sách những việc cần làm để giúp chốt đơn hiệu quả. 

Lúc này, lợi thế của bên nhận quyền là được truy cập vào ‘bộ máy’ điều hành chuyên nghiệp và hạn chế được những rủi ro do thiếu kinh nghiệm. Bên cạnh đó, bên nhận quyền cũng được hỗ trợ tư vấn, quản lý, pháp lý, thậm chí là tài chính từ nhà nhượng quyền.

Một số dịch vụ nhượng quyền kinh doanh bất động sản phổ biến bao gồm:

1. Nhượng quyền dịch vụ mua bán nhà: công việc của bên nhượng quyền là cung cấp gói giải pháp toàn diện cho bên nhận quyền để tiết kiệm thời gian mua bán nhà của khách hàng. Các công việc có thể được yêu cầu, bao gồm: thủ tục pháp lý, kỹ năng đàm phán, cách sử dụng phương tiện tiếp thị và truyền thông để tìm kiếm người mua/ bán nhà,…

Có thể bạn chưa biết:

Tại Mỹ, RE / MAX được biết đến là một trong những nhượng quyền thương mại thành công nhất trong lĩnh vực bất động sản. Trong mô hình nhượng quyền kinh doanh của họ, mỗi đại lý riêng lẻ điều hành hoạt động kinh doanh riêng, nhưng lại cùng nhau chia sẻ một địa điểm văn phòng và phòng ban hành chính. Các đại lý đều được đào tạo chiến lược và tâm lý để khiến khách hàng chốt đơn nhanh chóng.

Được thành lập bởi Dave và Gail Liniger tại Denver, Colorado vào năm 1973 và nhượng quyền từ năm 1975, hiện nay RE / MAX hiện có hơn 124.000 đại lý trên toàn thế giới và đã thực hiện hơn 1 triệu giao dịch bất động sản.

2. Nhượng quyền dịch vụ cải tạo nhà và bán lại: đây là ‘ngách’ kinh doanh có thể thu về món lời béo bở. Tuy nhiên trở ngại của hình thức này là đòi hỏi số vốn đáng kể cùng với hiểu biết sâu về lĩnh vực xây dựng. Như vậy, bên nhận nhượng quyền có thể tuyển đại lý và cung cấp gói đào tạo và tư vấn để họ học hỏi thêm kinh nghiệm cải tạo nhà và bán lại của doanh nghiệp.

Có thể bạn chưa biết:

HomeVestors of America hoạt động theo hướng mưa lại những ngôi nhà xấu xí với giá rẻ, sau đó tiến hành sửa chữa, cải tạo và bán chúng để thu lợi nhuận. Khi nhận thấy mô hình kinh doanh phát triển tốt, HomeVestors đã tiến hành nhượng quyền vào năm 1996. Tính đến năm 2012, doanh nghiệp đã sở hữu 1.154 đại lý trong đó không có đơn vị nào thuộc sở hữu của công ty.

3. Nhượng quyền dịch vụ truyền thông và ứng dụng công nghệ bất động sản: bên nhượng quyền cung cấp hỗ trợ tiếp thị bao gồm các mẫu quảng cáo trên các phương tiện truyền thông, SEO, phát triển website, tiếp thị qua mail,…

Có thể bạn chưa biết:

Keller Williams tự hào trong việc dẫn đầu mô hình chuyển nhượng thương mại bất động sản bằng công nghệ. Không chỉ lên chiến lược bài bản, Keller Williams còn tung ra bộ ứng dụng CRM để giúp các đại lý quản lý mối quan hệ khách hàng tốt hơn, các thủ tục hợp đồng được đơn giản hóa và giao dịch diễn ra nhanh chóng, khép kín.

Keller Williams thành lập vào năm 1983 và 4 năm sau đó công ty bắt đầu nhượng quyền thương mại bất động sản. Hiện nay tổng số đại lý Keller Williams sở hữu ở mức gần 170.000 đơn vị.

4. Dịch vụ quản lý tài sản: cung cấp giải pháp trọn gói để quản lý nhiều tài sản cùng lúc, đảm bảo các tòa nhà, nhà phố, căn hộ,… luôn ở trạng thái tốt nhất. Bên nhượng quyền sẽ đào tạo cho bên nhận quyền các nghiệp vụ liên quan đến kiểm tra tài sản, cách bảo trì hệ thống tiện ích, cách tiết kiệm chi phí bảo trì, cung cấp chuyên gia thiết kế cảnh quan,…

Nhượng quyền thương hiệu bất động sản có khó không?

Hình thức nhượng quyền thương hiệu kinh doanh bất động sản diễn ra rất phổ biến tại Mỹ bởi pháp luật tại đây quy định rất rõ các điều khoản bảo vệ quyền lợi của hai bên nhượng quyền và nhận nhượng quyền. Ví dụ như yêu cầu người nhượng quyền BĐS phải cung cấp hợp đồng và điều khoản trước khi người nhận chuyển nhượng ký. Bên nhận nhượng quyền có 14 ngày để tham khảo báo cáo tài chính, kiểm tra tình hình kinh doanh của đối tác trước khi quyết định ký hợp đồng. Ngoài ra, các hình thức phạt vi phạm và đền bù thiệt hại cũng được quy định chi tiết.

Từ năm 2005, nhượng quyền kinh doanh cũng “nhăm nhe” phát triển tại Việt Nam nhưng nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi triển khai do thiếu khung pháp lý riêng. Ban đầu, Công ty địa ốc Hoàng Quân cũng có kế hoạch franchise mô hình kinh doanh nhà trọn gói bao gồm dịch vụ tư vấn, thẩm định, môi giới, xây dựng,… nhưng cuối cùng vẫn không thực hiện được. Sau đó, liên tiếp các Công ty môi giới địa ốc Vinaland, Công ty địa ốc Phúc Đức cũng có kế hoạch xúc tiến mô hình franchising mô hình nhưng phải từ bỏ ý định.

Cho đến tận đầu năm 2022, khi hình thức nhượng quyền dần trở nên quen thuộc trong giới kinh doanh, ERA Real Estate Vietnam là doanh nghiệp bất động sản quốc tế đầu tiên phát triển nhượng quyền mô hình kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản. Ba đơn vị nhận nhượng quyền là ERA Sol, ERA Capital và ERA Century sẽ được sử dụng thương hiệu ERA Real Estate trong các hoạt động kinh doanh lĩnh vực môi giới bất động sản và mô hình kinh doanh, tiếp cận các nền tảng công nghệ, hệ thống đào tạo chuẩn mực quốc tế và danh mục dự án phân phối từ ERA Vietnam.

Tuy pháp lý đã được gỡ, nhưng một chuyên gia trong ngành bất động sản nhận định, franchise trong lĩnh vực bất động sản gặp vẫn nhiều khó khăn do đòi hỏi mô hình quản lý và nguồn vốn đầu tư khá lớn.

Trên thế giới, chi phí nhượng quyền thương hiệu bất động sản đang rơi vào mức trung bình khoảng 87.000USD đến 114.000USD. Trong đó, chi phí ban đầu cho một giao dịch nhượng quyền dao động từ 5.000 – 75.000USD tùy thương hiệu. Tại Mỹ, mức phí chuyển nhượng của Keller Williams khoảng 183.000 – 337.000USD, trong đó mức phí ban đầu là 35.000USD; mức phí chuyển nhượng ban đầu của Công ty Coldwell Banker Real Estate từ 13.000 - 25.000USD; mức phí chuyển nhượng ban đầu của Công ty bất động sản NextHome khoảng 3.750 – 8.000USD.

Hồng Linh