Doanh nghiệp bất động sản rục rịch huy động vốn

Hoàng Vy
Sức nóng huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản tiếp tục tỏa nhiệt dẫu cơ quan quản lý đang có động thái kiểm soát chặt chẽ. Trong thời gian ngắn, nhiều “ông lớn” như Nam Long, Khang Điền… đã vay hàng nghìn tỷ đồng.

Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (NLG) gần đây thông báo đã hoàn tất các thủ tục để nhận giải ngân 1.000 tỷ đồng từ International Finance Corporation (IFC) - thành viên của Ngân hàng Thế giới. Số tiền này được giao dịch bằng hình thức trái phiếu. Theo kế hoạch ban đầu, số vốn nghìn tỷ sẽ được tài trợ cho dự án Waterpoint giai đoạn 2 (190 ha với khoảng 6.538 sản phẩm) tại Long An.

Cũng huy động vốn mạnh nhưng Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (KDH) chọn vay ngân hàng. Vừa qua, Hội đồng quản trị đã thông qua việc cam kết bảo lãnh cho công ty còn là Công ty TNHH MTV Đầu tư Kinh doanh Nhà Khang Phúc vay vốn tại Ngân hàng Vietinbank. Doanh nghiệp này sẽ vay với hạn mức tối đa gần 4.620 tỷ đồng để thanh toán chi phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho dự án Tân Tạo A với kỳ hạn 84 tháng.

Bên cạnh đó, ban lãnh đạo KDH cũng thông qua việc công ty con là Công ty TNHH Tư vấn Quốc tế đồng ý cho công ty con của mình là Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Bình Trưng thế chấp dự án Khu nhà Bình Trưng Đông (TP HCM) dùng làm tài sản đảm bảo cho khoản vay của Khang Phúc tại Vietinbank tối thiểu 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra, nhóm công ty này cũng thế chấp nguồn thu phát sinh từ dự án Bình Trưng với giá trị nguồn thu chia sẻ tương đương mức cấp xtối đa của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất Bình Trưng cho khoản vay của Khang Phúc tại Vietinbank. Việc này được thực hiện sau khi dự án được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Không chỉ các “ông lớn” với số tiền vay lên đến hàng nghìn tỷ đồng, một số doanh nghiệp bất động sản cũng rục rịch huy động vốn. Trong tháng 5, Hiệp hội Thị trường trái phiếu (VBMA) cho biết nhóm địa ốc bắt đầu phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trở lại nhưng số lượng ít. Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh địa ốc Mỹ Phú phát hành 700 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Hội An Invest cũng có vài đợt phát hành với số vốn nhiều nhất là 300 tỷ đồng. Bất động sản An Gia cũng phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu…

Cơn khát vốn của doanh nghiệp bất động sản diễn ra trong bối cảnh quỹ đất còn nhiều nhưng nguồn cung thị trường lại hạn chế. Theo CBRE, nguồn cung căn hộ mới tại TP HCM quý đầu năm giảm 48% so với cùng kỳ, mức thấp nhất theo quý kể từ năm 2013. Tại Hà Nội, nguồn cung căn hộ sơ cấp quý I/2022 giảm hơn 20%.

Báo cáo mới đây của Ứng dụng đầu tư chứng khoán Anfin chỉ ra, trong đầu năm, đa số các doanh nghiệp bất động sản đều chứng kiến sự giảm sút cả về doanh thu và lợi nhuận. Chỉ có các doanh nghiệp bất động sản sở hữu quỹ đất lớn, cân đối tài chính lành mạnh như Khang Điền, Nam Long… tăng trưởng vẫn ổn định. Nguyên nhân một phần do chưa có nhiều dự án mở bán vào giai đoạn đầu năm. 

Mảng dân dụng khá ảm đạm nhưng bất động sản công nghiệp lại khá khởi sắc. Số liệu từ Anfin cho thấy, nguồn cung khu công nghiệp mới trên cả nước dự kiến đạt hơn 7.500 ha. Cụ thể, thị trường Long An và Bình Dương được dự báo sôi động với nhiều dự án đang đưa vào khai thác và giá thuê duy trì mức cao. Trong quý I/2022, đa số các doanh nghiệp bất động sản công nghiệp có kết quả kinh doanh khá tốt.

Doanh nghiệp Doanh thu Q1/2022 (tỷ đồng) Thay đổi (% svck) Lợi nhuận ròng Q1/2022 (tỷ đồng) Thay đổi (% svck)
VHM 8.923 -31% 4.540 16%
NVL 1.956 -57% 1.079 101%
CRE 1.942 -5% 145 18%
DXG 1.792 -39% 270 -49,2%
BCG 1.253 98% 271 130%
HDG 684 -49% 244 -24%
PDR 625 7% 282 12%
NLG 587 149% 1 -100%
DIG 519 4% 63 54%
KDH 143 -83% 299 46%
VGC 3.833 62,5% 702 153,2%
SIP 1.476 10,9% 230 23,5%
IDC 1.673 60% 255 381,2%
KBC 692 -65% 481 -19,8%
ITA 64 -64,2% 16 -71,6%
LHG 114 3,7% 49 48,9%
SZC 277 55,6% 75 -5,3%
NTC 53 -21,9% 82 -27,7%

Y Khải