Nỗi lòng nhà hẻm thời dịch 

Bảo An
Khi nhiều người chê chung cư bị phong toả khi chỉ có một ca F0 thì nhà hẻm cũng đang ngấm những phiền toái đến từ các lệnh giãn cách.

Bình thường đã ồn, tất cả ở nhà thì...

Chị Ngân Tuyết ở  P.Tương Mai, Q.Hoàng Mai Hà Nội cho biết, bình thường khu nhà chị ở tuy là ngõ nhỏ, đông dân cư nhưng khá yên tĩnh vì người lớn đi làm, trẻ con đi học. Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh bùng phát trở lại, trẻ em ở nhà, rồi giãn cách xã hội thì người lớn cũng ở nhà, thế là ngõ nhỏ trở nên ồn ào. TIếng trẻ con nói chuyện suốt ngày đêm, tiếng khóc vì chị em cãi cọ, tiếng la hét ăn vạ, có khi cả tiếng cha mẹ quát mắng vì không chịu ăn, vì nghịch phá... Nhiều lúc đang làm việc hay ngủ trưa tôi giật mình thon thót vì âm thanh vọng ra từ nhà hàng xóm. Stress vì giãn cách thì ít, vì tiếng “lợn kêu con khóc" thì nhiều". 

Còn chị Bảo Ngọc ở Ấp Chiến Lược, quận Tân Phú rất bức xúc vì nạn karaoke sáng đêm. Chị kể: “Hẻm nhà tôi chủ yếu là dân buôn bán, bình thường chỉ cuối tuần họ mới tụ tập ăn nhậu gây ồn ào, nhưng gần hai tháng nay ai cũng ở nhà, thế là ngày nào cũng ăn nhậu, hát karaoke. Có khi 3-4 nhà gần nhau hát, mở cửa, âm thanh loạn xạ đinh tai nhức óc. Phải nói là vấn nạn, muốn nghỉ ngơi thư giãn chút cũng không xong”.

“Nhưng biết làm sao được mùa này không đi làm, ở nhà xem tivi hoài cũng chán, nhà nhỏ đông người sinh hoạt rất bất tiện, thôi thì lấy karaoke làm vui thôi chứ biết sao giờ", chị hóm hỉnh tâm sự thêm.

Hẻm càng nhỏ và sâu càng khó giãn cách 

Anh Nhật ở Hiệp Bình Phước cho biết hẻm nhà anh mọi người dường như vẫn sinh hoạt bình thường: trẻ em ra ngoài tụ tập, người lớn ngồi tán chuyện, không chấp hành 5K. “Cách đây hai tuần, ngày trong khi thành phố đang trong chỉ thị 16, tôi ngủ trưa thì tự nhiên nghe tiếng rao bánh mì. Mới đầu tôi còn tưởng mình mơ, nhưng thức dậy chảy ra cửa coi thì đúng là giữa hẻm đang xúm lại lố nhố mua bánh mì thật".

Thực tế, càng trong hẻm nhỏ và sâu thì công an dân phòng càng ít vào kiểm tra dẫn đến tình trạng nhiều nhà vẫn dửng dưng với dịch bệnh, đi lại sinh hoạt bình thường, làm ảnh hưởng tới những gia đình chấp hành nghiêm quy định. Đã có không ít trường hợp chỉ do sự chủ quan, thiếu ý thức của 1-2 người mà làm liên luỵ đến cả hẻm với hàng trăm hộ dân bị phong toả.

222555805-352397509721612-1614864141738716399-n-1627999061.jpg
Hẻm càng nhỏ và sâu càng khó giãn cách. Ảnh: Mèo Ác

Theo chị Thiên Hương, điều chị khó chịu nhất gần đây là dân trong hẻm gọi phường xuống dựng rào đầu hẻm dù nơi đây không có ca mắc. Họ giải thích rằng muốn bảo vệ hẻm nhưng thật ra là do hẻm nhỏ, nhà nhỏ ngột ngạt, họ muốn được tự do ra ngoài ngồi nên dựng rào chắn đầu hẻm. Việc này khiến tình trạng những người cuối hẻm phải đi bộ ra nhận đồ ship, có khi bu đen bu đỏ ngay rào chắn không đảm bảo giãn cách. Thêm nữa, một số người tàn tật, bị thương không thể đi bộ rất khó lòng ra đầu hẻm nhận hàng. “Tôi nghĩ nếu ai cũng tuân thủ ở trong nhà, shipper đến tuân thủ khoảng cách giao hàng cho từng nhà thì vẫn tốt hơn cả xóm ra ngồi ngoài cửa, rồi một nhóm người chen chúc ngay rào chắn để nhận hàng, rất dễ lây nhiễm bệnh", chị ý kiến thêm.

Kết nối thông tin cộng đồng ít và rời rạc  

“Ai cũng nói ở chung cư chỉ nhà nào biết nhà nấy, không có tình hàng xóm. Tôi thì thấy ngược lại. Ở nhà phố ngày ngày thấy nhau đó nhưng sự tương tác rất ít. Nếu bạn ở nhà thường xuyên thì may ra có vài hàng xóm kế bên lâu lâu hỏi han nhau, còn bạn đi làm cả ngày thì khó cảm nhận cộng đồng. Hầu như mọi thông tin đều đến từ tổ trưởng tổ dân phố. Mà ở khu tôi từ đầu mùa dịch tổ trưởng đã “biến mất", nếu không đọc báo thì xác định là không biết gì luôn", chị Bảo Ngọc thông tin.

Theo một người làm công tác tổ dân phố lâu năm (giấu tên) thì các cộng đồng cư dân nhà phố có nhiều thành phần rất khác nhau, phong cách sống rất khác nhau nên để tập hợp lại rất khó khăn chứ không dễ như chung cư. Khi có việc cần mà đi đến từng nhà để gặp tất cả mọi nhà là việc không khả thi. Người nào phải năng động lắm mới có khả năng lập ra một group zalo hay viber để trao đổi tình hình. Chính vì thế, cộng đồng dân cư nhà phố, nhà hẻm ít có sự tương tác hơn. 

224925597-2902682580049388-6468233131892767646-n-1627999220.jpg
Những con hẻm nhỏ càng khiến thời gian giãn cách thêm ngột ngạt. Ảnh Trương Văn Vị 

Nhưng nhà hẻm cũng có “this” có “that”

Chị Minh Thắm ở P.5 Gò Vấp cho biết hẻm nhà chị là hẻm cụt, chỉ tầm 15 gia đình mới về xây nhà nên biết rõ nhau. Mùa dịch này mọi người đã đoàn kết lại càng đoàn kết. Tuy không sang nhà nhau chơi nhưng luôn liên lạc thông tin. Một chị đặt đồ thì cả hẻm cùng đặt để chia nhau tiền ship. Vừa rồi thành phố đóng cửa chợ, mấy hôm đầu bối rối, may có hàng xóm san sẻ nhau từ bó rau con cá mà vượt qua được.

Hay như anh Hoà ở P.15 Bình Thạnh tâm sự, vừa rồi khu anh ở có vài ca F0, thế là cả hẻm bị phong toả chặt. Các gia đình đã tích cực giúp đỡ nhau từ miếng ăn, viên thuốc. “Ngày thường ai cũng tất bật đi làm không nhớ mặt nhau nhưng khi dịch giã thấy quý tình làng xóm. Hẻm nhà tôi không phân biệt người chủ hay thuê trọ, khi bị cách ly mọi người tự động đùm bọc chia sẻ, không để ai thiếu đói. Mấy chị công nhân trong nhà trọ được giảm tiền nhà, được tặng rau cá, gạo. Chúng tôi có đại diện kêu gọi sự giúp đỡ từ bên ngoài cho những gia đình khó khăn. Giờ đây tuy đã gỡ phong toả nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục ở nhà, dìu nhau qua mùa dịch này”.

Ngọc Anh