Gần đây, báo chí đồng loạt đưa tin Novaland sẽ tiếp nhận dự án Kenton Node (Nhà Bè, TP HCM) sau nhiều vòng thương thảo với chủ đầu tư cũ của dự án là Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên. Doanh nghiệp của ông Bùi Thành Nhơn sẽ làm mới dự án, dự kiến đổi tên thành Grand Sentosa và chính thức công bố ra thị trường vào cuối quý I năm nay. Giá trị thương vụ không được tiết lộ nhưng các sản phẩm thuộc dự án này khi tung ra sẽ rơi vào phân khúc căn hộ hạng sang.
Liên tiếp trúng thầu nhiều dự án lớn, tiềm lực của Novaland trở thành đề tài được nhiều người quan tâm. Thực tế, chủ đầu tư mới của dự án Kenton Node - Grand Sentosa vốn là một trong những doanh nghiệp vốn hoá lớn nhất thị trường, sức khoẻ tài chính thuộc hàng vững mạnh trong giới bất động sản.
Riêng năm 2021, kết quả kinh doanh của Novaland không quá thuận lợi khi chỉ hoàn thành 54% kế hoạch doanh thu và 84% kế hoạch lợi nhuận. Cụ thể, doanh thu thuần cả năm đạt hơn 14.900 tỷ đồng, tăng gần 3 lần năm liền trước. Điểm sáng là hoạt động chuyển nhượng bất động sản vẫn là xương sống của doanh nghiệp trong lúc thị trường đóng băng vì Covid-19, chiếm hơn 90% tổng doanh thu. Trong đó, theo Chứng khoán Yuanta, doanh thu từ các dự án khu nghỉ dưỡng tích hợp chiếm 56% và các dự án khu dân cư chiếm 44%. Novahills Mũi Né, Aqua City, Saigon Royal và Novaworld Phan Thiết là các dự án đóng góp phần lớn vào tổng doanh thu của doanh nghiệp.
Trừ đi chi phí, Novaland lãi sau thuế khoảng 3.460 tỷ đồng, giảm 11% so với năm 2020. Tuy vậy, lợi nhuận chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi với lợi nhuận hoạt động (operating profit) là 3.523 tỷ đồng, tăng khoảng 9 lần so với cùng kỳ.
Tài liệu của Chứng khoán Yuanta cũng cho biết, trong năm vừa qua, Novaland đã bán 6.613 căn, tăng 30% cùng kỳ và hoàn thành 94% kế hoạch bán trước (presales) của công ty. Nhưng cần lưu ý, mục tiêu này đã được điều chỉnh giảm từ 10.000 căn còn 7.000 căn hồi quý III/2021 do tình hình đại dịch phức tạp.
Số căn bán được tương ứng với giá trị hợp đồng là 84.000 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ với hai dự án chủ lực là Aqua City và Novaworld Phan Thiết. Với dự án khu đô thị ở Đồng Nai, Novaland bán được 3.673 căn với giá trị hợp đồng là 51.000 tỷ đồng. Dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại Bình Thuận tiêu thụ được 2.349 căn, ứng với 19.000 tỷ đồng. Ngoài ra, năm ngoái Novaland còn ghi nhận giá trị hợp đồng chưa tính vào doanh thu tăng 70% so với năm liền trước, đạt 178.000 tỷ đồng.
Về tình hình vay nợ, trong năm 2021, Novaland ghi nhận nợ vay tài chính lên đến 60.519 tỷ đồng. Con số này tăng 24% so với đầu năm và hiện cao gấp 1,5 lần vốn chủ sở hữu.
Doanh nghiệp này chủ yếu vay ngân hàng và phát hành trái phiếu. Chủ đầu tư dự án Aqua City vay Credit Suisse - Singapore khoảng 4.544 tỷ đồng cho Công ty Nova Hospitality - đơn vị hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng và quản lý các thương hiệu quốc tế trong hệ sinh thái của tập đoàn này. Ngoài ra, Novaland còn các khoản nợ đáng chú ý tại Vietinbank với hơn 5.438 tỷ đồng, được thế chấp bằng dự án ở phường Tam Phước (Biên Hoà, Đồng Nai).
Với kế hoạch năm nay, ban lãnh đạo Novaland kỳ vọng doanh thu sẽ đạt 35.000-38.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 6.000 tỷ đồng. Trong đó, Novaland muốn thu về 30.000-35.000 tỷ đồng từ khách mua nhà gồm 13.000 tỷ đồng đến từ pre-sales và 20.000 tỷ đồng từ các căn đã bán trước đó.
Về tài chính, Chứng khoán Yuanta tiết lộ, doanh nghiệp của ông Bùi Thành Nhơn có 835 triệu USD nợ vay đến hạn phải trả trong năm 2022 nên công ty có kế hoạch vay thêm 1 tỷ USD nợ mới trong năm nay. Dòng tiền chi ra trong năm nay sẽ gồm 17.000-19.000 tỷ đồng cho hoạt động xây dựng và 10.000 tỷ đồng cho các hoạt động M&A.
Ban lãnh đạo Novaland chia sẻ đã bổ sung thêm quỹ đất mới tại các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Lâm Đồng, Bình Thuận, Đồng Nai và Khánh Hòa trong năm ngoái. Quỹ đất của doanh nghiệp tăng lên 10.600 ha trong năm 2021. Novaland đặt mục tiêu sẽ có mặt trên 30 tỉnh, thành với quỹ đất kỳ vọng 57.200 ha vào năm 2030.