Quốc hội thông qua Luật Đất đai sửa đổi

Minh Triết
Với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Đất đai sửa đổi gồm 16 chương, 260 điều.

Sáng 18/1, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai sửa đổi với 432 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 87,63%). Luật Đất đai sửa đổi sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này. Điều 190 và Điều 248 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2024. Cùng với đó là nhiều quy định chuyển tiếp trong luật.

qh-1705548045.jpg
Quốc hội thông qua Luật Đất đai sửa đổi

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Luật Đất đai là dự án luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đồng thời cũng là dự án Luật rất khó và phức tạp.

Dự án Luật đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan chuẩn bị rất trách nhiệm, kỹ lưỡng, công phu qua nhiều vòng, nhiều bước.

Đây là dự án luật đã được Quốc hội thảo luận tại 3 kỳ họp, đồng thời cũng là dự án luật đã được hoàn thiện, tiếp thu ý kiến góp ý của trên 12 triệu lượt ý kiến của người dân, cử tri cả nước.

Luật Đất đai sửa đổi gồm 16 chương, 260 điều, tăng thêm 2 chương so với Luật Đất đai năm 2013 (bổ sung thêm 1 chương quy định về phát triển quỹ đất và tách chương thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành 02 chương), trong đó sửa đổi, bổ sung 180 điều, bổ sung mới 78, bỏ 30 Điều (do gộp 13 điều; bỏ 13 điều và tách 4 điều).

Luật Đất đai sửa đổi lần này được đánh giá có một số đặc điểm nổi bật. Cụ thể như về thu hồi, bồi thường hỗ trợ tái định cư, Luật đã quy định cụ thể các trường hợp nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, các dự án mà Nhà nước thu hồi trong trường hợp này phải là các dự án: Xây dựng công trình công cộng; xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp.

Các trường hợp khác, bao gồm nhiều nhóm tiêu chí như: nhà ở, khu sản xuất, phát triển quỹ đất, khoáng sản, công trình ngầm và các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để đấu giá, đấu thầu nhằm tăng thu ngân sách…. với 31 trường hợp cụ thể Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đã cơ bản bao quát.

Luật cũng đã quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội với nhiều điểm mới, bảo đảm dân chủ, công bằng, minh bạch, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.

Các bước thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất đảm bảo nguyên tắc có sự tham gia của người dân ở các giai đoạn, đảm bảo nguyên tắc người có đất bị thu hồi được bồi thường, tái định cư trước khi thu hồi đất….

Về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, Luật đã quy định cụ thể các trường hợp giao đất không thông qua đấu giá đấu thầu và các trường hợp phải thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, quy định cụ thể các trường hợp cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 18 của Trung ương.

Ngoài ra, Luật quy định rõ hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trong khu dân cư, đất nông nghiệp trong cùng thửa đất có đất ở sang đất ở hoặc chuyển mục đích sử dụng các loại đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở thì căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Mạc Ngôn