Cạnh tranh cao, cắt máu để giật khách

Nghề môi giới phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt, tranh giành khách hàng từ nguồn lực đông đảo trên thị trường. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có đến 300.000 môi giới hành nghề trong lĩnh vực này. Sức cạnh tranh cao, đòi hỏi người làm môi giới luôn phải tạo niềm tin với khách, thấu hiểu tâm tư, suy nghĩ, những thói quen để thuyết phục họ quyết định xuống tiền dự án. Với tài sản có giá trị lớn như bất động sản thì khách hàng luôn là những người thận trọng, để chốt dự án trải qua rất nhiều khó khăn. Điều này vô tình tạo nên áp lực vô hình chung đối với các môi giới làm nghề. 

Mặc dù trải qua một quá trình không mấy dễ dàng từ việc tìm kiếm khách hàng, giới thiệu sản phẩm vừa ý với nhu cầu của khách cùng những khoản chi phí chăm sóc khách hàng, nhiều môi giới “cay cú” khi rơi vào tình trạng bị mất khách vào giai đoạn chốt dự án. Không ít môi giới phải “cắt máu” chiết khấu, phí hoa hồng từ 50% đến 100% để lấy khách hoặc bán sản phẩm đảm bảo doanh thu công ty. 

Anh Minh Thành - môi giới bất động sản sàn giao dịch Rever tâm sự khi anh cũng từng rơi vào hoàn cảnh tương tự kể trên. “Anh nhớ nhất giao dịch dự án Green Field Bình Thạnh, khi đang hào hứng chốt dự án với số tiền 3 tỷ 200 triệu đồng, nhưng bất ngờ bị từ chối vì môi giới khác đã chiết khấu 15 triệu đồng cho khách với giá 3 tỷ 175 triệu đồng. Đó cũng là dự án đầu tay của anh, anh vô cùng tiếc nuối tại thời điểm đấy. Sau thất bại đó, anh mới “vỡ lòng” bài học rằng phải linh hoạt giảm trừ các chiết khấu để lấy khách và cạnh tranh với các môi giới khác, điều mà trước đó anh không hề hay biết”. 

Cũng như anh Thành, anh Tuấn - môi giới bất động sản tại thị trường TP HCM bộc bạch: “Chưa bao giờ anh gặp phải tình trạng “cắt máu” hoa hồng, giật khách nhiều như tại dự án Precia Quận 2. Mặc dù khách đã hẹn chốt dự án nhưng bùng lịch với nhiều lý do. Tìm hiểu anh mới biết, khách kinh qua nhiều môi giới khác với mức chiết khấu có lợi. Khách mua dự án khác rồi quay lại nhờ anh ra hàng với mức chuyển nhượng chiết khấu 1%, tính ra hoa hồng nhận lại chẳng được bao nhiêu”.  

dsc-1546-1523755898-vnex-1630743354.jpg

Nợ, giam phí hoa hồng

Trong giao dịch đầu tiên để nhận bán căn hộ cho khách hàng, người môi giới phải chuẩn bị một khoản tài chính không nhỏ để nộp cho chủ đầu tư (tiền ký cược). Số tiền này thường lên đến 30 - 50 triệu đồng, có khi hàng trăm triệu đồng. Các môi giới phải bỏ “tiền tươi” hoặc đi vay với nhiều rủi ro. Trong thời điểm này, các môi giới còn phải chi những khoản chi phí khác để marketing quảng cáo sản phẩm, mua dữ liệu khách hàng, chi phí chăm sóc khách hàng như đi lại, cafe,...Tính ra mức lợi nhuận phải trừ hao với nhiều khoản chi phí khác. 

Chị Trang - môi giới của sàn GM Holding chia sẻ: “Với một người chân ướt chân ráo vừa vào nghề như chị, để chốt được dự án là một khó khăn rất lớn song chị vừa phải tham gia đóng tiền vừa chờ hoa hồng từ chủ đầu tư. Điều này dẫn đến những bất lợi cho chị, nhất là thời gian nhận phí hoa hồng của trong giao dịch này cũng kéo dài 4 - 5 tháng, chị đã phải chi trả rất lớn các khoản tiền khác như tiền phòng, tiền đi lại,...”

Chủ đầu tư thường thanh toán phí hoa hồng theo tiến độ dự án. Thông thường khi khách hàng thanh toán 30% chi phí, môi giới sẽ nhận lại các khoản hoa hồng. Theo đó, nếu dự án gặp những trục trặc cần dự án có điều gì đó trục trặc trong các vấn đề về pháp lý hay thanh khoản thị trường kém thì lẽ tất nhiên khoản hoa hồng này sẽ bị chậm chi trả. Nhiều môi giới còn bị giảm trừ các khoản chi phí nếu mức thanh khoản đến từ dự án không mấy tích cực, các sàn bất động sản phải gồng mình chịu lỗ nếu dự án không triển khai đúng như tiến độ bàn giao.

Với các môi giới nhà đất chuyên về lĩnh vực đất nền thỉnh thoảng phải đối mặt với những trường hợp khách hàng không thanh toán hoa hồng sau khi hoàn thiện các thủ tục mua bán cần thiết. 

Nhiều tháng liên tục không chốt đơn

Với người làm môi giới bất động sản, giao dịch chốt đơn là cơ hội để họ kiếm thu nhập, duy trì cuộc sống và chăm sóc gia đình. Lương cứng theo thỏa thuận sẽ là hơn 4 triệu đồng/tháng nhưng thực tế, đa số các tháng nhận được chỉ khoảng hơn 1 triệu đồng sau khi trừ một số khoản. Tuy nhiên, những yếu tố biến động thị trường cùng những rủi ro như dịch bệnh ảnh hưởng đến công việc của các môi giới. 

Với làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát và kéo dài dai dẳng, môi giới bất động sản là một trong những nghề chịu tác động rất lớn. Hàng loạt địa phương có thị trường địa ốc sôi động đều thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Theo Báo cáo của Bộ Xây dựng: “Trong quý 2/2021, tại Hà Nội có 1.094 giao dịch nhà ở thành công, bằng khoảng 20% so với quý trước; tại TP. Hồ Chí Minh có 3.002 giao dịch thành công, bằng khoảng 87% so với quý trước.

d7n-5213-1533381391-vnex-1630743387.jpg

Ông Nguyễn Văn Đính - Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định thị trường bất động sản đang vô cùng khó khăn. Các chỉ thị về giãn cách, không tập trung đông người khiến các sự kiện mở bán, giới thiệu sản phẩm không tổ chức được. Do đó, nhiều sàn rơi vào tình cảnh không có hàng để bán. Đã có những sàn bị phá sản vì không chống đỡ được COVID-19. 

Nghề môi giới không mấy dễ dàng, người làm nghề phải đối diện với muôn vàn khó khăn, sức cạnh tranh vô cùng lớn. Để đứng vững với nghề cần phải tự trang bị những kiến thức của riêng mình, xây dựng thương hiệu hình ảnh của chính mình. 

Quy luật đào thải khắc nghiệt 

Nhiều môi giới làm việc trong nghề vẫn thường cho rằng để đến và ở lại với nghề là một cái “duyên”, không phải ai cũng làm được. Số người đến với nghề môi giới rất lớn, không phân biệt công việc, lĩnh vực khác nhau trước đó, song số người đi cũng không ít, có người làm 1 -  2 tháng đã bỏ nghề nhưng người khác lại muốn gắn bó lâu dài.

Nghề môi giới có sức hấp dẫn nhiều người với những “tin đồn” về khoản thu nhập khủng, mức hoa hồng từ chục đến trăm triệu đồng mỗi tháng nếu dự án bán thành công. Hình ảnh của nghề thường được gắn với “mác” cuộc sống sang chảnh, ăn mặc bảnh bao, chụp ảnh đó đây. 

Chính những hào nhoáng bên ngoài, nhiều người vẫn lầm tưởng nghề môi giới dễ kiếm tiền với các khoản hoa hồng đúng như mong đợi mà không cần đòi hỏi quá nhiều kỹ năng, kiến thức. Chỉ khi bắt tay vào nghề hay lắng nghe những trải lòng của người làm môi giới mới hiểu thấu được nghề không trải thảm đỏ cho những ai ưa sự dễ dàng, bởi hoa hồng luôn chứa đầy gai nhọn.