diem-danh-ong-lon-1625833378.jpg

Với môi giới, gặp gỡ khách hàng là một trong những hoạt động quyết định đến yếu tố ‘chốt đơn’, đặc biệt là đối với những sản phẩm cao cấp, giá trị hàng tỷ đồng cho một suất đầu tư. Thế nhưng, với dịch bệnh và đặc biệt là lệnh giãn cách toàn TP HCM đã chôn chân hàng loạt môi giới ở nhà. Không thể gặp khách hàng, không thể đi xem dự án, không thể đến nhà mẫu… vậy thì có cách nào để bán được hàng? Làm thế nào chốt sale trong mùa dịch hay ở nhà ‘nghỉ dưỡng’ đợi ngày trở lại? 

Chúng tôi đã hỏi một số môi giới chuyên nghiệp và đây là câu trả lời của họ.

Dung Judy (Nhân viên Kinh doanh tại Rever): Ai mua thì mua, không mua rồi cũng sẽ mua

Tính ra mình làm ở nhà hơn một tháng nay rồi. Ở nhà mấy tuần này thì công ty cho họp online hằng ngày, tích cực training dự án online rồi tăng gia nói chuyện với khách hàng là chính. Chứ mọi hoạt động dẫn khách đi xem nhà đều phải dời lại rồi. Tình hình chung là vậy mà đâu thể khác được.

4cdbce99170ee350ba1f-1625833437.jpg
Dung Judy tận dụng thời gian ở nhà để kết nối với khách hàng.

Không còn các phương tiện gặp gỡ trực tiếp, mình chọn cách kết bạn với khách hàng tiềm năng trên mạng xã hội, gửi mail cho khách trong data do công ty gửi. Tiện thể ở nhà thì đăng bài với cập nhật tình hình thị trường cho khách hàng và mọi người trên mạng xã hội, giới thiệu dự án mới cho mọi người. Mình cứ đùa với đồng nghiệp cho đỡ căng thẳng trong mùa này: “Ai mua thì mua, không mua thì mua”. Ý là mọi người cũng nên giữ bình tĩnh, sau dịch rồi tình hình buôn bán lại tươi vui, lại dẫn khách đi đây đi đó ầm ầm, không có gì phải lo.

Lê Giáng Ngọc (Quản lý Quan hệ khách hàng cho một dự án ở Phan Thiết): Ở nhà vẫn quần áo, tóc tai như lên công ty

Không biết mọi người thấy sao chứ mình thấy tình hình bán buôn vẫn ‘pằng pằng’, tức đơn vẫn chốt được như thường. Có đồng nghiệp của mình có doanh số tốt, bán liền hai căn villa giá trị trăm tỷ là thường. Chủ yếu do nhóm khách hàng của mình cũng đầu tư quen rồi, họ không cần nhất thiết phải đi tận nơi, đến tận chỗ. Khách nếu cảm giác sản phẩm tốt thì vẫn có thể xuống tiền mà không chần chừ.

Dĩ nhiên nói như vậy nhưng bán hàng trong ‘thời dịch’ cũng không phải dễ. Ở nhà và không có gì ràng buộc thì môi giới dễ sinh ra cảnh ‘ăn không ngồi rồi’ trong khi kết quả công việc cuối ngày và KPI vẫn phải report. 

Do đó để tạo động lực và thói quen làm việc, thì sếp mình yêu cầu mọi người vẫn giữ timeline như làm ở công ty. Kể cả tóc tai áo quần cũng nên chỉn chu như đi làm trên công ty, một phần để mình có mood làm việc và giảm sự uể oải. Ngoài ra, team cũng dùng app Zalo và Teamsoffice để họp hành, thông báo kết quả, rồi đọc thêm về dự án về chính sách ưu đãi. Đặc biệt là trong mùa dịch thì công ty có rất nhiều chính sách cho nhiều phương thức thanh toán khác nhau, mình nắm kỹ thì mới tư vấn cho khách được. 

208866563-1932716833572802-8098698494364925240-n-1625833531.jpg
Lê Giáng Ngọc cho biết ở nhà cô vẫn diện quần áo, trang điểm để tâm trạng phấn chấn, hoàn thành công việc hiệu quả.

Nguyễn Phương Anh (Nhân viên Kinh doanh - Đất Xanh Miền Nam): Khách ít hơn, nhưng ‘chất’ hơn, bán xong gọi tư vấn skincare, ăn uống

Mình cảm giác đợt dịch này là một khoảng thời gian để các môi giới có thể bứt phá. Trong khi người khác nghỉ ngơi thì mình cố thêm một xíu.

Ở nhà mỗi ngày thì lịch biểu của mình chia làm hai buổi. Một buổi mình tập trung training chuyên sâu. Bao gồm training với công ty để nắm sản phẩm, học thêm tiếng Anh để có thể tiếp cận khách hàng nước ngoài cũng là hướng đi phù hợp vì công ty mình sắp tới sẽ có nhiều dự án biệt thự, nhà phố, shophouse, nghỉ dưỡng. Chưa kể, mình còn dành nhiều thời gian để tìm hiểu dự án đối thủ, thị trường, khu vực. Tuy là môi giới, nhưng nếu nắm tốt thị trường thì mình không chỉ là người bán hàng, mà còn là người tư vấn, chuyên gia đối với khách hàng, tăng sự tin tưởng của họ hơn.

Buổi còn lại mình sẽ dành phần lớn thời gian để chạy quảng cáo trên các trang mạng xã hội để tìm khách, đăng tin lên các nền tảng, trang tin bất động sản và gọi salesphone cho khách hàng. Trong đợt dịch này thì mình hạn chế phần gọi điện thoại vì sẽ phần nào bị bật lại khá nhiều, chưa kể còn report số.

164569722-4114144268669532-970253178423677413-n-1625833679.jpg
Nguyễn Phương Anh tận dùng thời gian rảnh rỗi để tìm hiểu khách hàng, khám phá sở thích, đặc tính và 'khẩu vị' đầu tư của họ.

Tuy nhiên cũng trong đợt dịch này, đúng là khách có ít đi nhưng ‘chất’ thì hơn. Ngày xưa nếu mình chạy ads - cụ thể là zalo, thì lượt nhấn sẽ nhiều hơn và để lại thông tin nhiều hơn, nhưng lượng khách thật sự có nhu cầu ít trong số đó. Nhưng hiện tại khi Zalo ra số, số đó thực sự là người có nhu cầu. Chủ yếu là dân đầu tư, họ chỉ đợi xong dịch là đi xem dự án thôi. Chẳng hạn như mới hôm qua mình gọi một chị, sau khi tư vấn bán hàng xong mình và chị buôn chuyện cả tiếng coi chuẩn bị đồ ăn thức uống gì chưa, rồi nói về skincare, lối sống...

Pháp Trần (Môi giới, Tân Hoàng Phúc Land): Theo khách là theo tới cùng

Mình bắt đầu làm môi giới năm 2019, khi mới ra trường, thế là “ăn đủ" mấy đợt dịch. Năm ngoái còn chật vật xoay sở chứ năm nay quen rồi. Từ hồi cuối tháng 5 là công ty cho làm ở nhà, mỗi tuần lên văn phòng vài lần. Nhưng giãn cách 2 tuần từ 9/7 thì mình ở nhà. Thật ra làm ở nhà thấy bận hơn cả đi làm thật, bao nhiêu ứng dụng chat mở 24/7 để hỗ trợ khách hàng. Khách mình chủ yếu là khách thuê các chung cư cao cấp, có khi họ dọn vào ở vài tháng rồi vẫn liên lạc với mình nhờ hỗ trợ. Môi giới mà, theo khách là phải theo tới cùng nên dịch một tí thì mình cùng đợi, không sao cả. Chưa kể mình đang học lên đại học Ngân Hàng, thời gian giãn cách lại đúng đợt làm báo cáo thực tập. Trong cái rủi cũng có cái may, thôi thì tận dụng thời gian này cố gắng để ra trường đúng hạn, sau đó còn yên tâm đi làm. 

164569722-4114144268669532-970253178423677413-nda-1625833794.jpg
Pháp Trần (bên trái) cùng khách hàng