Được biết, thi công gói thầu trong Dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét là một mục tiêu trong chiến lược phát triển liên quan đến đường sắt và vươn tầm quốc tế của Đèo Cả.

hhv-tc-1711157358.jpg

Hôm 22/3, Tập đoàn Đèo Cả (HHV) tham gia xây dựng đường sắc 2.000 tỷ đồng tại Quảng Bình. 

Theo đó, đây là dự án đường sắt đầu tiên ở Việt Nam được thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA từ Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng.

Dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét gồm 2 gói thầu. Gói thầu XL01 có giá trị 552 tỷ đồng, thi công xây dựng 2 hầm đường sắt nằm trên địa phận xã Hương Hoá và Kim Hoá, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình. Trong đó, hầm 1 có chiều dài 620m dự kiến được xây dựng trong 23 tháng, hầm 2 có chiều dài 393m dự kiến được xây dựng trong 13,5 tháng, khổ hầm 10m, được thiết kế theo tiêu chuẩn hầm đường sắt cấp I.

Gói XL02 thi công xây dựng các công trình cầu, đường sắt, thông tin tín hiệu và các công trình còn lại do liên danh Ilsung - Tổng Công ty công trình đường sắt (RCC) thực hiện, thời gian thi công 22 tháng.

Tổng tuyến đường có chiều dài 6.819m, trong đó xây mới: 4.564m và cải tạo: 2.255m. Công trình chính bao gồm 2 hầm, 3 cầu và 1 ga tàu.

Dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét sẽ hoàn thành vào tháng 12/2025, sau khi hoàn thành, dự án sẽ cải thiện kết cấu hạ tầng đường sắt, nâng cao tốc độ, rút ngắn hành trình chạy tàu tuyến đường sắt Hà Nội - TP. HCM trong những năm tới, bảo đảm hoạt động giao thông vận tải đường sắt thống suốt, trật tự, an toàn, nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ vận tải.

Ông Ngọ Trường Nam - Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết việc trúng thầu xuất phát từ kinh nghiệm làm công trình sở trường là hầm đường bộ, đúc kết bài học trong công tác quản trị dự án, ứng dụng cải tiến phương pháp đào, kiểm soát tốt vật tư, vật liệu, nhân công,...góp phần tiết kiệm cho ngân sách nhà nước.

Đây cũng là sự chủ động, nâng cao năng lực, kinh nghiệm để chuẩn bị đón đầu công việc phát triển đường sắt, metro của Việt Nam như quy hoạch phát triển của ngành giao thông đã đặt ra.

"Tập đoàn Đèo Cả sẽ xem dự án này là thao trường để triển khai công tác đào tạo. Người công nhân được đào tạo nâng cao tay nghề, kỹ sư có khả năng thực chiến, ứng dụng công nghệ, nhà quản lý có thêm năng lực quản trị. Qua đó, tiếp tục nghiên cứu học tập các mô hình đường sắt trên thế giới để sẵn sàng hòa nhập khi phát triển mạng lưới đường sắt, metro đã được hoạch định trong thời gian tới", ông Nam cho biết thêm.