TPHCM sắp khởi công 8,7km Vành đai 3
Dự án 1A dài 8,7 km, thuộc Vành đai 3 với hạng mục quan trọng là cầu Nhơn Trạch nối TP HCM qua Đồng Nai sẽ khởi công vào ngày 24/9, giúp tăng liên kết vùng. Cụ thể, dự án 1A dài 8,7 km có hai hạng mục chính gồm: cầu Nhơn Trạch bắc qua sông Đồng Nai dài 2,6 km, rộng 19,5 m, kinh phí hơn 1.800 tỷ đồng và đường dẫn ở hai đầu cầu tổng chiều dài hơn 5,6 km.
Dự án 1A kết nối từ tỉnh lộ 25B, tỉnh Đồng Nai đến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 6.900 tỷ đồng từ vốn vay ODA của Hàn Quốc và nguồn đối ứng trong nước. Giai đoạn một, dự án làm đường rộng 20-26 m cho 4 làn xe, vận tốc 80 km/h. Khi hoàn thành, tuyến đường giúp rút ngắn hành trình từ Nhơn Trạch, Đồng Nai đến TP HCM và Bình Dương; tạo thuận lợi vận chuyển hàng hoá, hành khách...
Hà Nội sắp khởi công nhiều dự án giao thông
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội (Ban Giao thông) vừa đề xuất với UBND thành phố về tiến độ triển khai một số dự án từ nay đến cuối năm.
Theo đó, dự án xây dựng hầm chui Lê Văn Lương - vành đai 3 sẽ khánh thành vào dịp 10/10 (Ngày giải phóng Thủ đô). Cũng dịp này, thành phố dự kiến khởi công một số dự án, bao gồm:
Dự án hầm chui tại nút giao vành đai 2,5 với đường Giải Phóng có quy mô 4 làn xe với tổng chiều dài hầm và đường dẫn khoảng 890m theo hướng đường vành đai 2,5. Điểm đầu của hầm chui kết nối với dự án đường vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng - quốc lộ 1A; điểm cuối kết nối với đường Kim Đồng hiện hữu, cách vị trí giao cắt với quốc lộ 1A khoảng 460m.
Dự án tăng cường giao thông đô thị bền vững cho dự án đường sắt đô thị số 3 có tổng mức đầu tư trên 1.200 tỷ đồng. Theo đó, đường sắt đô thị số 3 Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5km, trong đó 8,5km đi trên cao (từ depot Nhổn đến Thủ Lệ) và 4 km phần ngầm (từ Thủ Lệ đến ga Hà Nội). Dự án có 12 ga (8 ga trên cao, 4 ga ngầm) đi qua các quận Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, trong đó điểm đầu là Nhổn, điểm cuối ga Hà Nội. Dự kiến cuối năm nay, đoạn trên cao đi vào hoạt động.
Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6, đoạn Ba La - Xuân Mai sẽ khởi công tháng 11 năm nay. Đoạn đường dài 21,7 km, điểm đầu tại địa phận Ba La, quận Hà Đông, điểm cuối tại thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, tiếp giáp huyện Lương Sơn của tỉnh Hòa Bình (không bao gồm đoạn qua thị trấn Chúc Sơn - huyện Chương Mỹ), mặt cắt ngang 50-60m.
Gia Lâm bứt tốc trước ngày lên quận
Với vị trí chiến lược, Gia Lâm đang chứng kiến sự thay đổi tích cực về dân số, hệ thống giao thông và hạ tầng xã hội. Khu vực này đang được đầu tư phát triển bài bản, đồng bộ. Là đơn vị đi sau các quận trung tâm, Gia Lâm có điều kiện thuận lợi để xây dựng trở thành đô thị xanh, thông minh, hiện đại. Đặc biệt là khi thành phố Hà Nội ra quyết định quy hoạch Gia Lâm lên quận vào năm 2023, vốn đầu tư rót về đây lại càng lớn hơn nữa.
Cụ thể, theo bản đồ quy hoạch huyện Gia Lâm giai đoạn 2021-2030 của Sở Tài nguyên và Môi trường, gần 200 dự án hạ tầng đang và sẽ được đầu tư ở Gia Lâm. Trong đó có thể kể đến các công trình giao thông trọng điểm kết nối nội bộ và khu vực lân cận.
Điển hình như cầu Vĩnh Tuy 2 đang thi công với chiều dài 3,5km, rộng gần 20m với 4 làn xe dự kiến hoàn thành trong năm 2023. Sau khi hoàn thành, cầu sẽ khớp nối với đường vành đai 2 trên cao, tạo ra trục giao thông hoàn chỉnh từ trung tâm Hà Nội tới khu vực phía Bắc và Đông bắc thành phố.
Bên cạnh cầu Vĩnh Tuy, phía Đông Hà Nội sẽ được dồn nguồn lực khổng lồ để xây dựng 3 cây cầu lớn khác bắc qua sông Hồng như cầu Ngọc Hồi (chạy qua sông Hồng đến xã Văn Đức, huyện Gia Lâm) và cầu Mễ Sở (đi đến địa bàn xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, Hưng Yên). Ba cây cầu này kết hợp cùng cầu Vĩnh Tuy 2 sẽ giúp kết nối toàn bộ Gia Lâm với khu trung tâm Hà Nội.
Cùng với các cây cầu, nhiều công trình hạ tầng giao thông quan trọng tại Gia Lâm cũng đã hoàn thiện như: nút giao Cổ Linh, đường Lý Thánh Tông, đường song hành và đường gom cao tốc Hà Nội – Hải Phòng… mở ra nhiều trục giao thông kết nối xuyên suốt khu vực phía Đông với các quận huyện, tỉnh thành lân cận, đưa Gia Lâm trở thành một đô thị trung tâm mới phát triển vượt bậc.
Bắc Ninh bổ sung 5 khu công nghiệp và 2 cụm công nghiệp
UBND tỉnh Bắc Ninh vừa có quyết định phê duyệt bổ sung 107 dự án, diện tích 644 ha vào kế hoạch sử dụng đất năm nay của các huyện, thành phố. Theo đó, trong lĩnh vực công nghiệp, tỉnh bổ sung 7 dự án, bao gồm 5 khu công nghiệp (KCN) và 2 cụm công nghiệp (CCN).
Các khu công nghiệp gồm: KCN VSIP Bắc Ninh II quy mô 82 ha do Công ty TNHH VSIP Bắc Ninh làm nhà đầu tư; KCN Quế Võ II giai đoạn 1 quy mô 30 ha do Tổng công ty IDICO - CTCP làm chủ đầu tư; KCN Yên Phong II-A quy mô 30 ha do Công ty Hạ tầng Western Pacific làm nhà đầu tư; KCN Thuận Thành 1 quy mô 40 ha do Tổng Công ty Viglacera làm nhà đầu tư; KCN Thuận Thành III - khu B quy mô 130 ha do CTCP Đầu tư Trung Quý Bắc Ninh làm nhà đầu tư.
Các cụm công nghiệp gồm: CCN Vạn Ninh - Cao Đức quy mô 44 ha do CTCP Đầu tư Xây dựng Kết cấu Hạ tầng Nam Bắc Ninh làm nhà đầu tư và CCN đa nghề Đông Thọ giai đoạn 2 bổ sung quy mô 7,5 ha do Công ty Địa ốc Sông Hồng làm nhà đầu tư.
Sân bay Long Thành dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2025
Bộ Giao thông Vận tải đốc thúc các đơn vị triển khai dự án sân bay Long Thành để khai thác chuyến bay đầu tiên vào ngày 2/9/2025.
Dự án sân bay Long Thành nằm tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, giai đoạn một có tổng đầu tư 4,6 tỷ USD, gồm một đường cất hạ cánh, nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách mỗi năm.
Tính đến nay, sân bay Long Thành bắt đầu san lấp mặt bằng và Đồng Nai đã bàn giao được hơn 2.420 ha giai đoạn một, đạt khoảng 94%. Dự kiến đến tháng 10 khởi công xây dựng nhà ga.