TP HCM được giao đến năm 2030 hoàn thành 69.700 căn nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành 26.200 căn, giai đoạn 2026 - 2030 hoàn thành khoảng 43.500 căn.
Trong giai đoạn 2021 – 2023, thành phố đã hoàn thành đưa vào sử dụng 2 dự án nhà ở xã hội với quy mô 623 căn hộ; 6 dự án nhà ở xã hội đang thi công với diện tích đất 12.95 ha, với quy mô 3.956 căn hộ. Năm 2024, phấn đấu hoàn thành 5 dự án với quy mô 3.398 căn.
Đối với nhà lưu trú công nhân, hiện trên địa bàn có 1 dự án nhà lưu trú công nhân đang thi công, với diện tích đất 2.01 ha và quy mô 1.040 phòng. Năm 2024, phấn đầu hoàn thành 1 dự án (một phần) với quy mô 367 căn.
Thành phố phấn đấu đến 2025 hoàn tất thủ tục pháp lý 37 dự án nhà ở xã hội, với quy mô khoảng 35.000 căn; hoàn thành đưa vào sử dụng 13 dự án, với quy mô khoảng 12.000 căn nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân.
Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu thì TP HCM vẫn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, trong đó có vấn đề về trình tự thủ tục đầu tư, thu hút vốn đầu tư phát triển dự án hay triển khai gói 120.000 tỷ đồng. Do đó, UBND TP HCM đề xuất một số giải pháp được kỳ vọng sẽ tiếp tục khơi thông phân khúc này.
Về trình tự thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội, UBND TP HCM đánh giá thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội phải thực hiện thêm các thủ tục, như xác định nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất, thủ tục miễn tiền sử dụng đất, thẩm định giá bán, giá thuê mua, giá thuê nhà ở xã hội hay các điều kiện về xác nhận đối tượng được hỗ trợ.
Điều này khiến số lượng thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội nhiều hơn so với dự án nhà ở thương mại, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện, tăng chi phí đầu tư, chưa thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia.
TP HCM kiến nghị Bộ Xây dựng trong quá trình tham mưu xây dựng Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội cần nghiên cứu đơn giản hoá và thống nhất việc thực hiện các thủ tục đầu tư dự ấn nhà ở xã hội.
Về suất vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, UBND TP HCM nhận thấy việc giảm suất vốn đầu tư khi xây dựng công trình nhà ở xã hội so với công trình thương mại sẽ ảnh hưởng chất lượng công trình khi chủ đầu tư giảm chi phí tối đa để phù hợp suất vốn đầu tư của Bộ Xây dựng.
Để đảm bảo chất lượng công trình xây dựng và phù hợp với tình hình thực tế về vật tư, nhân công và ca máy tăng cao hiện nay, TP HCM kiến nghị Bộ Xây dựng cho phép áp dụng suất vốn đầu tư xây dựng công trình nhà ở xã hội được áp dụng chung suất vốn đầu tư xây dựng công trình nhà ở thương mại.
Đối với chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng, mặc dù đã có chủ trương, tuy nhiên khi tiếp nhận hồ sơ thẩm định để cấp tín dụng cho các chủ đầu tư, các ngân hàng có quy định riêng về các điều kiện vay, nhằm đảm bảo thu hồi các khoản cho vay theo quy định.
TP HCM kiến nghị Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và môi trường, Ngân hàng nhà nước Việt Nam để thống nhất điều kiện tham gia vay ưu đãi gói tín dụng 120.000 tỷ đồng của Chính phủ theo hướng đơn giản thủ tục, điều kiện vay làm cơ sơ để các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư áp dụng thực hiện.
Liên quan tới vấn đề xác định chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật và các khoản chi phí hợp pháp khác và việc phân bổ các chi phí này vào quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội khi chủ đầu tư nhà ở thương mại thực hiện bàn giao quỹ đất ở 20% cho nhà nước để phát triển nhà ở xã hội, TP HCM kiến nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn cụ thể về cách thức xác định giá trị đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, cách thức phân bổ chi phí nêu trên của dự án nhà ở thương mại vào quỹ đất nhà ở xã hội bàn giao cho nhà nước.
Bên cạnh đó, hướng dẫn liên quan tới cơ quan chủ trì thẩm định giá trị đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, cách thức phân bổ chi phí nêu trên của dự án nhà ở thương mại vào quỹ đất nhà ở xã hội bàn giao cho nhà nước, việc kiểm toán (nếu có).
Ngoài ra, hướng dẫn về đơn vị và phương thức tiếp nhận quỹ đất, thanh toán cũng nằm trong đề xuất của TP HCM về vấn đề này.