5 điều bạn không nên nói với kiến ​​trúc sư tư vấn thiết kế

Lan Anh
Để duy trì tốt mối quan hệ với kiến trúc sư tư vấn thiết kế công trình, bạn nên tránh nói những điều sau. 

Khi quyết định xây nhà, bạn cần chuẩn bị khá nhiều cho việc xây dựng và hoàn thiện để có được thành phẩm cuối cùng hoàn mỹ. Bắt đầu từ việc lên kế hoạch, lập bảng chi phí, thu mua nguyên vật liệu cho đến quản lý nhân công. Các quá trình này sẽ tiêu tốn rất nhiều thời gian và công sức, vậy nên hầu hết các chủ nhà đều tìm đến sự giúp đỡ của các kiến trúc sư tư vấn thiết kế nhà. 

Chính vì thế mà việc giao tiếp và thiết lập cách thức làm việc với kiến ​​trúc sư luôn được ưu tiên trong suốt quá trình xây dựng các dự án. Bạn cần biết cách khen chê khéo léo để tránh mích lòng và chọn được những nhà tư vấn giúp bạn hình thành ngôi nhà tương lai.

Dưới đây là năm điều bạn không nên nói với kiến trúc sư để tránh tạo ra tình huống khó xử, cũng như tiến trình dự án được diễn ra suôn sẻ.

1. “Tôi đã lập kế hoạch rất chi tiết và cụ thể để thiết kế ngôi nhà”

Khi làm việc cùng với kiến trúc sư, sẽ rất tốt nếu bạn biết rõ phong cách thiết kế của ngôi nhà là gì. Bạn có thể trao đổi với kiến trúc sư bất kỳ những thông tin liên quan đến tính năng hoặc yêu cầu cụ thể những điều bạn muốn có trong ngôi nhà của mình.

thiet-ke-cong-trinh-min-1641284905.jpg

Tất nhiên khi bạn nói “Tôi đã lập một kế hoạch rất chi tiết và cụ thể cho phần thiết kế ngôi nhà” thì lúc này kiến trúc sư hiểu bạn đã có ý tưởng riêng cho từng chi tiết nhỏ trong ngôi nhà mơ ước của mình. Điều này đối với một kiến trúc sư mà nói cũng là một việc tốt, bởi họ sẽ không cần tốn quá nhiều công sức để lao động trí óc. Tuy nhiên, việc chủ nhà có sẵn bảng kế hoạch thiết kế chi tiết sẽ khiến họ có rất ít vị trí để thể hiện thế mạnh của bản thân và thiết kế một giải pháp sáng tạo. Việc thiết kế ngôi nhà từ đó mất đi niềm vui, sự ngạc nhiên và thú vị.

2. “Đối với tôi, bạn có kinh nghiệm làm dự án như thế này hay chưa không quan trọng”

Khi tìm kiếm kiến trúc sư tư vấn thiết kế cho nhà ở, bạn có thể sẽ gặp nhiều sự lựa chọn và dễ bị cám dỗ bởi những vị đã hoàn thành các công trình vô cùng ấn tượng trước đó. Và thật tốt nếu họ có thể góp tay vào xây dựng các công trình hoành tráng tương tự cho những dự án tương lai của bạn.

Tuy vậy, khi tìm được một vị kiến trúc sư tài giỏi bạn cũng đừng vội háo hức. Hãy chậm lại một nhịp để quan sát xem phong cách thiết kế của họ có phù hợp với không gian nhà ở mong muốn của bạn hay không. Nếu kiến trúc sư chỉ chuyên về các bản dựng quy mô lớn mang tính hiện đại, trong khi đó điều bạn cần là ngôi nhà lan tỏa cảm giác truyền thống thì có lẽ vị kiến trúc sư này không phải là nhà thiết kế dành cho bạn. Chính vì thế dù trong trường hợp nào bạn vẫn nên nghiên cứu thêm một chút và tìm một kiến trúc sư có kinh nghiệm thiết kế phong cách bạn đang muốn hướng đến.

3. “Bao nhiêu cũng được, tiền bạc không thành vấn đề”

Vấn đề tài chính là một thông số quan trọng. Bạn cần phải nắm rõ về vấn đề tài chính của mình khi trình bày ý tưởng và đưa ra những yêu cầu với kiến ​​trúc sư. Điều này giúp các kiến ​​trúc sư đảm bảo được rằng họ đang đưa ra các giải pháp khả thi với điều kiện kinh tế của bạn. 

kien-truc-su-tu-van-nha-o-min-1641284905.jpg

Một ngôi nhà phong cách Châu Âu rất đẹp, nhưng sẽ ngốn bộn tiền của bạn đấy

Bởi thiết kế nhà có muôn hình vạn kiểu, nếu bạn không kiểm soát chặt chẽ vấn đề tài chính thì vị kiến trúc sư của bạn có thể nghĩ ra điều gì đó xa tầm với, dẫn đến phát sinh những mối lo ngại tiềm ẩn và dự án dễ gặp thất bại.

Suy cho cùng, không phải kiến trúc sư muốn “vẽ vời”. Ai cũng muốn hai bên hợp tác suôn sẻ và có thể hiện thực hóa ý tưởng của mình. Vậy nên việc chủ nhà đưa ra mức ngân sách cụ thể sẽ tạo cơ sở để kiến trúc sư đưa ra những giải pháp tối ưu và tiết kiệm thời gian cũng như công sức của cả đôi bên.

4. “Tôi không biết mình muốn gì, anh/chị thiết kế sao cũng được”

Mọi thứ sẽ thật dễ dàng nếu bạn có một danh sách các tiêu chí và tính năng mà bạn muốn có sẵn trong ngôi nhà của mình. Ngoài điều này, bạn cần suy nghĩ một cách nghiêm túc và cẩn thận về cuộc sống trong ngôi nhà mới của mình.

thiet-ke-mo-min-1641284905.jpg

Không gian mở là xu hướng mới. Nhưng bạn có chắc mình cảm thấy vui khi sống trong ngôi nhà như thế này?

Bạn có thể thích thú khi sống trong một ngôi nhà có không gian mở được làm hoàn toàn bằng kính chịu lực nhưng hãy cân nhắc về cảm giác và xem xét những yếu tố riêng tư, ánh sáng mặt trời và khả năng giữ ấm của ngôi nhà trong những ngày giá rét. Hoặc, một ngôi nhà theo kiến trúc tối giản có vẻ hấp dẫn và đang nằm trong top xu hướng. 

Chắc chắn bạn sẽ không muốn gặp cảm giác "hình như đây không phải ngôi nhà của mình". Ví dụ như kiến trúc sư dựa theo xu hướng thiết kế một ngôi nhà ngập tràn màu sắc, nhưng thật không may bạn là người sống tối giản chỉ thích hai màu trắng - đen.

Chính vì thế hãy tập tưởng tượng về ngôi nhà mơ ước, về cách bạn sinh hoạt trong ngôi nhà đó để có thể biết rõ mình cần không gian sống như thế nào. Sau đó hãy chia sẻ những nguyện vọng này với các kiến trúc sư của mình để có thể xây dựng một ngôi nhà đẹp và như ý muốn.

5. “Tôi không thích thiết kế này lắm, nhưng chắc là anh/chị biết điều gì tốt nhất”

Kiến ​​trúc sư của bạn có rất nhiều ý tưởng và có thể đưa ra các giải pháp sáng tạo mà bạn có thể chưa từng xem xét đến. Nhưng phải thành thật với nhau rằng cuối cùng đây vẫn là ngôi nhà của bạn.

Nếu không thích điều gì đó mà kiến ​​trúc sư đề xuất, bạn chỉ cần nêu ý kiến và họ nên lắng nghe, chỉnh sửa thiết kế theo mong muốn của bạn. Bởi không có bất kỳ chủ nhà muốn thất vọng khi phải sống một ngôi nhà mà mình không yêu thích.

Chính vì thế, bên cạnh việc tìm kiếm một kiến trúc sư chuyên môn cao, họ cần phải là người biết thấu hiểu. Hãy chọn một kiến trúc sư mà bạn cảm thấy có thể nói chuyện một cách thoải mái và chân thành thì mối quan hệ giữa bạn và kiến trúc sư sẽ duy trì tốt đẹp. Điều này không chỉ đảm bảo ngôi nhà được hoàn thiện tốt nhất mà toàn bộ quá trình thi công xây dựng cũng diễn ra suôn sẻ hơn rất nhiều.

Kim Hoàn