Phòng thay đồ là gì?
Phòng thay đồ tiếng anh là Dressing Room, là căn phòng hoặc một khu vực trong ngôi nhà, được phân rõ chức năng để thay quần áo. Thông thường, phòng thay đồ được thiết kế kết hợp với phòng ngủ, được xem như một không gian bán công cộng (là không gian công cộng, nhưng vẫn tôn trọng tính riêng tư cá nhân) giúp chủ nhà có nhiều không gian để phân chia và bảo quản trang phục.
7 nguyên tắc khi thiết kế phòng thay đồ
Vị trí đặt phòng thay đồ
Xác định vị trí cần thiết kế phòng thay đồ là một trong những nguyên tắc quan trọng đầu tiên mà mọi người cần quan tâm. Vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến cả quá trình xây dựng, là nền tảng để mọi người có thể đưa ra những ý tưởng bài trí vật dụng nội thất ở các bước tiếp theo.
Nếu chủ nhà yêu thích sự thoáng đãng và diện tích nhà rộng rãi, có thể xây phòng thay đồ riêng biệt (walk-in closet). Hay nếu không đủ không gian, chủ nhà vẫn có thể xây một gian phòng thay đồ mini trong những phòng khác để tiết kiệm chi phí như: phòng thay đồ kết hợp phòng tắm hoặc phòng thay đồ kết hợp phòng ngủ.
Tùy theo diện tích ngôi nhà và sở thích cá nhân mà gia chủ có thể lựa chọn các vị trí thiết kế phòng thay đồ khác nhau sao cho tối ưu và phù hợp với không gian ngôi nhà của mình.
Không gian phòng thay đồ
Tùy theo nhu cầu mà mỗi phòng thay đồ sẽ có một thiết kế đặc thù. Nhưng nhìn chung, một căn phòng thay đồ cơ bản phải có đầy đủ các phân khu chức năng chính như: khu vực chứa quần áo, tủ đặt phụ kiện trang sức, khu vực để giày dép, đồng hồ, ví, cà vạt, mắt kính. Đặc biệt là đối với những người yêu mùi hương sẽ cần có thêm khu vực dành riêng cho các bộ sưu tập nước hoa.
Bên cạnh đó khi thiết kế phòng thay đồ, bạn cũng cần tính toán, đo đạc các không gian kỹ lưỡng như:
- Chiều dài, chiều rộng của tủ quần áo: Tính toán số lượng móc treo, hộc đựng quần áo đã gấp và sức chứa của tủ
- Phụ kiện đi kèm: Tủ quần áo trong phòng thay đồ phải có đủ các ngăn chứa thiết kế riêng cho từng loại phụ kiện, trang sức đi kèm.
- Diện tích phòng thay đồ: bạn cần đo đạc và tính toán diện tích phù hợp để đặt phòng thay đồ trong nhà. Các căn phòng thay đồ thường thấy sẽ có diện tích rơi vào khoảng 12 - 25m2. Cần lưu ý phòng càng có nhiều cửa sổ thì diện tích thiết kế phải càng lớn để tăng thêm không gian tủ chứa quần áo.
Nên sử dụng các loại tủ quần áo mở để bạn dễ quản lý quần áo hơn. Ngoài ra, nếu có điều kiện bạn cũng có thể thiết kế một hệ thống tủ, kệ và ngăn kéo âm tường thông minh để căn phòng thay đồ trở nên rộng rãi và sang trọng hơn.
Thiết kế ánh sáng phòng thay đồ hợp lý
Việc bố trí hệ thống chiếu sáng hợp lý là bước quan trọng khi thiết kế phòng thay đồ Để đảm bảo ánh sáng căn phòng hoạt động tốt nhất phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau bao gồm ánh sáng tự nhiên, ánh sáng từ đèn và cách bố trí phòng thay đồ của bạn.
Khi chọn bóng đèn cho phòng thay đồ, bạn cần chắc chắn rằng bạn đang sử dụng loại bóng đèn trung tính và có độ sáng tự nhiên nhất. Nếu dùng phòng thay đồ quá tối hoặc quá sáng, hoặc đèn sử dụng có màu rực rỡ có thể khiến không gian phòng trở nên chật chội, tù túng và rối. Ngoài ra còn “che” mất các chi tiết và điểm nhấn khiến người mặc không cảm thấy tự tin với trang phục mình đang diện.
Thông thường mỗi phòng thay đồ đều được lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng phía trần nhà và hệ thống chiếu sáng trong giá treo đồ, tủ đồ,...giúp tối ưu được quá trình lựa chọn đồ mặc mỗi khi cần thiết.
Kết hợp màu sắc hài hòa trong phòng thay đồ
Đối với loại phòng thay đồ kết hợp với phòng ngủ, kết hợp phòng tắm thì chủ nhà không để tâm về màu sắc bởi 2 gian phòng đã kết hợp hài hòa với nhau. Tuy nhiên hãy để ý hơn nếu nhà bạn đang sở hữu phòng thay đồ riêng biệt. Hãy để ý chọn gam màu sáng có tác dụng phản xạ ánh sáng tốt và các chi tiết hoa văn có nét tương đồng với bố cục tổng thể của ngôi nhà.
Ngoài ra, bạn cũng có thể lựa chọn các loại giấy dán tường có màu sắc trung tính, giả vân gỗ hoặc xi măng để tạo nên điểm nhấn riêng cho phòng thay đồ của mình.
Lắp đặt gương soi trong phòng thay đồ
Gương có lẽ là yếu tố quan trọng nhất trong phòng thay đồ của bạn. Bất kỳ ai cũng dùng gương để ngắm nhìn những trang phục đang mặc trên người đã chỉnh chu, có phù hợp với sự kiện ngày hôm đó hay chưa. Chính vì thế, đầu tư vào những chiếc gương chất lượng và đặt chúng tại vị trí tốt trong phòng thay đồ sẽ giúp tối ưu trải nghiệm của người sử dụng.
Nếu phòng thay đồ nằm trong phòng ngủ, bạn nên tránh đặt gương đối diện giường. Vị trí gương tốt nhất nên nằm ở mặt trong của cánh cửa tủ để tránh phạm phong thủy và gây mất mát cho gia chủ.
Bỏ bớt ngăn kéo trong phòng thay đồ
Sử dụng nhiều ngăn tủ kéo không phải là giải pháp tối ưu trong thiết kế phòng thay đồ mini. Việc tăng số lượng ngăn kéo sẽ chỉ làm không gian chật hẹp và rối mắt hơn. Bạn có thể kết hợp nhiều loại kệ treo quần áo, tủ cửa lùa hoặc giá treo phụ kiện để làm mới căn phòng của bạn. Đồng thời, việc phân bổ hợp lý các ngăn cất đồ và ngăn treo đồ giúp việc lựa chọn quần áo trở nên dễ dàng hơn.
Nếu phòng thay đồ của bạn khá nhỏ, bạn có thể sử dụng các thiết kế tủ âm tường. Kích thước của tủ đựng quần áo được tính toán và thiết kế dựa trên diện tích căn phòng của bạn, hãy tận dụng mọi ngóc ngách của căn phòng để tạo nên những chiếc tủ đựng quần áo đa chức năng.
Xây dựng vách ngăn phòng thay đồ
Thông thường phòng thay đồ được thiết kế theo phương án mở để tạo sự thông thoáng cho không gian. Tuy nhiên bạn có thể sử dụng các vách ngăn tách biệt phòng thay đồ ra khỏi không gian chung. Cách phân bố cục này thường thường được sử dụng trong các phòng thay đồ có diện tích nhỏ nhưng vẫn mong muốn có không gian rộng rãi, thoáng mát.
Ngoài ra, nếu diện tích ngôi nhà của bạn khá nhỏ và quá khó để dành một chỗ cho phòng thay đồ, bạn chỉ cần tận dụng những khoảng trống nhỏ trong phòng ngủ hoặc cũng có thể chọn những góc khuyết ngôi nhà để thiết kế một khu vực thay đồ đơn giản. Trong trường hợp này, hãy chọn những chiếc giá treo, kệ treo quần áo thay vì hệ thống tủ quần áo cồng kềnh để không gian thông thoáng, tránh ẩm mốc và mang đến cho người dùng sự thoải mái nhất có thể.