Bất động sản năm 2023 có thể 'đảo chiều'

Lan Anh
Bước sang năm 2023, giới chuyên gia và đầu tư kỳ vọng về dòng vốn mới và tháo gỡ vướng mắc về pháp lý sẽ giúp xoá đi gam màu trầm đang bao phủ thị trường bất động sản.

Gỡ vướng pháp lý

Năm 2022, thị trường bất động sản ghi nhận nhiều khó khăn khi sức mua, thanh khoản giảm mạnh, dòng tiền bị nghẽn. Trong khi đó, khối lượng trái phiếu đáo hạn cuối năm 2022, 2023, 2024 lần lượt là 21.650 tỷ đồng, 119.000 tỷ đồng và 112.000 tỷ đồng.

Tại cuộc họp báo cuối năm 2022 của Bộ Xây dựng mới đây, ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, cuối năm 2022, Chính phủ lập tổ công tác gỡ vướng về thị trường bất động sản. Với hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án bất động sản, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành, Tổ công tác đã nắm bắt được tình hình của thị trường và những khó khăn của doanh nghiệp trong năm 2022.

nha-o-thuong-mai-1672710718.jpg
Pháp lý của hơn 1.000 dự án nhà ở thương mại khi được gỡ vướng sẽ tạo nguồn cung đáng kể cho thị trường.

Tổ công tác xác định được nhiệm vụ, giải pháp và đang từng bước thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp này. Bước đầu đã có dấu hiệu tích cực. Dự án vướng pháp lý sẽ được tìm cách tháo gỡ, nhất là dự án nhà ở thương mại. Với hơn 1.000 dự án ở nhóm này, khi được gỡ vướng, sẽ tạo nguồn cung đáng kể cho thị trường.

"Tôi tin rằng, với sự triển khai đồng bộ của Chính phủ, Bộ, ngành, Tổ công tác, thị trường bất động sản năm 2023 sẽ ổn định và phát triển tốt hơn", ông Dũng nói.

Thúc đẩy dự án nhà ở xã hội

Cũng theo ông Dũng, nhiệm vụ trọng tâm của thị trường bất động sản và Bộ Xây dựng trong năm 2023 là thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội và nhà ở công nhân. Tới đây, Bộ sẽ tiếp tục tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, trong đó lập danh mục các dự án, rà soát quỹ đất, hoàn thiện thủ tục pháp lý, lựa chọn chủ đầu tư để thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.

nha-o-xa-hoi-1672710718.jpg
Nhà ở xã hội được đảm bảo nguồn vốn tín dụng

Bên cạnh đó, đảm bảo nguồn vốn tín dụng cho nhà ở xã hội; Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” sau khi được Thủ tướng phê duyệt.

Bộ Xây dựng đề xuất Quốc hội, Chính phủ dành gói tín dụng cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn. "Việc thực hiện hiệu quả, chất lượng của đề án sẽ góp phần giải quyết cơ bản nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp", ông Dũng nhấn mạnh.

Thị trường sẽ hồi phục?

Bước sang năm 2023, giới chuyên gia và đầu tư kỳ vọng về dòng vốn mới sẽ đổ bộ vào thị trường, giúp xoá đi gam màu trầm đang bao phủ. Trong dài hạn các doanh nghiệp đầu tư phát triển bất động sản cần chủ động đa dạng nguồn vốn, đặc biệt mở rộng các kênh dẫn vốn như FDI , trái phiếu doanh nghiệp hay là trong dân trên cơ sở tuân thủ pháp luật nhằm giảm phụ thuộc vào dòng vốn tín dụng ngân hàng.

Ông Trần Kim Chung - Nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, triển vọng dòng tiền đổ vào thị trường địa ốc khả quan trong năm 2023.

Đầu tiên, dưới sự chỉ đạo rất quyết liệt, tích cực, bằng nhiều giải pháp của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, một số chỉ tiêu vĩ mô đã có những dấu hiệu rất tích cực. Chính vì thế, Ngân hàng Nhà nước đã xem xét và quyết định nới thêm hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại để tạo đà cho doanh nghiệp vận hành năm 2023. Quyết định mới nhất việc nới hạn mức (room) tín dụng thêm 1,5-2%, sẽ có 240.000 tỉ đồng được cung ứng thêm cho nền kinh tế kể từ nay đến hết năm.

Thứ hai, trái phiếu sẽ dần phục hồi.

Thứ ba, nguồn vốn đầu tư nước ngoài vẫn có nhiều triển vọng gia tăng. Hơn 200 đại diện cấp cao từ các công ty đầu tư hàng đầu đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư ưu tiên nhất và đứng thứ 2 trong nhóm các thị trường mới nổi. Việt Nam đang trở thành điểm sáng trong thu hút sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư FDI và lần đầu tiên Việt Nam lọt vào Top 20 nền kinh tế về thu hút FDI trên thế giới.

Thứ tư, nguồn vốn đầu tư công cam kết tăng mạnh. Theo ông Chung, Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng vốn trên 700.000 tỷ đồng, tăng khoảng 25% so với kế hoạch năm 2022 và tăng khoảng 260.000 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2021. Năm 2023 cũng yêu cầu phải giải ngân toàn bộ số vốn thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội. Áp lực lớn, nhưng nếu thực thi hiệu quả, sẽ tạo động lực tăng trưởng quan trọng cho nền kinh tế.

Thứ năm, vị chuyên gia này cho rằng, với các nguồn vốn khác về cơ bản, không có biến động mạnh và ở mức ổn định như năm 2022: Các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản vượt qua thời điểm khó khăn, phải điều chỉnh bị động năm 2022; các nhà đầu tư tiềm năng vẫn ổn định; kiều hối tiếp tục ổn định; các luồng tiền phái sinh tiếp tục xuất hiện, phục hồi cùng với đà phục hồi kinh tế sau COVID-19.

so-sanh-lai-suat-vay-ngan-hang-1671553820.jpeg
Các nước trên thế giới bắt đầu không tăng lãi suất khiến áp lực tỷ giá, lãi suất được giảm bớt

Nhìn nhận chung về tương lai thị trường bất động sản, ông Neil MacGregor, Giám đốc điều hành Savills Việt Nam đánh giá, vài năm tới, tiềm năng thị trường bất động sản Việt Nam vẫn rất lớn. Điều này có được nhờ nền tảng kinh tế Việt Nam ổn định, quá trình đô thị hóa nhanh với tỷ lệ 36% dân số sống tại thành thị. Bên cạnh đó, sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam vẫn diễn ra mạnh mẽ.

Theo TS, chuyên gia ngân hàng Cấn Văn Lực, khả năng phục hồi của thị trường bất động sản trong 2023 là có cơ sở do các nước trên thế giới bắt đầu không tăng lãi suất giúp áp lực tỷ giá, lãi suất được giảm bớt; các vụ việc tiêu cực trên thị trường cũng được giải quyết; đặc biệt câu chuyện trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đã rõ ràng hơn.

Dù hiện tại được nhìn nhận là khó khăn với thị trường bất động sản Việt Nam, ông Neil nói, Savills liên tục ghi nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế trên tất cả phân khúc của thị trường. Một trong những xu hướng nổi bật là sự gia nhập của các thương hiệu cao cấp và sự tăng cường mở rộng của các chuỗi bán lẻ lớn. Với phân khúc nhà ở, Savills cho biết, tới đây, nhờ vào hạ tầng kết nối được cải thiện, thị trường sẽ có những dự án mới phù hợp với khả năng chi trả của người dân hơn.

Còn ông Nguyễn Chí Thanh, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam chia sẻ, nên nhìn nhận những sự vụ làm thị trường xấu đi trong năm 2022 là cá biệt. Thị trường bất động sản bản chất vẫn ổn định. Ông cho rằng, thị trường năm 2023 sẽ có nhiều điểm tích cực vì các chủ đầu tư lớn đã cơ cấu lại sản phẩm, ưu tiên các sản phẩm có tính thanh khoản cao, cũng như giải quyết nhu cầu của số đông người dân, ví dụ như phát triển nhà ở xã hội.

Tân Phúc