Ông chủ nhà máy giấy Hậu Giang trồng cây, nuôi cá những ngày "3 tại chỗ"

Bảo An
Trong những ngày vừa giãn cách xã hội vừa tham gia sản xuất, Công ty giấy Lee & Man VN đã triển khai mô hình “nông trại xanh” - trồng rau, nuôi cá, canh tác thủy sinh ngay trong khuôn viên nhà máy.

Bất chấp những ảnh hưởng từ dịch Covid-19, không ít doanh nghiệp vẫn chú trọng các hoạt động cải thiện và nâng cao môi trường làm việc và sinh sống của công nhân viên. Điển hình như trong những ngày vừa giãn cách xã hội vừa tham gia sản xuất, Công ty giấy Lee & Man VN đã triển khai mô hình “nông trại xanh” - trồng rau, nuôi cá, canh tác thủy sinh ngay trong khuôn viên nhà máy.

Trồng cây, chăm hoa, nuôi cá

Thực chất, "Green Farming" không phải là mô hình mới trên thế giới, nhưng tại vùng ĐBSCL, Ông Chung Wai Fu - Tổng giám đốc công ty TNHH giấy Lee & Man Việt Nam đánh giá đây là mô hình thú vị và vô cùng phù hợp. Mô hình biến không gian sản xuất công nghiệp thành một không gian xanh, và mỗi nhân viên đều đóng vai trò quan trọng vào việc duy trì và phát triển không gian xanh.

photo-1-1628743492283948529886-38-0-932-1431-crop-1628743571389-63764377215838-1629275086.jpg

"Thời gian qua, chúng tôi đã thực hiện các cuộc thử nghiệm xây dựng trang trại, vườn ươm giống, nuôi cá từ nguồn nước sau khi xử lý, mang đến kết quả rất khả quan. Các loại rau và cây xanh phát triển rất tốt, nhân viên cũng đã thu hoạch 2 lần", vị này cho biết.

Mô hình được nghiên cứu và chú trọng các yếu tố gồm: trồng cây thủy canh kết hợp bể nuôi cá, trồng hoa tại nhiều khu vực đất trống trong khuôn viên nhà máy; nâng cao chất lượng nguồn nước thải sau khi xử lý tại hồ sinh học; xây dựng vườn ươm giống và xây dựng trang trại trồng trái cây, rau củ trong khu nhà ở cho chuyên gia và nhân viên công ty.

Theo đó, nước thải sau xử lý sẽ được tái sử dụng cho mục đích tưới tiêu thay vì xả trực tiếp ra môi trường, điều này không chỉ tiết kiệm chi phí xử lý mà còn có lợi cho môi trường. Trong hồ sinh học - nơi dự trữ nước thải để giám sát trước khi thải ra môi trường, doanh nghiệp còn lắp đặt một hệ thống sục khí oxy toàn diện nhằm làm chậm sự phát triển của tảo. Ngoài ra, hệ thống kích hoạt quá trình nitrat hóa lớn cũng được vận hành. Sau khi nitrat hóa, các chất dinh dưỡng phong phú chuyển sang dạng đơn giản, nhờ đó chúng có thể được cây xanh hấp thụ dễ dàng.

photo-2-1628743495532979313917-1629275086.jpg

Nhờ vậy chương trình còn đạt được mục tiêu kép: chất lượng nước sau xử lý được trong và sạch hơn; cây phát triển khỏe mạnh và nhanh chóng, không cần phân bón. Hiện tại, Lee & Man còn tăng cường hơn nữa cơ sở vật chất để mở rộng quá trình nitrat hóa diễn ra trong hồ sinh học, tăng diện tích bề mặt cho vi khuẩn có lợi phát triển. Nhờ đó, vịt, cá, ốc và các loại cua nhỏ trong hồ có thể tận hưởng môi trường sống tốt với dòng nước thải từ hoạt động sản xuất sau khi xử lý. Nước đã qua xử lý được chứng minh là hoàn toàn phù hợp cho sự phát triển của sinh vật và thực vật. Việc tưới tiêu nông nghiệp không còn là vấn đề, thậm chí một phần nước đã qua xử lý cũng có thể được tái sử dụng cho sản xuất.

Niềm vui ngày "ba tại chỗ"

Trong khuôn khổ mô hình “Nông trại xanh”, những bóng đèn hỏng, đã qua sử dụng được thu gom, vệ sinh và chuyển đổi công năng thành các chậu nhỏ trồng cây thủy sinh. Sau hơn hai tháng thử nghiệm, các loại rau và cây xanh đang phát triển ổn định, mang đến nguồn thực phẩm sạch cho nhân viên công ty.

Ông Chung Wai Fu cho rằng thành công của mô hình không chỉ đong đếm bằng những số liệu đo đạc mà còn bởi các nhân viên đều ủng hộ và tham gia nhiệt tình với mô hình "Green Farming", thậm chí sẵn sàng đóng góp các loại cây xanh, các loại cá mang vào công ty để cùng nhau trồng và chăm sóc.

"Họ được tự do sáng tạo, phác thảo các thiết kế, ví dụ như cá bể cá, bồn hoa sẽ được xây dựng như thế nào, rồi sẽ trồng cây gì, nuôi con gì phù hợp… Cách làm nào hay, phù hợp chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì và nhân rộng, cách làm nào chưa phù hợp sẽ điều chỉnh. Qua đó, mọi người cũng trở nên đoàn kết, xây dựng kỹ năng làm việc tập thể. Tôi thật sự rất vui mừng khi các nhân viên của mình ủng hộ ý tưởng này. Cũng vì thế, chúng tôi càng quyết tâm xây dựng và nhân rộng mô hình này hơn", ông Chung Wai Fu nói.

photo-1-16287434955171996371351-1629275086.jpg

Nhờ có "Green Farming" mà những ngày "ba tại chỗ" của các nhân viên Lee & Man trở nên thoải mái hơn. Hiện tại, khu ký túc xá liền kề nhà máy sản xuất với vốn đầu tư 380 tỉ đồng là “ngôi nhà chung” của hơn 1.100 cán bộ, công nhân viên. Công nhân viên ra vào nhà máy được yêu cầu đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn trước khi vào ca và đeo khẩu trang trong suốt quá trình làm việc. Nhân viên sau giờ làm việc sẽ được sắp xếp ăn ở trong khu nhà ở dành riêng, với quy hoạch rộng thoáng, thiết kế sạch đẹp, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt.

Trong giai đoạn thử nghiệm tiếp theo, ông Chung Wai Fu cho biết công ty sẽ tiến hành xử lý nước cho cây ra hoa và ruộng xanh, được gọi là đất ngập nước. Nước đi qua các vùng đất ngập nước đóng vai trò là môi trường lọc, sau đó sẽ chuyển đến các trang trại hoặc bể nuôi cá. Toàn bộ cơ chế đã chứng minh có thể xây dựng mô hình vòng tròn bền vững, giảm lượng nước thải ra, tiết kiệm tiêu thụ nước, tiêu thụ phân bón và áp dụng phương pháp trồng thủy sản và hữu cơ lành mạnh.

Thời gian tới, công ty sẽ nỗ lực kêu gọi sự ủng hộ của chính quyền địa phương, các trường đại học, thực hiện tài trợ cho nông dân xây dựng các trang trại tương tự. Mặt khác, mô hình "Green Farming" cũng sẽ trở thành thành địa điểm tham quan cho các cơ sở giáo dục trong khu vực, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho các em học sinh.

Duyên Hạnh