Cao điểm mùa nóng: cần lắm các giải pháp giảm nhiệt cho nhà ở

Lan Anh
Ở các nước khí hậu nhiệt đới, việc làm mát không gian nhà ở sẽ tiết kiệm lượng lớn năng lượng trong quá trình sinh hoạt hàng ngày. 

Bạn có biết nhiệt độ hôm nay có thể lên đến 32 - 34 độ C? Đặc biệt, giữa những ngày trưa hè nóng bức, các tia bức xạ nhiệt có thể khiến phần mái nhà và tường nóng lên đến 42 - 45 độ C. Toàn bộ lượng nhiệt đó sẽ hấp thụ dần vào không gian khiến ngôi nhà của bạn luôn trong tình trạng hầm nóng và oi bức.

Một số người nhanh chóng tìm đến giải pháp để tránh nóng tạm thời như hạ thấp nhiệt độ điều hòa, trồng thêm cây xanh trong nhà, lắp máy phun sường,... Tuy nhiên đấy chỉ là những giải pháp hạ nhiệt nhất thời, không mang tính bền vững và còn gây tốn kém điện năng. Để có được giải pháp chống nóng cho nhà hiệu quả, bạn cần tính toán và đưa ra những giải pháp đồng bộ, xây dựng hệ thống chống nóng tổng thể cho mái nhà, phần tường tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời và các khu vực xung quanh ngôi nhà.

Giải pháp hạ nhiệt trong quá trình xây dựng

Chống nóng cho mái nhà

Mái nhà là một trong những bề mặt tiếp cận trực tiếp với ánh nắng mặt trời và nhiệt năng. Chính vì thế ngay từ khi lên bản vẽ thiết kế, các kiến trúc sư phải tính toán kỹ công năng chống nóng cho phần mái nhà.

trong-cay-san-thuong-ha-nhiet-ngoi-nha-1647574276.jpg

Trồng cây trên sân thượng cũng giúp tăng hiệu quả chống nóng

Một số các vật liệu được sử dụng phổ biến trong các giải pháp giảm bớt nền nhiệt do tác động bởi nắng mặt trời như tấm cách nhiệt, sơn cách nhiệt, bông thủy tinh,...Đối với những gia đình đã “lỡ” bỏ qua bước này, có thể khắc phục nhanh bằng cách sử dụng gạch chống nóng chữ U để lót lên bề mặt sàn sân thượng. Thiết kế gạch chống nóng chữ U có rất nhiều lỗ khí phân bổ đều và tăng hiệu quả cách nhiệt.

Tham khảo: Gạch chống nóng công nghệ mới năm 2021 bạn nên biết

Bên cạnh vật liệu thì cấu trúc mái nhà cũng đóng vai trò quan trọng. Bạn nên tạo thêm lớp đệm khí (khoảng ttrống giữa mái và trần nhà) để giảm lượng nhiệt tác động đến trần.

Thiết kế hệ thống thông gió tự nhiên

Giải pháp giếng trời, thông tầng

Thông gió tự nhiên là một vấn đề rất quan trọng trong thiết kế nhà ở, đặc biệt là ở những ngôi nhà ống chỉ có mặt tiền. Một trong những phương pháp hiệu quả được các kiến trúc sư đề xuất cho việc thông gió là xây giếng trời, lấy sáng thông tầng. GIải pháp này được đề xuất nhờ ứng dụng nguyên lý áp lực nhiệt. Cụ thể, trong nguyên lý này, không khí nóng sẽ nhẹ hơn không khí lạnh. Do đó khí nóng thường có xu hướng bay lên cao trong khi khí lạnh sẽ tìm điểm chạm mặt đất.

gieng-troi-thong-gio-1647574276.jpg

Tương tự như vậy, nhiệt độ trong ngôi nhà thường tăng trong quá trình sinh hoạt. Khi ngôi nhà được khoét giếng trời ở phần nóc, nhiệt độ không khí trong không gian càng tăng thì càng nhẹ và sẽ bay lên cao, cùng thời điểm đó không khí ở bên ngoài sẽ tràn vào thế chỗ. Nhờ vậy mà giếng trời lúc này giống như ống thông gió khổng lồ mang lại sự thông thoáng cho ngôi nhà.

Sử dụng gạch thông gió

Các mẫu gạch bê tông thông gió được cấu tạo thành khối đặc rỗng với các lỗ thông gió là các họa tiết được cách điệunên có tính thẩm mỹ cao. Ngoài công năng trang trí, gạch bông gió xi măng trắng còn giúp che nắng, cản bụi nhưng vẫn hút gió tự nhiên từ ngoài vào trong nhà và thoát nhiệt dễ dàng giúp cho không gian trở nên thoáng mát hơn.

gach-thong-gio-1647574276.jpg


Ở một số gia đình hiện nay, từ phòng khách, phòng bếp đến các khoảng sân đều sử dụng bằng gạch thông gió đảm bảo sự thông thoáng nhưng vẫn giữ được sự kín đáo cần thiết cho gia đình.

Tường nhà - lớp vỏ bao che cách nhiệt hiệu quả

Với những căn nhà hướng Tây hoặc có phòng ngủ bị nóng, thường xuyên phải chịu ánh nắng gay gắt, bạn có thể cân nhắc xây tường cách nhiệt, tạo khoảng không giữa 2 lớp tường song song nhau. Như vậy thì căn nhà của bạn không những cách nhiệt hiệu quả mà còn có công năng chống ồn khá tốt.

Tham khảo: Vỏ ‘xanh’ – Giải pháp cho căn hộ hướng Tây chung cư cao tầng

Xây hệ thống tường nhiều lớp

Bằng cách thêm vào các lớp vật liệu với hệ số cách nhiệt cao sẽ tăng thêm khả năng cách nhiệt cho tường. Tường gồm nhiều lớp cấu tạo khác nhau, mỗi lớp có chức năng riêng và được liên kết chặt vào nhau tạo thành tường nhiều lớp giúp tăng khả năng cách nhiệt, chống thấm.

Tường nhiều lớp được áp dụng đặc biệt thích hợp ở những mặt tường nhận nhiều bức xạ mặt trời như hướng Đông và Tây. Lớp vỏ ngoài cùng có vai trò quan trọng nhất vì ngoài việc chống lại những tác động của thời tiết, nó còn phải đảm bảo các vấn đề khác như khả năng đọng sương, chịu lửa, chống ồn, thông gió và thẩm mỹ của công trình.

Ứng dụng tỷ lệ đặc – rỗng

Độ rỗng tỉ lệ thuận độ dẫn nhiệt của vật liệu cách nhiệt, độ rỗng tăng thì độ dẫn nhiệt tăng. Khi diện tích lớp vỏ càng đặc thì lượng ánh sáng truyền vào bên trong càng ít, đồng nghĩa với khả năng nhiệt truyền sẽ ở mức thấp hơn.

ung-dung-ty-le-dac-rong-1647574276.jpg

Biến nội - ngoại thất thành lớp cách nhiệt 

Trồng cây chống nóng xung quanh nhà

Bên cạnh việc sử dụng các vật liệu cách nhiệt thì trồng cây xung quanh nhà cũng là một biện pháp chống nóng hiệu quả.Tường xanh thực chất là việc sử dụng cây xanh như lớp vỏ thứ hai bao che bên ngoài. Chúng không chỉ đóng góp vào việc cải thiện điều kiện vi khí hậu trong công trình mà còn làm tăng thêm vẻ đẹp cho công trình và cảnh quan đô thị. 

trong-cay-ha-nhiet-ngoi-nha-1647574276.jpg

Bạn có thể trồng cây dây leo bám sát tường, trần nhà. Không giống như các loại mành che thông thường, dây leo còn toả ra hơi nước giúp chống nóng cho nhà tốt hơn. Bên cạnh đó, chúng cũng ngăn bụi, lọc không khí, tạo ra oxi vào ban ngày khiến bầu không khí trở nên dễ chịu.

Ngoài ra việc trồng cây trong không gian nội thất cũng rất quan trọng để giữ ngôi nhà được thoáng mát. Trong quá trình thực hiện chức năng hô hấp, cây cối sẽ thoát hơi nước ra ngoài và làm mát không gian xung quanh. Một số nghiên cứu đã chứng minh được quá trình này giúp giảm nhiệt độ phòng đến 10 độ, đồng thời duy trì độ ẩm trong nhà từ 30 - 60% trong những ngày trời hanh khô.

Thay rèm cửa cách nhiệt

Một trong những nguyên nhân khiến ngôi nhà trở nên oi bức là do chủ nhà lơ là trong việc thiết kế rèm cửa sổ. Những loại rèm cửa có thiết kế hở phần trên, tạo khoảng cách giữa thanh rèm và tường đều khiến không khí bên trong dễ dàng thoát ra ngoài. Từ đó, hiệu suất cách nhiệt cửa khu vực cửa sổ bị giảm đáng kể. 

Khi đã hiểu được nguyên lý, các chuyên gia đề xuất 2 giải pháp để xử lý. Cách thứ nhất là khắc phục phần rèm cũ bằng cách lắp thêm một tấm kim loại hoặc gỗ để che phần trên của thanh treo rèm để ngăn chặn tình trạng thoát nhiệt. Cách thứ hai là thay mới, đổi hẳn sang dạng rèm cuốn cách nhiệt. Do chất liệu của màn được cấu tạo từ những tấm vải polyster hay sợi thủy tinh, ngăn luồng khí nóng ngoài trời lọt vào không gian sống và ngược lại. Nhờ vậy, tuy chỉ nằm ở khu vực cửa sổ nhưng rèm cuốn chống nóng trở thành “bức tường” có khả năng cách nhiệt, chống nắng khá tốt.

Cửa sổ kính trong suốt cách nhiệt

Cửa sổ kính nhiều lớp là một giải pháp tạo ra hệ cách nhiệt cho công trình, đồng thời không ngăn cản tầm nhìn cho không gian sử dụng bên trong. Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ sản xuất vật liệu kính, hiện nay xuất hiện rất nhiều các loại kính hiện đại có thể tự điều tiết được theo độ bức xạ của mặt trời theo ngày, theo mùa. Công nghệ sử dụng kính cách nhiệt cũng đã phát triển và trở thành một trào lưu khá phổ biến cho hệ thống văn phòng toàn cầu với cấu trúc vỏ 2 lớp kính (Double skin ).

Thay vách ngăn bằng lam che

Bạn có thể thay thế những vách ngăn bằng tường hay thạch cao bằng những vách lam che ngăn nửa kín nửa hở. Loại vách này sẽ giúp không gian nhà trở nên sáng sủa và rộng hơn.

tam-rem-lam-tre-1647574276.jpg

Minh Quân