“Hành trình mua nhà không phải là con đường bằng phẳng. Đó là chặng đường có rất nhiều chướng ngại vật mà bạn cần phải vượt qua. Nó sẽ đưa cảm xúc của bạn đến rất nhiều cung bậc, có khi lên đỉnh, có khi chạm đáy” - Bà Phạm Minh Nguyệt, CMO của Propzy chia sẻ trong buổi Webinar “Bí kíp thực chiến: Mua đúng bất động sản”.
Bên cạnh yếu tố cảm xúc, bà Nguyệt nhận định người mua nhà cũng cần phải chuẩn bị rất nhiều kiến thức liên quan đến tâm lý, kỹ thuật định giá, pháp lý và tài chính để chuẩn bị cho hành trình đấy.
Để mua được tài sản đúng với giá trị của nhà đất, Ông Lê Minh Hoàng, Quản lý cấp cao bộ phận định giá của Propzy, cho biết người mua cần phải quan tâm đến các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến giá trị thị trường của bất động sản.
Thứ nhất là cần chú ý đến quỹ đất và mật độ dân cư trong khu vực. Nếu phần đất trống trong khu còn nhiều thì giá có xu hướng thấp hơn so với những nơi dân cư đông đúc.
Thứ hai là hạ tầng thể hiện qua chất lượng đường xá, vỉa hè, hệ thống thoát nước, cảnh quan khu vực,... Mức độ phát triển của hạ tầng sẽ tỷ lệ thuận với giá BĐS.
Thứ ba là quy hoạch sử dụng đất. Những BĐS nằm trong quy hoạch đất ở, sử dụng lâu dài sẽ có mức giá ổn định và tăng cao hơn.
Thứ tư, an ninh và dân trí của khu vực sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm sống.
Cuối cùng, những BĐS nằm gần các khu tiện ích thì giá trị lại càng tốt. Tuy vậy một điều trái ngược với tiện ích là những yếu tố đặc thù của khu vực như nghĩa trang, các khu công nghiệp, xử lý chất thải gây ô nhiễm môi trường,... sẽ kéo giá trị BĐS đi xuống.
Bên cạnh đó, nếu người mua nhà nhắm tới mục đích “kiếm tiền ngay khi mua” thì cần cân nhắc thêm về khả năng sinh lời từ hoạt động cho thuê của bất động sản. Tỷ suất cho thuê này sẽ bị ảnh hưởng bởi vị trí và công năng của BĐS.
“Theo thống kê của Propzy, số tầng của nhà ở ảnh hưởng trực tiếp đến giá thuê của BĐS. Với một tầng tăng lên thì khả năng cho thuê của BĐS sẽ được tăng giá khoảng 20 – 25%”, ông Hoàng cho biết.
Ngoài ra, người mua cũng nên quan tâm và nắm bắt rõ tâm lý của chủ nhà để quá trình thương lượng về giá được tốt hơn. Theo bà Nguyệt chia sẻ, một trong những kỹ thuật tâm lý thường được áp dụng trong giao dịch mua bán là “sập cửa vào mặt” (door in the face), tạo bẫy khiến người đối diện thay đổi hành vi của mình.
Bắt đầu từ việc bên mua sẽ đưa ra một yêu cầu vô lý đến mức không chấp nhận được. Điều này sẽ dẫn đến tình huống người bán bác bỏ và “đóng sập cánh cửa lại”.
Bước kế tiếp, bên mua nhà sẽ đưa ra một đề nghị mới với mức giá hợp lý và phù hợp với ngân sách cũng như mong muốn của bên bán. Người “sập cửa” ở thời điểm này sẽ có tâm lý tội lỗi với hành vi ban đầu và có xu hướng chấp nhận với lời đề nghị thứ hai dễ dàng hơn.