Trong tuần giao dịch từ ngày 11-15/4, tâm lý nhà đầu tư tiếp tục chịu dư âm sự từ việc liên quan tới lãnh đạo Tân Hoàng Minh, FLC. Thêm vào đó, thị trường bị ảnh hưởng nhiều từ thông tin chính phủ chấn chỉnh lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp khiến dòng tiền đang bị áp lực rút ra từ các đội lái chung. Điều này khiến một số nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường bị tác động tiêu cực như bất động sản, ngân hàng.
Kết thúc phiên giao dịch VN-Index giảm 25,96 điểm (-1,78%) xuống 1.432,6 điểm. VN30-Index cũng giảm 1,71% so với tham chiếu. Sàn niêm yết HNX mất gần 13,59 điểm (-3,26%) xuống 304,12 điểm. Tổng cộng cả 3 sàn đã có hơn 80 mã cổ phiếu giảm hết biên độ. Thanh khoản thị trường sụt giảm với giá trị giao dịch bình quân trên 3 sàn giảm mạnh 20,8%, đạt mức 25.058 tỷ đồng/phiên.
Trong 4 tháng vừa qua dòng tiền rời bỏ nhóm cổ phiếu bất động sản, kéo nhiều mã cổ phiếu chìm trong sắc đỏ. Ở dòng blue-chip, VIC đã giảm 21,29%, VHM giảm 17,98%, DIG giảm 29,21%. Các nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa cũng không tránh khỏi áp lực giảm điểm, điển hình KDH giảm 9,38%, KBC giảm 22,64%.
Ngoài ra, các mã chứng khoán trực tiếp liên quan đến các vụ “lùm xùm” cũng bị các nhà đầu tư bán tháo, liên tục đo sàn liên tiếp trong nhiều tháng. Nhóm họ FLC có ROS giảm 66,59%, FLC giảm 58,93%, CII giảm 43,35%.
Ở chiều ngược lại, dựa vào chỉ số ngành có thấy thị trường đang có sự phân hóa rõ rệt. Dòng tiền đổ vào cổ phiếu thuộc ngành công nghệ thông tin, hàng tiêu dùng thiết yếu, dệt may, thủy sản, phân bón, cao su, bảo hiểm và cảng biển. Các mã cổ phiếu tiêu biểu trong ngành đều tăng giá ấn tượng như MWG (+6,8%), FRT (+11,4%) và DGW (+5,8%).
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường, Công ty chứng khoán VNDIRECT cho biết đà giảm điểm của thị trường một phần đến từ tâm lý thận trọng của giới đầu tư. Thông tin về một số lãnh đạo doanh nghiệp vướng vòng lao lý đã có tác động tâm lý tiêu cực đến một bộ phận nhà đầu tư và kích hoạt đà bán ra. Hơn nữa, dòng tiền rút mạnh khỏi nhóm cổ phiếu đầu cơ khi các cơ quan quản lý nhà nước đang theo dõi sát sao diễn biến thị trường, đặc biệt đối với những giao dịch bất thường. Đà giảm giá mạnh của cổ phiếu đầu cơ đã kích hoạt làn sóng margin call tại các cổ phiếu này và để duy trì tỷ lệ an toàn tài sản đảm bảo, nhiều nhà đầu tư phải bán một số cổ phiếu khác trong danh mục. Do đó, đà bán ra không chỉ trong nhóm cổ phiếu đầu cơ, mà còn lan ra một số nhóm cổ phiếu đại chúng, được nhiều nhà đầu tư nắm giữ như ngân hàng, thép, chứng khoán.
Tuy vậy, ông Đinh Quang Hinh cho rằng những sự kiện trên chỉ tác động tâm lý tiêu cực đến thị trường trong ngắn hạn. nhìn về dài hạn, điều này sẽ giúp thanh lọc thị trường, đưa thị trường tài chính và bất động sản Việt Nam hoạt động minh bạch, hiệu quả, đóng góp tích cực hơn vào tăng trưởng kinh tế và ổn định vĩ mô trong nước.
Nhìn theo phân tích kỹ thuật, chỉ số VN-INDEX hiện tại vẫn đang trong xu hướng đi ngang từ đầu năm trong vùng 1.440-1.530 điểm. Trong ngắn hạn thị trường vẫn chưa thoát khỏi xu thế đó. Các chuyên gia tài chính, đầu tư cũng khuyến cáo khi thị trường diễn biến xấu, các nhà đầu tư càng cần bình tĩnh, không nên hoảng loạn bán tháo.
Lời khuyên quan trọng nhất cho nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại là ưu tiên quản trị rủi ro danh mục, hạn chế sử dụng margin (tỷ lệ đòn bẩy), nếu margin cao thì nên chủ động hạ margin xuống mức an toàn để tránh lâm vào tình trạng “buộc phải bán ra - margin call” dẫn tới thiệt hại không đáng có.