Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý IV/2023, Công ty CP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (Vefac, VEF) - công ty con của Vingroup - mang về hơn 6,2 tỷ đồng doanh thu, gấp 25 lần quý cuối năm 2022.
Tuy nhiên, nhờ hơn trăm tỷ đồng doanh thu tài chính và được hoàn nhập nhiều chi phí, Vefac lãi sau thuế đến 91 tỷ đồng. Dù vậy, con số lãi ròng này vẫn giảm 10% so với cùng kỳ.
Lũy kế cả năm 2023, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 9 tỷ đồng, gần gấp 10 lần năm trước. Nhờ tiền lãi cho vay gần 564 tỷ đồng, công ty có lãi sau thuế 434 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lãi kỷ lục của doanh nghiệp từ trước đến nay.
Tính đến cuối quý IV/2023, doanh nghiệp có hơn 10 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng ngắn hạn, gần 1.320 tỷ đồng là các khoản tương đương tiền hưởng lãi suất 8,5%/năm.
Đáng chú ý, doanh nghiệp có một khoản phải thu cho vay hơn 3.000 tỷ đồng, đây là khoản cho các đối tác vay với lãi suất 11-12%/năm và được đảm bảo.
Công ty con của Vingroup hiện có quy mô tổng tài sản vượt 9.800 tỷ đồng, tăng thêm 12% so với đầu năm. Ngoài các khoản tiền, phải thu về cho vay ngắn hạn thì tài sản còn tập trung ở khoản mục hàng tồn kho và tài sản dở dang dài hạn.
Tính đến ngày 31/12/2023, Vefac ghi nhận giá trị hàng tồn kho tăng gấp đôi so với đầu năm, lên mức 2.462 tỷ đồng. Đây là các khoản chi phí liên quan đến việc thực hiện đầu tư Dự án Khu đô thị mới tại huyện Đông Anh, Hà Nội.
Ngoài ra, công ty còn có 2.640 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang ở các dự án Tổ hợp trung tâm dịch vụ thương mại văn hóa tại Ba Đình (103 tỷ đồng), dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia (848 tỷ đồng), Khu đô thị mới Đông Anh (1.666 tỷ đồng) và Khu chức năng đô thị đại lộ Thăng Long (23 tỷ đồng).
Về nguồn vốn, tại thời điểm kết thúc năm 2023, nợ phải trả ở mức 6.727 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Trong đó, khoản phải trả ngắn hạn cho các bên liên quan trong cùng Tập đoàn Vingroup chiếm 92%, lên đến 6.190 tỷ đồng.