Đại gia Tân Hiệp Phát sở hữu quỹ đất 'khủng' ra sao?

Lan Anh
Thành lập vào năm 1994, Tân Hiệp Phát là doanh nghiệp có tiếng trong ngành đồ uống, nước giải khát. Tuy vậy ít ai biết vị chủ tịch Tân Hiệp Phát cũng lấn sân sang lĩnh vực bất động sản từ năm 2018 và đã sở hữu quỹ đất khổng lồ.

'Gã khổng lồ' của thị trường nước giải khát

Thành lập từ năm 1994, đến nay Tân Hiệp Phát đã trở thành một trong những tập đoàn lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực nước giải khát, đồ uống không cồn.

Tập đoàn này hiện sở hữu 4 nhà máy sản xuất tại Bình Dương, Hà Nam, Chu Lai (Quảng Nam) và Hậu Giang, cùng các pháp nhân thành viên như Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tân Hiệp Phát, Công ty TNHH Number One Hà Nam, Công ty TNHH Number One Chu Lai, trong đó Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tân Hiệp Phát là doanh nghiệp “hạt nhân”.

tan-hiep-phat-dai-gia-nganh-nuoc-giai-khat-min-1681265246.jpeg
Tân Hiệp Phát tạo được đế chế trong thị trường nước giải khát và được biết là đại gia có nhiều tiền mặt nhất Việt Nam.

Tính đến ngày 9/9/2022, Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ Tân Hiệp Phát có vốn điều lệ 1.706 tỷ đồng với các cổ đông gồm bà Phạm Thị Nụ nắm 54,5%, bà Trần Uyên Phương nắm 29,4%, bà Trần Ngọc Bích nắm 16,1%.

Tuy nhiên, cập nhật đến ngày 22/9/2022, vốn điều lệ đăng ký của Tân Hiệp Phát giảm còn 276 tỷ đồng, và tỷ lệ sở hữu của các thành viên gia đình ông Thanh không thay đổi.

Dù có nhiều thông tin cho rằng quy mô của Tân Hiệp Phát có thể lên tới hàng tỷ USD nhưng sau 30 năm thành lập, Tân Hiệp Phát vẫn chưa niêm yết trên sàn chứng khoán nên thông tin về tài chính của doanh nghiệp này vẫn tương đối hạn chế.

Tuy nhiên, vào năm 2018, trong quyển sách “Competing with giants” bà Trần Uyên Phương - con gái ông Trần Quí Thanh, nhà sáng lập kiêm CEO Tập đoàn Tân Hiệp Phát – từng tiết lộ chi tiết, năm 2012, Coca-Cola đã đưa ra lời đề nghị mua lại Tân Hiệp Phát với giá 2,5 tỷ USD.

7 năm sau khi từ chối lời đề nghị của Coca-Cola, Tân Hiệp Phát lại một lần nữa gây xôn xao khi CEO Trần Quí Thanh chia sẻ trên Bloomberg rằng Tân Hiệp Phát đang tìm kiếm một đối tác chiến lược và mạnh về vốn, có thể đầu tư 3 tỷ USD để biến doanh nghiệp trở thành một Red Bull tiếp theo của Đông Nam Á.

Khi đó, ông Thanh cho biết, Tân Hiệp Phát không cần tiền, mà cần một chuyên gia trong ngành để phát triển cùng nhau. Nhà sáng lập Tân Hiệp Phát kỳ vọng sẽ tăng doanh thu gấp đôi, lên 1 tỷ USD trong vòng 5 năm và giá trị của doanh nghiệp có thể đạt 5 tỷ USD.

Được biết, hiện doanh nghiệp này đang có các khoản đầu tư lên tới 500 triệu USD cho ba nhà máy tại Hà Nam, Quảng Nam và Bình Dương và dự kiến đầu tư thêm 500 triệu USD nữa cho giai đoạn tiếp, hay đầu tư 4.000 tỷ đồng cho 3 giai đoạn của nhà máy ở Hậu Giang…

Về kết quả kinh doanh, theo số liệu gần nhất, năm 2019, riêng doanh nghiệp vận hành nhà máy tại Bình Dương của Tân Hiệp Phát ghi nhận doanh thu đạt 5.850 tỷ đồng, lãi sau thuế ở mức 1.554 tỷ đồng. Trong khi, nhà máy Number One Hà Nam trong năm 2019 ghi nhận doanh thu lên gần 2.000 tỷ đồng, lãi thuần đạt hơn 784 tỷ đồng. Nhà máy Number One Chu Lai cũng ghi nhận doanh thu 1.393 tỷ đồng và lợi nhuận thuần khoảng 489 tỷ đồng trong năm 2019.

Âm thầm gom quỹ đất 'khủng'

Giai đoạn 2018 – 2019, gia đình của vị chủ tịch Tân Hiệp Phát gây chú ý khi thành lập hơn 20 công ty có ngành nghề kinh doanh bất động sản với tổng vốn điều lệ lên đến 20.000 tỷ đồng.

Đỉnh điểm năm 2019, chỉ trong vòng một tuần, vợ ông Trần Quí Thanh và hai con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích đã thành lập 10 công ty bất động sản. Mỗi công ty có vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng.

Về cơ cấu sở hữu, bà Trần Uyên Phương thường nắm 99,9% vốn tại các công ty này. Phần vốn góp ít ỏi còn lại do bà Trần Ngọc Bích và bà Phạm Thị Nụ, vợ ông Trần Quí Thanh, nắm giữ.

Ông Thanh rất ít khi xuất hiện trong thành phần cổ đông của các công ty bất động sản thuộc hệ sinh thái Tân Hiệp Phát. Hầu hết do vợ ông và hai con gái đứng tên góp vốn.

Chỉ ít tháng sau khi thành lập, 10 công ty bất động sản bất ngờ giải thể, với cùng lý do “không có dự án để đầu tư, phát triển và việc duy trì hoạt động của doanh nghiệp không có hiệu quả”.

Trong hơn 20 công ty, hiện chỉ còn một số ít công ty còn hoạt động. Đơn cử như Công ty Cổ phần Đầu tư Century Bay Đà Nẵng (Century Bay Đà Nẵng) do bà Trần Uyên Phương đại diện pháp luật.

tan-hiep-phat-so-huu-quy-dat-vang-da-nang-min-1681265370.jpeg
Century Bay Đà Nẵng là chủ sử dụng 2 khu “đất vàng” tổng diện tích gần 15.000m2 tại P.An Hải Bắc (Q.Sơn Trà, Đà Nẵng)

Century Bay Đà Nẵng là chủ sử dụng 2 khu “đất vàng” tổng diện tích gần 15.000m2 tại P.An Hải Bắc (Q.Sơn Trà, Đà Nẵng). Năm 2018, Công ty Tân Hiệp Phát nhận chuyển nhượng quyền sử dụng của hai khu đất này từ một cá nhân rồi lại chuyển nhượng cho Century Bay Đà Nẵng. 

Do chậm đưa đất vào sử dụng, tháng 3/2022, Sở TN&MT TP. Đà Nẵng yêu cầu Century Bay Đà Nẵng thực hiện cam kết triển khai thủ tục để xây dựng dự án, trường hợp vi phạm sẽ thu hồi đất.

Một doanh nghiệp khác là Công ty Cổ phần BĐS Song Thanh. Công ty này đang triển khai dự án khu phức hợp Suntory Bay nằm trên đường Bạch Đằng (Q.Hải Châu, Đà Nẵng), với tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng.

Tại TP.HCM, năm 2018, gia đình ông chủ Tân Hiệp Phát đã bỏ ra 163 tỷ đồng để nhận chuyển nhượng 8 lô “đất vàng” từ một cá nhân.

"Khẩu vị" của Tân Hiệp Phát khi tiến vào lĩnh vực bất động sản cũng có nhiều khác biệt khi nhắm vào những khu đất Nhà nước hoặc ngân hàng mang ra đấu giá để tích lũy quỹ đất. Với lượng tiền mặt lớn, Tân Hiệp Phát sở hữu một lợi thế đáng kể về nguồn lực để tham gia các thương vụ xử lý nợ xấu cho các ngân hàng. Chiến lược này đã giúp cho Tân Hiệp Phát sở hữu nhiều lô “đất vàng” tại Đà Nẵng, TPHCM và Vũng Tàu. 

Khẩu vị 'săn đất vàng’

Ngoài tích luỹ các khu “đất sạch” để không phải giải phóng mặt bằng, chiến thuật thu gom quỹ đất của gia đình ông chủ Tân Hiệp Phát còn đến từ việc tham gia các cuộc đấu giá đất.

Tháng 12/2022, ông Trần Quí Thanh có mặt tại buổi đấu giá 4 lô “đất vàng” tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm gây xôn xao dư luận. Được đồn thổi là “đại gia có nhiều tiền mặt nhất Việt Nam”, nhưng khi kết thúc buổi đấu giá này, ông chủ Tân Hiệp Phát vẫn chưa chốt được đơn hàng nào.

Giai đoạn 2017 – 2020, trong 9 khu đất tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bán đấu giá thành công, thì có 3 khu đất về tay ông Thanh và con gái Trần Ngọc Bích.

Đầu tiên là khu đất 18.165,8m2 đường D5, P.10, TP.Vũng Tàu. Khu đất này được mang ra bán đấu giá vào tháng 5/2019 với giá khởi điểm 255,2 tỷ đồng. Bước giá áp dụng cho mỗi vòng trả giá là 8 tỷ đồng.

Sau khi có thông báo bán đấu giá khu đất trên, ông Trần Quí Thanh và 5 tổ chức nộp hồ sơ. Sau 9 vòng, ông chủ Tân Hiệp Phát đã trúng đấu giá khu đất khi bỏ giá 394,1 tỷ đồng.

Khu đất này được quy hoạch xây dựng chung cư cao 33 tầng. Đến cuối năm 2022, ông Thanh vẫn chưa thể xây dựng vì dự án chưa được duyệt chỉ tiêu quy hoạch, xây dựng.

Khu đất thứ hai về tay gia đình ông chủ Tân Hiệp Phát là 9.994,8m2 đất tại đường Bến Đầm, huyện Côn Đảo. Theo quy hoạch xây dựng, khu đất này được xây công trình cao 3 tầng, chiều cao tối đa 14m, mật độ xây dựng 25%.

Khu đất trên có giá khởi điểm 64 tỷ đồng, chỉ có bà Trần Ngọc Bích và một doanh nghiệp tham gia đấu giá vào tháng 2/2020. Tại vòng thứ 8, bà Trần Ngọc Bích bỏ giá 80,1 tỷ đồng để giành quyền sử dụng khu đất.

Sau khu đất gần 10.000m2 tại huyện Côn Đảo, vào tháng 3/2020, bà Trần Ngọc Bích tiếp tục trúng đấu giá khu đất 20.040,1m2 tại thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ khi bỏ giá 170 tỷ đồng.

Nhiều nghi vấn nhất là cuộc đấu giá khu đất 79.481,9m2 khu An Hải – An Hội, huyện Côn Đảo diễn ra vào ngày 25/12/2019. Khu đất này có giá khởi điểm 537,129 tỷ đồng, chỉ có bà Trần Ngọc Bích và một người khác tham gia đấu giá.

Tại vòng 1, bà Trần Ngọc Bích trả giá hơn 537,3 tỷ đồng, trong khi đó đối thủ của bà trả mức giá 537,2 tỷ đồng. Bước qua vòng 2, cả hai người tham gia đấu giá đều không nhận phiếu trả giá và kết quả con gái ông Trần Quí Thanh là người trúng đấu giá.

Qua thẩm định, cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xác định hai cá nhân tham gia đấu giá có sự trùng hợp về thời gian, địa điểm xác nhận số dư tài khoản ngân hàng, cam kết cấp tín dụng của ngân hàng; trùng khớp về địa điểm công chứng uỷ quyền tham gia đấu giá.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã giao cơ quan công an phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, thẩm tra mối quan hệ giữa hai người tham gia đấu giá, trực tiếp đấu giá. Đến nay, vẫn chưa có quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá khu đất này cho bà Trần Ngọc Bích.

Thanh Trúc