Novaland chi 11.000 tỷ cho M&A
Từ đầu năm đến nay, CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, Mã: NVL) và các doanh nghiệp thành viên, doanh nghiệp liên quan đã liên tiếp thực hiện các thương vụ M&A. Trong đó, Novaland đã chuyển nhượng thành công một dự án ở quận 2 (TP Thủ Đức, TP HCM) với giá trị 6.500 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Novaland đã M&A thêm 44,7 ha cho dự án thành phần Aqua Marina thuộc Aqua City (Đồng Nai); M&A hai dự án có tổng diện tích 63 ha ở Hồ Tràm (Bà Rịa-Vũng Tàu) và một dự án quy mô 690 ha ở Phan Thiết,… Tổng giá trị các thương vụ này ước tính 11.000 tỷ đồng.
Phía doanh nghiệp đang tiếp tục M&A thêm nhiều quỹ đất tại thị trường Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu,... để mở rộng quy mô các đô thị vệ tinh, tổ hợp nghỉ dưỡng đang phát triển.
Tiêu thụ nhà ở tăng gấp sáu
Tháng 11, thành phố ghi nhận 2.431 căn hộ mới tung ra thị trường, bán được 68%, tăng gấp 6 lần so với tháng trước.
Báo cáo cập nhật thị trường nhà chung cư của DKRA Việt Nam cho biết, bước sang tháng thứ hai TP HCM dỡ phong tỏa, thị trường căn hộ thành phố đang vào guồng mùa cao điểm bán hàng với khoảng 2.431 căn được tung ra trong tháng 11. Nguồn cung mới này tăng gấp 6,6 lần so với tháng trước (chỉ có 371 căn được mở bán) và gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái (769 căn).
Thanh khoản thị trường sơ cấp (chủ đầu tư chào bán lần đầu) cũng cải thiện đáng kể so với tháng đầu tiên TP HCM dỡ phong tỏa. Lượng tiêu thụ nhà chung cư trong tháng 11 đạt khoảng 68% nguồn cung mới, tương đương 1.661 căn đã được giao dịch thành công, tăng gấp 6 lần so với tháng trước (chỉ bán được 279 căn) và tăng gấp 2,4 lần lượng tiêu thụ cùng kỳ năm 2020 (bán được 702 căn).
Đơn vị khảo sát cho biết, nguồn cung mới trong tháng 11 bùng nổ so với tháng trước song chỉ tập trung ở phân khúc căn hộ hạng A (nhà cao cấp) tại TP Thủ Đức, các khu vực khác không có nhiều biến động so với tháng trước. Căn hộ hạng C, nhà ở vừa túi tiền phục vụ nhu cầu ở thực vẫn tiếp tục vắng bóng trên thị trường trong tháng vừa qua.
4.800 tỷ đồng xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa
UBND TP Hồ Chí Minh vừa ban hành quyết định phê duyệt dự án xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa (quận Tân Bình) với tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2024.
Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư, với mục tiêu kết nối nhà ga hành khách T3 theo Quy hoạch điều chỉnh chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất với hệ thống giao thông đô thị của TP Hồ Chí Minh nhằm cải thiện tình trạng giao thông khu vực xung quanh Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, từng bước phát triển mạng lưới đường bộ trên địa bàn quận Tân Bình và góp phần cải thiện hệ thống giao thông vận tải theo quy hoạch của thành phố.
Dự án có chiều dài tuyến khoảng 4 km, điểm đầu tuyến giao đường Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện; điểm cuối tuyến giao đường C12 – Cộng Hòa – Trường Chinh. Vận tốc thiết kế là 50 km/ giờ. Quy mô mặt cắt ngang tuyến chính đáp ứng 6 làn xe. Xây dựng cầu cạn dọc trên tuyến dài khoảng 987m, đáp ứng 4 làn xe, chiều rộng từ 17 - 21m. Ngoài ra, dự án cũng xây dựng 2 hầm chui tại nút giao thông đường Phan Thúc Duyện – Trần Quốc Hoàn và nút giao đường Trường Chinh – Tân Kỳ Tân Quý.
Nhất trí chủ trương mở lại đường bay quốc tế
Ngành giao thông đề xuất hai giai đoạn thí điểm khôi phục các chuyến bay thương mại thường lệ chở khách quốc tế vào Việt Nam. Giai đoạn một kéo dài 2 tuần, dự kiến từ 15/12, tổ chức chuyến bay thường lệ giữa Việt Nam và các thị trường: Bắc Kinh, Tokyo, Seoul, Đài Bắc - Đài Loan (Trung Quốc), Bangkok, Singapore, Vientiane, Phnom Penh, San Francisco hoặc Los Angeles.
Các chuyến bay quốc tế trong thời gian này sẽ về hai cảng hàng không quốc tế là Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Tần suất hoạt động 4 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên (dự kiến tổng lượng khách nhập cảnh Việt Nam khoảng 14.000 người mỗi tuần).
Giai đoạn 2 thực hiện trong một tháng kể từ khi kết thúc giai đoạn một, dự kiến từ tháng 1/2022.
Ngoài 9 thị trường nói trên, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất mở thêm các đường bay đi/đến Kuala Lumpur, Hong Kong, Paris, Frankfurt, Sidney, Moscow. Ở giai đoạn này, ngoài Nội Bài, Tân Sơn Nhất, các cảng hàng không quốc tế đề xuất tiếp nhận gồm: Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Vân Đồn.
Tần suất dự kiến tăng lên 7 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên (dự kiến tổng lượng khách nhập cảnh Việt Nam khoảng 40.000 người/tuần).
Nguồn: CafeLand, Vietnambiz, VnExpress, VnEconomy