Gần 120 tỷ đồng kết nối xe buýt với Metro số 1

Xung quanh nhà ga Metro Số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sẽ làm các công trình hạ tầng kỹ thuật, trạm dừng xe buýt... giúp khách dễ tiếp cận, thuận tiện đi lại.

Đề xuất nói trên nêu trong chủ trương đầu tư dự án tăng khả năng kết nối xe buýt với Metro Số 1 vừa được Sở Giao thông Vận tải báo cáo HĐND TP HCM.

Dự án tổng mức đầu tư 118,5 tỷ đồng, xây các công trình hạ tầng cho xe buýt kết nối nhà ga Metro Số 1, phục vụ trung chuyển khách. Xung quanh 11 ga trên cao của tuyến metro dọc xa lộ Hà Nội sẽ được xây dựng các trạm dừng, nhà chờ xe buýt, bãi đậu xe cá nhân; bổ sung lối đi bộ... Riêng khu vực nhà ga Văn Thánh (quận Bình Thạnh) được xây thêm bãi đậu rộng hơn 1.600 m để các xe buýt sau khi đón trả khách trước nhà ga đến bãi chờ tài.

Thu hồi dự án nếu doanh nghiệp không nộp tiền đấu giá trong 90 ngày

Liên quan đến vụ trúng giá đất Thủ Thiêm, Cục Thuế Tp. Hồ Chí Minh cho biết, đã có thư nhắc nhở các doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thuế sau khi trúng đấu giá. Nếu quá hạn trên 90 ngày sẽ có biện pháp cưỡng chế, thu hồi dự án…

Trong vòng 90 ngày, Cục Thuế Thành phố sẽ  có thư nhắc nhở các doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thuế sau khi trúng đấu giá. Còn trên 90 ngày sẽ có biện pháp cưỡng chế; trong đó, biện pháp cao nhất là đề nghị không thực hiện dự án, thu hồi dự án.

Trước đó, ngày 10/12/2021, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp Tp.Hồ Chí Minh đã tổ chức bán đấu giá 4 lô đất thuộc khu chức năng số 3 tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Tp.Thủ Đức. Tuy nhiên, sau đó Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt và Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh thương mại Bình Minh lần lượt xin “bỏ cọc”.

Hiện 2 doanh nghiệp còn lại là Công ty cổ phần Dream Republic và Công ty cổ phần Sheen Mega vẫn chưa nộp tiền sử dụng đất, dù đã nhận thông báo nộp tiền trúng thầu kể từ ngày 6/1/2021 của Cục Thuế Tp.Hồ Chí Minh.

Trong đó, Công ty cổ phần Dream Republic mua lô đất 3-5 diện tích 6.446 m2 với giá trúng thầu là 3.820 tỷ đồng; Công ty cổ phần Sheen Mega mua lô đất 3-8 với diện tích 8.568 m2 với giá 4.000 tỷ đồng.

1.166 km cao tốc sẽ được triển khai tại Đồng bằng sông Cửu Long

Theo Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt, đối với phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL, mục tiêu đề ra là đến năm 2030, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830 km đường bộ cao tốc, khoảng 4.000 km đường quốc lộ, 4 cảng hàng không cùng 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa.

Hiện khu vực ĐBSCL mới có khoảng 150 km cao tốc đang khai thác, gồm tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, TP HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận.

quy-hoach-duong-cao-toc-dong-bang-song-cuu-long-1663076247.jpg
Đồng bằng sông Cửu Long sẽ triển khai 1.166 km cao tốc

Quy hoạch nêu rõ, về đường bộ, với hệ thống đường bộ cao tốc trong vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 có tổng chiều dài khoảng 1.166 km, bao gồm ba trục dọc kết nối các tỉnh, thành phố trong vùng với vùng Đông Nam Bộ và ba trục ngang nhằm tăng cường kết nối với hệ thống cảng biển trong vùng với các cửa khẩu quốc tế.

Vĩnh Long sẽ có thêm 5 khu công nghiệp rộng 1.700 ha

UBND tỉnh Vĩnh Long vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình của Tỉnh ủy về phát triển khu, cụm công nghiệp tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021 - 2025.

Bên cạnh đó, nghiên cứu, khảo sát vị trí, đưa các khu công nghiệp vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tiến hành mời gọi đầu tư, như: khu công nghiệp Hòa Phú mở rộng (giai đoạn 3) diện tích 157 ha; khu công nghiệp Tân An Thạnh diện tích 500 ha; khu công nghiệp Phước An diện tích 200 ha; khu công nghiệp Trung Thành Tây diện tích 300 ha; khu công nghiệp Đình Khao diện tích 400 ha; khu công nghiệp phức hợp, cảng, logistic Mỹ Hòa diện tích 300 ha.

Đối với các cụm công nghiệp, thành lập, từng bước xây dựng hạ tầng kỹ thuật đạt 50% đối với 6 cụm công nghiệp gồm: cụm công nghiệp Song Phú (huyện Tam Bình); cụm công nghiệp Phú An (huyện Tam Bình); cụm công nghiệp Tân Quới (huyện Bình Tân); cụm công nghiệp Tân Bình (huyện Bình Tân); cụm công nghiệp Mỹ Lợi (huyện Trà Ôn); cụm công nghiệp TP. Vĩnh Long.

Tổng vốn đầu tư khu công nghiệp, cụm công nghiệp trọng điểm và khu công nghiệp, cụm công nghiệp dự kiến triển khai giai đoạn 2021 - 2025 hơn 15.336 tỷ đồng; trong đó, kinh phí hỗ trợ từ ngân sách là 386 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư hơn 14.950 tỷ đồng.