Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên mức tăng trưởng tín dụng

Mới đây, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, năm nay Ngân hàng Nhà nước đưa ra mục tiêu từ đầu năm là 14%. Mức này cao hơn năm 2020 - 2021, lần lượt 12,17% và 13,61%.

noi-room-tin-dung-1663553151.jpg
Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, năm nay Ngân hàng Nhà nước đưa ra mục tiêu từ đầu năm là 14%

Theo Phó thống đốc, giải pháp này vẫn thể hiện hiệu quả trong ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, góp phần kiểm soát lạm phát. Chẳng hạn, trước năm 2011, tăng trưởng tín dụng rất cao, trên 30% nhưng 10 năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước cố gắng điều hành 12-14%, góp phần ổn định vĩ mô.

Hiện tăng trưởng tín dụng đã trên 10%, tốc độ tăng nhanh so với cùng kỳ nhiều năm. Bối cảnh trái phiếu doanh nghiệp, đầu tư công chậm... cơ quan điều hành tiền tệ đánh giá, là áp lực lớn cho tăng trưởng tín dụng năm nay.

Tuy vậy, Phó thống đốc khẳng định, Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%, không điều chỉnh mục tiêu này.

Doanh nghiệp xây nhà ở xã hội kêu khó

Được miễn giảm tiền thuê đất, thuế và ưu đãi vốn vay, tuy nhiên nhà đầu tư nói lợi nhuận xây nhà ở xã hội thấp, trong khi thủ tục quá phiền hà.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Lê Thành, đề cập đến những khó khăn doanh nghiệp mình phải đối mặt khi tham gia dự án nhà ở xã hội. Lê Thành là doanh nghiệp đã cung ứng khoảng 4.330 căn hộ nhà xã hội cho thuê, chủ yếu ở TP HCM.

Dẫn Điều 58 Luật Nhà ở 2014, ông nói chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, thuê đất; miễn giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; được vay vốn ưu đãi; được hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Tuy nhiên, trong thực tế, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp với nhà ở xã hội cho thuê không được giảm theo Luật Nhà ở, mà các cơ quan thuế căn cứ quy định về thuế, chỉ giảm 50% với nhà ở xã hội cho thuê. Dự án xây dựng nhà ở xã hội rất khó tiếp cận với nguồn vốn vay do ngân sách bố trí cho các dự án này rất ít. Doanh nghiệp phải vay vốn từ các ngân hàng thương mại với lãi suất cao đến 11% một năm.

TP HCM dành 20 khu đất rộng 38 ha để xây nhà ở xã hội

Sở Xây dựng TP.HCM vừa báo cáo Bộ Xây dựng về đề án Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp tại TP HCM.

Đơn vị này xác định quận 12 là địa phương có nhiều đất nhà ở xã hội nhất và khu nhà ở xã hội phường Hiệp Thành đã có đất sạch, có cơ sở hạ tầng đầy đủ; quận Bình Tân có 3 khu và Gò Vấp có 2 khu.

Ngoài ra, TP HCM còn có quỹ đất 20% dành cho nhà ở xã hội, người thu nhập thấp ở 25 khu đất để xây dự án nhà ở thương mại, với tổng diện tích 57 ha, gồm: 20 dự án ở TP Thủ Đức, 3 dự án ở quận Bình Tân, một ở Bình Chánh và một ở quận 7. Trong số này, 14 dự án đã có đất sạch, đang làm thủ tục đầu tư xây nhà ở xã hội.

Giai đoạn 2021-2025, toàn TP HCM có khoảng 519.000 người dân cần nhà ở xã hội, 5 năm tiếp theo có hơn 524.000 người có nhu cầu, kể cả công nhân. Trong năm nay, toàn thành phố có một dự án nhà ở xã hội hoàn thành và đưa vào sử dụng với quy mô 260 căn hộ, diện tích sàn hơn 32.600 m2 tại phường Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức.

FDI rót vào bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn

Mặc dù đại dịch Covid-19 vẫn đang tác động không nhỏ đến tình hình hoạt động của nhiều ngành kinh tế, song nguồn vốn FDI vào Việt Nam liên tục tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2022.

Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 đã diễn biến phức tạp, vốn FDI vào Việt Nam vẫn đạt 31,15 tỉ USD, tăng 9,2% so với năm 2020. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin vào môi trường đầu tư Việt Nam. Đặc biệt, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 trong việc thu hút FDI với tổng vốn đầu tư trên 3,15 tỉ USD, chiếm 22,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Theo nhận định từ các chuyên gia, bất động sản vẫn luôn là ngành kinh tế mũi nhọn với sức tăng trưởng ổn định và bền vững tại Việt Nam. Không chỉ bất động sản công nghiệp mà cả các phân khúc nhà ở, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe… cũng đang là thỏi nam châm thu hút các nhà đầu tư ngoại

“Thúc” giải ngân vốn đầu tư công

Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký ban hành Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 15/9/2022 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022.

Để đạt mục tiêu trên, Nghị quyết đưa ra nhiệm vụ cho người đứng đầu các cơ quan trực tiếp phụ trách và chịu trách nhiệm rà soát các quy định hiện hành về đầu tư công, chỉ ra những quy định bất cập trong thực tiễn triển khai. Trên cơ sở đó các cơ quan phải khẩn trương đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến triển khai các dự án đầu tư công thuộc thẩm quyền của Chính phủ, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong tháng 9/2022 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh giải pháp tháo gỡ về thể chế, chính sách, Nghị quyết cũng đưa ra giải pháp tổ chức triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Theo đó, Bộ Xây dựng đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ về xác định, công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo quy định của pháp luật.

Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn ngay các bộ, cơ quan trung ương và địa phương về quy trình cấp phép mỏ, khai thác mỏ nguyên vật liệu cho dự án đầu tư công bảo đảm nhanh, hiệu quả và đúng quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính chỉ đạo Kho bạc Nhà nước đẩy mạnh thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của các chủ đầu tư, công khai minh bạch quá trình xử lý hồ sơ tại cơ quan kiểm soát thanh toán.

Sửa đổi Luật để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Tại phiên thảo luận bàn tròn, toạ đàm cấp cao diễn ra vào buổi chiều ngày 18/9, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết ngày 16/9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết có 3 nhóm vấn đề mà Bộ phải rà soát và báo cáo để Quốc hội có quyết sách, bao gồm:

Thứ nhất là điều kiện phát hành trái phiếu của doanh nghiệp sao cho phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Thứ hai là điều kiện đối với nhà đầu tư chuyên nghiệp được phép tham gia đầu tư trái phiếu của các doanh nghiệp.

Thứ ba là cách thức phát hành trái phiếu, quy định giám sát việc phát hành trái phiếu riêng lẻ hoặc phát hành ra công chúng.

Như vậy, cải cách pháp luật chính là giải pháp đầu tiên để phát triển lành mạnh thị trường trái phiếu, đạt mục tiêu mà Chính phủ đề ra: Đến năm 2025, quy mô thị trường trái phiếu chiếm 47% GDP trong đó riêng trái phiếu doanh nghiệp chiếm 20% GDP.

Giải pháp thứ hai là đa dạng và cải thiện cầu đầu tư đối với trái phiếu doanh nghiệp. Bộ Tài chính xác định nhiệm vụ quan trọng là phát triển nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp như công ty quản lý quỹ hoặc các ngân hàng đầu tư trong thời gian tới. Đối với nhà đầu tư cá nhân có nhu cầu mua trái phiếu cần phải thông qua các định chế chuyên nghiệp nói trên.

Giải pháp thứ ba được lãnh đạo Bộ Tài chính đề xuất là nâng cao chất lượng của các trung gian tài chính tham gia phát hành trái phiếu doanh nghiệp bao gồm: Công ty chứng khoán, tổ chức tín dụng, công ty cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán, thẩm định giá  và các công ty xếp hạng tín nhiệm…

Giải pháp thứ tư, thời gian tới, Bộ Tài chính cho biết sẽ tăng cường giám sát, kiểm tra thị trường trái phiếu theo hướng thể chế hóa trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Các bên liên quan trong quá trình này gồm doanh nghiệp phát hành, nhà đầu tư, các tổ chức  trung gian và cơ quan quản lý nhà nước.  

Giải pháp cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng trong quá trình phát triển thị trường là truyền thông minh bạch, kịp thời đến xã hội về các chính sách, quy định của pháp luật đối với việc phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Xúc tiến đường ven biển, kết nối hạ tầng đồng bằng sông Cửu Long

Các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Trà Vinh đã cùng thảo luận về hướng tuyến, quy mô dự án và xúc tiến việc khởi động dự án đường ven biển Miền Tây chạy dọc bờ biển của ba địa phương. Tổng vốn đầu tư hơn 28.500 tỷ đồng, gồm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 từ 2021 – 2025, giai đoạn 2 sau năm 2025.

duong-ven-bien-mien-tay-1663558619.jpg
Đường ven biển miền Tây dài 740km

Cụ thể, dự án đường ven biển Miền Tây có tổng chiều dài 740km, từ TP.HCM đến Hà Tiên, đi qua địa bàn các địa phương TP.HCM, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang. Điểm đầu của dự án tại Km0+000, giao với đường tỉnh 877B (khoảng Km22+215), thuộc xã Phú Đông, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang. Điểm cuối dự án tại Km53+000, cuối cầu Cổ Chiên 2 (cầu Thạnh Phú), thuộc xã Long Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh.

Đây là dự án hạ tầng giao thông quan trọng, kết nối hầu hết các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cũng như thúc đẩy tiềm năng du lịch biển của cả vùng rộng lớn.

Nhà thầu "không mặn mà" với dự án đầu tư công

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam, nhiều đơn giá xây dựng do Nhà nước ban hành chỉ bằng 1/3 giá thực tế nên nhiều nhà thầu không muốn nhận các gói đầu tư công.

Theo ông Hiệp đánh giá điểm nghẽn đầu tiên là các thủ tục thanh quyết toán và các bước thực hiện thủ tục đầu tư vẫn hết sức cồng kềnh nhưng chưa có cơ chế quy trách nhiệm cụ thể cho từng khu vực, từng công đoạn.

Điểm nghẽn thứ hai là đơn giá định mức còn quá lạc hậu, bất cập. Có những đơn giá mà nhà nước đưa ra chỉ bằng 1/3 so với thi công thực tế. Do đó khá nhiều thầu mạnh e ngại, không muốn nhận các gói đầu tư công.

Nguồn: VnExpress, Zingnews, VnEconomy, CafeF