Nới room tín dụng giải toả cơn khát vốn bất động sản

Hoàng Vy
Thị trường bất động sản được dự báo sẽ sớm “ấm áp” trở lại sau khi Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng, mang lại nhiều tín hiệu tích cực cho cả người mua, nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp.

Giải toả cơn khát vốn 

Ngân hàng Nhà nước chính thức đưa ra thông tin về việc nới tín dụng vào ngày 7/9 vừa qua. Theo đó, một số ngân hàng thương mại mở tín dụng với mức tăng trưởng từ 3-4,5%. Báo cáo của SSI Research nhận định, việc hạn mức tăng trưởng tín dụng được điều chỉnh trong khoảng còn lại của mục tiêu 14% để thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%, cũng như đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Phía Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định sẽ tiếp tục điều hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Mặc dù số lượng ngân hàng nới room ở mức độ cho phép, nhưng theo các chuyên gia, động thái này đã tác động mạnh mẽ đến tâm lý, kỳ vọng thị trường BĐS cuối năm sẽ ấm trở lại.

thi-truong-bds-min-1663124469.jpg
Nới room tín dụng kỳ vọng mang lại nhiều tín hiệu tích cực cho cả người mua, nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, động thái nới hạn mức tín dụng trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp khó khăn, dự án đình trệ vì thiếu vốn khi ngân hàng dừng giải ngân do hết room. Thị trường đã có xu hướng giảm nhiệt rõ ràng cả về cung và cầu. Vậy nên nới room tín dụng kỳ vọng sẽ mang lại nhiều tín hiệu tích cực hơn cho cả người mua nhu cầu ở thực, nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp phát triển.

Nhìn nhận diễn biến này, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho biết, việc nới room tín dụng sẽ có tác động tích cực đến dòng tiền của các doanh nghiệp BĐS và tăng dư địa cho thị trường phục hồi, tái phát triển. Thị trường BĐS TP HCM được kỳ vọng sẽ ấm trở lại vào những tháng cuối năm lúc dòng tín dụng khai thông, doanh nghiệp giải phóng được lượng hàng tồn kho và tích cực hơn trong phát triển nguồn cung mới. Tuy nhiên room tín dụng mới được cấp phần nào chỉ giải toả được cơn khát vốn cho doanh nghiệp và người dân, nhưng khó lòng đáp ứng hết nhu cầu, nhất là vào mùa kinh doanh cao điểm cuối năm. Dòng tiền sẽ vẫn chỉ chảy vào các dự án có quy mô, chất lượng của các chủ đầu tư giàu uy tín.

Tín hiệu tích cực từ thị trường

Thực tế từ thị trường cho thấy, sau giai đoạn siết tín dụng, số lượng chủ đầu tư có dự án mới triển khai sụt giảm mạnh. Nếu như các năm trước đây, mỗi năm nguồn cung bán căn hộ TP HCM có hàng trăm dự án lớn nhỏ, từ đầu năm 2022 đến nay con số này chỉ lác đác trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, không phủ nhận, siết tín dụng là biện pháp tốt để thanh lọc thị trường sau thời gian dài tăng trưởng nóng. Dù nguồn cung mở bán 8 tháng qua khá ít ỏi nhưng đều là những dự án có chất lượng tốt xét ở cả khía cạnh sản phẩm lẫn chủ đầu tư, đáp ứng được bài kiểm tra khốc liệt về tín dụng và pháp lý.

Đánh giá về thị trường BĐS cuối năm, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam cho biết, sau hơn nửa năm thắt chặt, room tín dụng của các ngân hàng đã được nới ra. Đây là tín hiệu tích cực cho toàn thị trường BĐS phát triển theo hướng đi lên. Quý 4 sẽ là giai đoạn bật dậy sau quãng nghỉ, doanh nghiệp BĐS đón chờ dòng vốn mới tiếp sức sẽ mạnh tay hơn trong phát triển dự án còn nhà đầu tư cũng chuẩn bị cho chu kỳ đầu tư mới với loạt dự án tốt sắp ra hàng. Giai đoạn cuối năm, thị trường dự kiến sẽ hoạt động tích cực hơn.

Từ một góc nhìn khác, ông Sử Ngọc Khương đánh giá việc nới room tín dụng còn là cơ hội thu hút thêm FDI cho Việt Nam, bao gồm thị trường bất động sản.

"Đối với một đất nước với hơn 100 triệu dân như Việt Nam, siêu đô thị với hơn 10 triệu dân như TP.HCM, các khoản đầu tư này là rất quan trọng. Thực tế, số vốn ngoại đầu tư trực tiếp giảm gần 13% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng trong đó, riêng vốn FDI rót vào ngành kinh doanh bất động sản lại tăng vọt với hơn 3,3 tỷ USD, chiếm 19,9% tổng vốn đầu tư đăng ký", ông Khương bình luận thêm.

TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, cũng cho rằng "room" tín dụng vừa được cấp tăng thêm không quá nhiều. Trong phần dư địa cho vay được tăng thêm mới đây, có khoảng 15-20% được giải ngân cho lĩnh vực bất động sản, nhất là 2 phân khúc là nhà ở và khu công nghiệp.

"Hiện nay dư nợ cho vay bất động sản chiếm khoảng 20,6% tổng dư nợ của toàn nền kinh tế, trong đó có 67% gắn với bất động sản nhà ở, 33% bất động sản kinh doanh và đầu tư", ông nói.

Linh Chi