Thu nhập kém, lãi ngân hàng thúc, phải làm sao?

Huy Hoàng
Nếu đang vay ngân hàng và gặp khó khăn về tài chính do dịch bệnh, đừng ngồi chờ, hãy cập nhật và liên hệ với ngân hàng ngay theo các hướng dẫn trong bài viết

Các chính sách giãn nợ hiện nay cho cá nhân và doanh nghiệp

Tùy theo chính sách ngân hàng và mức độ ảnh hưởng nặng nhẹ của Covid-19 đến các cá nhân hoặc doanh nghiệp mà ngân hàng sẽ áp dụng một trong hai phương án sau.

Phương án 1: Miễn, giảm lãi, phí

Thời gian duyệt hồ sơ: khoảng 1 tuần.

mien-giam-lai-suat-1630978761.jpg
Ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất cho vay

Trong thời gian ảnh hưởng dịch, khách hàng có thể nộp hồ sơ đề nghị phía ngân hàng xem xét giảm lãi suất trong thời gian này. Ví dụ như hợp đồng vay đang áp dụng lãi suất thả nổi thông thường, tùy theo từng chính sách mà ngân hàng sẽ giảm lãi suất hợp lý cho khách hàng. 

Đối tượng áp dụng phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp)
- Nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 31/12/2021
- Khách hàng đã nộp đủ hồ sơ chứng minh không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập giảm sút bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Hiện nay, mức giảm lãi suất sẽ dao động 0,5 - 1% đối với khối khách hàng cá nhân vay tiêu dùng phục vụ đời sống, ở mức 1 - 2% đối với khối khách hàng doanh nghiệp.

 

Phương án 2: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ 

Thời gian duyệt hồ sơ: 2 - 3 tuần.

Cơ cấu lại thời hạn trả nợ là việc tổ chức tín dụng điều chỉnh kỳ hạn trả nợ hoặc kéo dài thời hạn trả gốc lãi đối với các khoản nợ vay của khách hàng.

Đối tượng áp dụng phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính.
- Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 31/12/2021.
- Được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá doanh thu, thu nhập chịu ảnh hưởng nặng từ Covid-19, mất khả năng thanh toán gốc và/ hoặc lãi theo hợp đồng.
- Số dư nợ của khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Số dư nợ còn trong hạn hoặc quá hạn đến 10 (mười) ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, thời hạn trả nợ theo hợp đồng, thỏa thuận.
2. Số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 23/01/2020 và quá hạn trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 29/03/2020;
3. Số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 23/01/2020 và quá hạn trước ngày 17/5/2021.

Cách 1: Điều chỉnh lại kỳ hạn trả nợ

Đây là phương án thay đổi số tiền gốc và lãi của từng kỳ hạn trả nợ, theo hướng thanh toán ít vào đầu kỳ và trả nhiều hơn vào các kỳ tiếp theo. Ngân hàng có thể cho phép khách hàng chỉ trả phần lãi, không cần trả gốc hoặc có thể không thanh toán cả gốc lẫn lãi trong thời gian này mà dồn về thanh toán vào các kỳ cuối.

Cách 2: Kéo dài thời hạn trả gốc lãi

Ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng chấp thuận kéo dài thêm một khoảng thời gian thanh toán gốc và lãi, vượt qua kỳ hạn cho vay trong hợp đồng. Tuy nhiên thời gian kéo dài thêm không được vượt quá 12 tháng kể từ ngày cuối cùng của thời hạn cho vay, cho thuê tài chính.
Phương án này giúp phần thanh toán nợ vay mỗi kỳ của khách hàng được nhẹ lại. Tuy nhiên không phải khách hàng nào cũng được gia hạn 12 tháng mà thời gian giãn nợ tối đa sẽ tùy thuộc theo chính sách riêng của ngân hàng cho vay.

Cách 3: Vừa điều chỉnh kỳ hạn, vừa kéo giãn thời hạn trả gốc lãi

Đây là phương án vừa giãn thời hạn trả gốc và lãi, vừa thay đổi số tiền gốc và lãi của từng kỳ hạn trả nợ để phù hợp với khả năng thanh toán của khách hàng.

Cách điều chỉnh này chỉ được áp dụng hạn chế trong trường hợp thu nhập, doanh thu của khách hàng chịu ảnh hưởng rất nặng từ Covid-19 và không có khả năng trả nợ đúng kỳ hạn nợ gốc và/ hoặc lãi tiền vay.

Theo định kỳ ngân hàng sẽ phối hợp với khách hàng, thường xuyên kiểm tra tình hình thu nhập hoặc kinh doanh của khách hàng. Nếu xác định tình hình dịch được kiểm soát, thu nhập, doanh thu phát sinh ổn định thì khách hàng cần phải thanh toán phần gốc và lãi theo tiến độ đã thỏa thuận trên hợp đồng vay ban đầu cho phía ngân hàng.

Nhà nước cũng quy định Ngân hàng phải siết chặt, kiểm tra kỹ các hồ sơ nguồn thu nhập, đảm bảo giảm cơ cấu nợ lãi cho đúng đối tượng để tránh những trường hợp trục lợi trong thời điểm này. Chính vì thế mà không phải người đi vay nào nộp hồ sơ yêu cầu giãn nợ cũng được chấp thuận.

 

Cá nhân hoặc doanh nghiệp cần phải làm gì khi ngộp lãi vay?

co-cau-thoi-han-tra-no-1630978761.jpg
Người đi vay nên liên hệ với cán bộ tín dụng quản lý hồ sơ vay để được tư vấn thủ tụccơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi

Đầu tiên, các cá nhân và doanh nghiệp cần phải xem xét mình có thuộc đối tượng thỏa điều kiện theo thông tư 01/2020/TT-NHNN và thông tư 03/2021/TT-NHNN hay không. Nếu các cá nhân và doanh nghiệp có thể chứng minh được nguồn thu nhập bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch, không còn đủ khả năng trả gốc và lãi cho ngân hàng nữa đều có thể nộp hồ sơ xem xét miễn giảm lãi, phí và cơ cấu thời hạn trả nợ.

Bước hai, khách hàng cần liên hệ trực tiếp với cán bộ tín dụng quản lý hồ sơ vay để được tư vấn về việc đề nghị được miễn, giảm lãi, phí hoặc cơ cấu thời hạn trả nợ.

Bước ba, chuẩn bị hồ sơ chứng minh nguồn thu nhập (cá nhân) hoặc doanh thu (doanh nghiệp) bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Dựa trên những hồ sơ ban đầu mà cá nhân hoặc doanh nghiệp đã nộp để kê khai nguồn thu nhập, doanh thu đủ điều kiện vay, thì khi làm đề nghị khách hàng cũng cập nhật lại những hồ sơ đó để chứng minh các nguồn thu đang bị ảnh hưởng.

Ngân hàng sẽ dựa vào những hồ sơ khách hàng cung cấp để đánh giá khả năng thanh toán gốc và lãi vay của khách hàng. Thông thường ngân hàng sẽ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin sau:

1. Đối với khách hàng cá nhân: sao kê lương, văn bản hoặc quyết định cắt giảm nhân sự, cắt giảm lương, quyết định tạm ngưng công tác

2. Đối với khách hàng doanh nghiệp:
- Ngân hàng sẽ dựa vào tình hình kinh doanh thực tế, loại hình kinh doanh của doanh nghiệp có nằm trong những ngành chịu ảnh hưởng của covid
- Hồ sơ cần nộp: báo cáo tài chính theo tháng, quý đang bị ảnh hưởng bởi dịch; file phần mềm theo dõi doanh thu kinh doanh; sao kê giao dịch;...

Những khoản vay không đủ điều kiện để cơ cấu thời hạn trả nợ thường gặp

Các ngân hàng cho biết có rất nhiều khoản vay không đủ điều kiện trong quá trình xét duyệt hồ sơ đề nghị miễn, giảm lãi, phí hoặc cơ cấu thời hạn trả nợ, thông thường các khoản vay đó sẽ rơi vào ba trường hợp dưới đây:

1. Khoản nợ phát sinh sau ngày 10/06/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính. Do các khoản vay này không thỏa điều kiện cơ cấu theo Thông tư 03 để được giữ nguyên nhóm nợ, nếu vẫn tiếp tục làm cơ cấu thì sẽ bị nhảy nhóm nợ.

2. Chưa chứng minh được nguồn thu nhập bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và không còn khả năng thanh toán gốc lãi vay.

3. Cá nhân, doanh nghiệp còn một hoặc nhiều nguồn thu nhập khác và vẫn đáp ứng được khả năng thanh toán gốc lãi thì ngân hàng sẽ quyết định hồ sơ nộp không hợp lệ.

Những ảnh hưởng đến điểm tín dụng

Trong thời điểm này nếu doanh nghiệp trả chậm nhưng đã nộp hồ sơ đầy đủ cho ngân hàng và được duyệt chính sách giãn nợ thì sẽ được hỗ trợ không bị nhảy nhóm nợ trên Trung tâm thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC). Tuy nhiên đối với những khoản vay sau ngày 10/06/2020 hiện tại nếu làm hồ sơ cơ cấu sẽ bị nhảy nhóm nợ xấu, ảnh hưởng đến việc vay vốn sau này, đồng thời còn bị phạt thêm khoản phí chậm nộp.

Tuy không giảm điểm CIC ở hệ thống chung, nhưng đã đụng đến cơ cấu nợ sẽ gây ảnh hưởng đến lịch sử xếp hạng tín dụng của khách hàng tại ngân hàng cho vay. Ví dụ trong cùng một thời điểm, kinh doanh cùng ngành nghề nhưng doanh nghiệp A có thể xoay sở được không cần làm cơ cấu nợ mà chỉ cần giảm lãi, trong khi đó doanh nghiệp B bắt buộc phải cơ cấu nợ do mất khả năng thanh toán. Nếu so sánh giữa hai doanh nghiệp, tất nhiên khách hàng A sẽ có điểm xếp hạng tín dụng đẹp hơn khách hàng B. 

Theo quy định của thông tư 03/TT-NHNN, nếu khách hàng không thuộc đối tượng nằm trong quy định và sở hữu khoản vay sau ngày 10/06/2020 mà đề nghị cơ cấu lại thời hạn trả nợ trong thời gian này sẽ ảnh hưởng đến nhóm nợ của khách hàng trên CIC.

Chính vì thế để tránh nhảy nợ xấu ảnh hưởng đến lịch sử tín dụng của khách hàng sau này, ngân hàng thường chuyển đề nghị cơ cấu lại nợ sang phương án khác là miễn giảm lãi, phí nếu cảm thấy nguồn thu nhập của khách hàng chưa bị ảnh hưởng quá nặng. Còn trong trường hợp xấu nhất, khách hàng không đủ khả năng thanh toán mới tiến hành thực hiện theo hướng cơ cấu thời hạn trả nợ.

Chính phủ đề xuất cơ cấu lại thời hạn trả nợ 

Ngày 13/08/2021, baochinhphu.vn cho biết Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Thống đốc NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo đó để phù hợp với diễn biến của Covid-19 lần thứ 4, sẽ thay đổi mốc thời gian từ ngày 10/06/2020 sang ngày 01/08/2021.

Tuy nhiên đây chỉ mới là dự thảo và chưa có văn bản quyết định chính thức.

Hoàng Minh