Điểm tin bất động sản 28/7: Trái phiếu 'hút' hơn tiết kiệm, HoREA cảnh báo rủi ro đặt cọc nhà ở

Bảo An
Trái phiếu 'hút' hơn lãi suất tiết kiệm, HoREA cảnh báo rủi ro khi đặt cọc... là các tin tức đáng chú ý trong sáng 28/7.

HoREA cảnh báo rủi ro khi đặt cọc mua bán bất động sản

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng góp ý dự thảo Thông tư về phát triển, quản lý nhà ở. Trong các năm qua, hoạt động huy động vốn tại một số dự án “phân lô bán nền hình thành trong tương lai” thông qua hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh, hoặc hợp đồng đặt cọc giữ chỗ, thậm chí có trường hợp bên huy động vốn chỉ lập phiếu thu đặt cọc giữ chỗ, hoặc biên bản đặt cọc có xác nhận của thừa phát lại, có dấu hiệu lừa đảo, kinh doanh đa cấp biến tướng đang là vấn nạn, rất bức xúc cần được bổ sung các quy định để kiểm soát, quản lý chặt chẽ.

Trong khi đó, Bộ Luật Dân sự không quy định giới hạn của giá trị đặt cọc do hai bên thỏa thuận, cũng không quy định việc đặt cọc phải tuân thủ theo quy định của pháp luật liên quan, như việc đặt cọc mua bán bất động sản (nhà, nền nhà…) hình thành trong tương lai phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Do vậy, HoREA đề nghị xem xét hướng dẫn về huy động vốn đối với hoạt động kinh doanh bất động sản dưới hình thức phân lô bán nền khi xem xét sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản 2014, Nghị định 76/2015/NĐ-CP, đồng thời xem xét sửa đổi đồng bộ các quy định của Bộ Luật Dân sự 2015 và chế định về thừa phát lại.

du-an-can-ho-opal-skyline-dat-xanh-thuan-an-binh-duong-1627032960.jpg
HoREA cảnh báo rủi ro khi đặt cọc mua bán các dự án, sản phẩm bất động sản.

Hàng loạt khách sạn ở Đà Nẵng rao bán, chẳng mấy người mua

“Trước khi chưa dịch, công việc ổn định, có thể đi làm ngày, làm đêm. Khách sạn có tiệc thì tôi còn đi làm thêm buổi đêm có thêm thu nhập. Nhưng từ hồi có dịch đến giờ chả có việc, bởi vậy khó khăn đủ thứ”, bà Hương chia sẻ.

Từ đầu năm đến nay, trên các website mua bán, giao dịch bất động sản, phân khúc khách sạn được rao bán rất nhiều. Một số khách sạn rao bán với giá rẻ hơn so với thời điểm trước dịch Covid-19 khoảng 20%.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng cho rằng, việc nhiều khách sạn phải rao bán là quy luật giữa cung và cầu khi lượng khách sụt giảm trong một thời gian dài. Vì vậy, nếu đầu tư về mảng khách sạn cần phải có chiến lược và mục đích rõ ràng trước khi đưa ra quyết định để giảm được thiệt hại nếu có sự cố xảy ra.

“Không phải do dịch Covid-19, mà trong xu hướng phát triển của Đà Nẵng thì các khách sạn thấp sao dần dần sẽ mất vai trò. Bởi vì thị hiếu của khách ngày một tăng, yêu cầu cũng ngày càng cao hơn. Cho nên, điều này cũng là quy luật của tất cả các điểm đến. Cho nên, những khách sạn thấp sao đều nằm trong quá trình tái cấu trúc, không chỉ vì có dịch Covid-19 mới có điều đó, quá trình này trước khi có dịch cũng đã xảy ra”, ông Dũng nói.

Vốn FDI vào bất động sản đạt 1,16 tỷ USD

Theo số liệu được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, tính đến ngày 20/7, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đạt 16,7 tỷ USD, bằng 88,9% (giảm 11,1%) so với cùng kỳ năm 2020. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 10,5 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Cụ thể, 7 tháng năm 2021 có 1.006 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (giảm 37,9%), tổng vốn đăng ký đạt 10,13 tỷ USD (tăng 7% so với cùng kỳ). Bên cạnh đó, có 561 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (giảm 9,4%), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 4,54 tỷ USD (giảm 3,7% so với cùng kỳ); 2.403 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (giảm 46,1%), tổng giá trị vốn góp đạt gần 2,05 tỷ USD (giảm 55,8% so với cùng kỳ).

Tính theo số lượng dự án, tất cả phần dự án mới, dự án điều chỉnh vốn và số lượt góp vốn, mua cổ phần đều giảm. Còn tính theo số vốn, chỉ có vốn đầu tư đăng ký mới tăng, ngoài ra cả vốn điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần đều giảm so với cùng kỳ.

img-20200621-192622-1627441383.jpg
Vốn FDI vào bất động sản đạt 1,16 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm.

Lãi suất tiết kiệm thấp chưa từng có, trái phiếu doanh nghiệp “đắt như tôm tươi”

Báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp quý 2 của SSI Research ghi nhận lãi suất phát hành trái phiếu bình quân (loại trừ trái phiếu ngân hàng) trong quý 2 là 9,95%. Dù lãi suất phát hành trái phiếu nằm trong xu hướng giảm từ quý /2020 đến nay nhưng rất nhỏ so với mức giảm sâu của lãi suất tiền gửi.

Theo khảo sát, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng của 4 ngân hàng lớn nhất hiện nay là BIDV, Agribank, Vietinbank, Vietcombank chỉ khoảng 5,5-5,6%/năm.
SSI Research đánh giá “chênh lệch giữa lãi suất phát hành trái phiếu và lãi suất tiền gửi khiến thị trường tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa đầu năm nay”. Lãi suất trái phiếu sẽ khó giảm trong thời gian tới. Lãi suất phát hành bình quân sẽ vẫn dao động quanh mức 10%/năm.

Nhu cầu trái phiếu doanh nghiệp từ nay đến cuối năm có thể còn ở mức cao, đến từ biên độ chênh lệch giữa lãi suất trái phiếu và lãi suất huy động. Ngoài ra, nhu cầu tìm kiếm kênh đầu tư lãi suất cố định để trú ẩn cũng tăng lên khi thị trường chứng khoán chững lại. Tuy nhiên, rủi ro với kênh đầu tư này đang gia tăng.

Hà Nội sẽ chi 500 tỷ đồng đánh giá chất lượng chung cư cũ

Đây là một trong những nội dung thuộc kế hoạch của UBND TP Hà Nội về khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn.

Theo số liệu thống kê năm 2020, TP Hà Nội có khoảng 1.579 chung cư cũ (trong đó khoảng 1.273 nhà thuộc 76 khu chung cư và khoảng 306 chung cư cũ độc lập, đơn lẻ) chủ yếu được xây dựng từ những năm 1960 đến 1994, một số ít xây trước 1954, tập trung ở các quận nội thành, nội đô lịch sử. Hiện thành phố tiếp tục rà soát và cập nhật vào danh mục dự kiến thêm khoảng 200-300 nhà.

Diện tích những căn hộ chung cư này thường nhỏ dưới 30 m2 hoặc 30-50 m2 một căn; quá tải số người, không đảm bảo tiêu chuẩn sử dụng, nhiều hộ tự sửa chữa, cơi nới, lấn chiếm không gian. Đồng thời do không được duy tu bảo trì thường xuyên, công trình và hạ tầng hư hại, xuống cấp, nguy hiểm kỹ thuật kết cấu công trình và an toàn cho người dân.