Cuối tuần qua, Ngọc Thạch (33 tuổi, TP HCM) – giám đốc sản phẩm của một công ty dược nhận thư từ phòng nhân sự. Nội dung hỏi rằng anh có cần chỗ ngồi làm việc cố định hay không, vì sắp tới đây công ty sẽ trả mặt bằng 200m2 tại tòa nhà Etown (quận Tân Bình) để dọn sang một khu co-working space ở quận Phú Nhuận. Công ty tầm 20 nhân sự của anh khuyến khích nhân viên làm việc tại nhà, họp qua các nền tảng online và chỉ lên văn phòng khi cần gặp gỡ đối tác.
Anh Thạch kể, quyết định này được đưa ra bởi trong giai đoạn dịch bệnh mới đây, doanh nghiệp làm việc tại nhà nhiều tháng nhưng công việc vẫn chạy tốt, các chỉ số kinh doanh đều hiệu quả. Do đó ban lãnh đạo công ty quyết định thu nhỏ văn phòng, chỉ cần có phòng họp sang trọng để tiếp khách. Nhân viên nào cần ngồi làm việc nhiều thì được cấp bàn làm việc cố định, số lại còn có thể lên linh hoạt và ngồi ở khu vực làm việc chung.
“Tôi cho rằng đây là quyết định khá sáng suốt, vừa nhẹ gánh chi phí hơn so với các mặt bằng văn phòng cứng, vừa phù hợp với bối cảnh mới vì ai biết có thể lại giãn cách bất cứ lúc nào”, anh Thạch cho biết.
Tuấn Anh (28 tuổi, TP HCM) cũng vừa đăng ký chỗ ngồi làm việc linh hoạt tại một khu co-working space trên đường Huỳnh Khương Ninh, quận 1. Doanh nghiệp startup Tuấn Anh hiện làm việc chỉ có khoảng 5 nhân sự, trong đó 2 nhân sự kinh doanh thường xuyên không lên công ty.
“Trong dịch dù không đến văn phòng nhưng ban quản lý vẫn tính phí chúng tôi không sót một đồng. Ngẫm lại thì thấy văn phòng làm việc là một khoản lãng phí trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn hiện tại”, Tuấn Anh nói. “Văn phòng chia sẻ vừa tiết kiệm hơn, có thể linh hoạt tạm dừng nếu dịch trở lại. Đặc biệt là trang thiết bị, nội thất đều khá hiện đại, diện tích cho không gian xanh khá nhiều. Cộng đồng cũng khá ‘Tây’ và vui vẻ, tạo cảm hứng cho startup như chúng tôi”.
Chuyện các nhân sự tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ “dọn nhà” từ văn phòng riêng biệt sang các không gian làm việc chung như Ngọc Thạch hay Tuấn Anh không còn hiếm gặp.
Theo ghi nhận của Toàn Cảnh Bất Động Sản, từ đầu tháng 10, làn sóng trả mặt bằng văn phòng cố định để chuyển sang các không gian làm việc nhỏ gọn hơn đã bắt đầu nhen nhóm. Một văn phòng cho thuê ở con phố tài chính Hồ Tùng Mậu, quận 1 có tỷ lệ trống đến hơn 60% sau dịch dù trước đó vào tháng 5 gần như lấp kín 100%. Một tòa nhà văn phòng – khách sạn tại đường Lý Tự Trọng, quận 1 cũng vắng bóng khách thuê. Hai công ty nước ngoài trước đó đều dọn ra khỏi đây ngay khi thành phố mở cửa.
Trái lại với bức tranh đó, các không gian làm việc chia sẻ co-working space tại các quận nội thành lại có tỷ lệ lấp kín khá tốt. Worklabs – một không gian làm việc chung trên đường Võ Văn Kiệt, quận 1 lấp đầy 90% chỗ ngồi linh hoạt lẫn văn phòng riêng 4-15 chỗ ngồi. Cách đó không xa, The Hive trên đường Huỳnh Khương Ninh, quận 1 chỉ còn trống 2 chỗ ngồi trong cả tòa nhà 6 tầng.
Theo Savills, dịch bệnh đã khiến công suất khai thác văn phòng ở thị trường sôi động nhất cả nước giảm 4 điểm phần trăm theo năm. Đơn vị này dự báo việc TP HCM có kế hoạch mở cửa trở lại từ đầu tháng 10 có thể tạo lực đỡ giúp thị trường văn phòng vượt khó khi các doanh nghiệp từng bước hoạt động trở lại. Tuy nhiên, văn phòng truyền thống có thể bị tác động đáng kể khi không gian văn phòng làm việc linh hoạt (co-working) đứng trước bước ngoặt có thể trở thành xu hướng văn phòng thích ứng với hoàn cảnh mới trong tương lai.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản thương mại, có ba nguyên nhân chính dẫn đến sự dịch chuyển của các SMEs từ các khu văn phòng hạng A sang các khu co-working
Thứ nhất, chi phí đắt đỏ của các văn phòng hạng A tại trung tâm thành phố đã phần nào tác động đến quyết định dịch chuyển của các công ty nhỏ trong nước. Đặc biệt khi kinh tế chưa phục hồi hoàn toàn, các cơ hội mở rộng kinh doanh còn khá mờ mịt thì việc các SMEs thu mình là chuyện dễ hiểu.
“Văn phòng hạng A đắt đỏ chủ yếu chỉ dành cho các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp tài chính, ngân hàng… vốn có tệp khách hàng sang trọng, cần diện mạo đẳng cấp để thu hút nhân tài”, chuyên gia này nói.
Thứ hai, vị trí không còn là yếu tố tiên quyết khi chọn văn phòng cho thuê. Thời nay các nền tảng họp online đã trở nên thịnh hành hơn, gặp gỡ đối tác qua các phương tiện công nghệ là đã đủ. Do vậy, nhiều doanh nghiệp không còn câu nệ chuyện phải ở gần sát trung tâm hay gần các tòa nhà tài chính. Chủ yếu là khu vực xung quanh có đầy đủ tiện ích phục vụ cho nhân viên như cửa hàng tiện lợi, hàng ăn, cà phê… là ổn.
Thứ ba, các co-working space cũng đã nhanh chóng có nhiều các chiến dịch giảm giá và ưu đãi cho khách thuê trong thời gian qua. Chẳng hạn như Toong, CirCo, The Hive… hiện tại đều áp dụng các mức chiết khấu tốt ngay cả trong các hợp đồng ngắn hạn từ 3-6 tháng. Dreamples miễn phí tiền thuê trong tháng 10, 11 và 12 khi thanh toán trước, và nhân đôi các tiện ích đi kèm như số giờ họp, dịch vụ in ấn. Các hoạt động kích cầu này như một cách “đổ thêm xăng” giúp các các SMEs mau chóng “khởi hành” công tác dịch chuyển văn phòng.