Thiết kế giếng trời cầu thang hợp phong thủy

Lan Anh
Thiết kế giếng trời cầu thang đang là xu hướng được nhiều người áp dụng trong xây dựng nhà ống, nhà phố có diện tích hiện nay. Tuy nhiên ít người biết thiết kế giếng trời cầu thang như thế nào để vừa đảm bảo thẩm mỹ, vừa hợp phong thủy.

Giếng trời là gì?

Giếng trời tiếng anh là skylight, là kiến trúc lấy sáng và thông gió từ cửa sổ trần nhà, hỗ trợ thu ánh nắng tự nhiên từ bên ngoài và khuếch tán ánh sáng đến toàn bộ không gian trong ngôi nhà. Việc thông gió của giếng trời sẽ hoạt động theo nguyên tắc cân bằng áp suất tự nhiên trong không khí, tạo đường cho không khí lưu thông đều đặn, đẩy khí nóng ra ngoài và hút gió mát vào trong. 

Giếng trời thường được sử dụng trong các tòa nhà dân dụng, thương mại và khu dân cư. Nhờ khả năng lấy sáng và thông gió tốt giúp việc sử dụng điện ít hơn, giảm chi phí và góp phần bảo vệ môi trường. Theo báo cáo từ Bộ năng lượng tại Mỹ cho biết nếu hút sáng tự nhiên từ giếng trời có thể cắt giảm 80% việc sử dụng năng lượng ánh sáng nhân tạo trong một số tòa nhà. 

thiet-ke-gieng-troi-cau-thang-1652660307.jpg
Giếng trời là khoảng không thông suốt từ tầng mái đến trệt, được thiết kế nhằm đón nắng và thông gió tự nhiên

Vị trí của giếng trời hợp phong thủy

Theo phong thủy, giếng trời có hình ống và thông thẳng lên trời. Điều này đồng nghĩa với việc nó sẽ thu hút được nhiều vượng khí và mang lại may mắn, phú quý cho gia chủ.

Giếng trời có thể được đặt ở nhiều vị trí khác nhau trong nhà, điều này phụ thuộc vào đặc điểm của không gian và sở thích của chủ nhà. Hiện nay có một số vị trí cơ bản mà các gia chủ thường lựa chọn khi thiết kế giếng trời như giếng trời giữa phòng khách, giếng trời trong nhà bếp, giếng trời cạnh phòng ăn, giếng trời phòng tắm,...

Đặc biệt giếng trời cầu thang được ưa chuộng hơn cả. Nó phù hợp với hầu hết các không gian nhà ở, đặc biệt là nhà phố — những ngôi nhà có diện tích không lớn lắm. Vì vậy, gia chủ sẽ tận dụng khoảng trống của cầu thang để mang nhiều ánh sáng và năng lượng gió vào nhà.

Không chỉ vậy, khu vực cầu thang thường được đặt ở vị trí trung tâm của ngôi nhà. Vì vậy, khi thiết kế giếng trời ở cầu thang đồng nghĩa với tập trung phong thủy tốt ở trung tâm ngôi nhà. Điều này sẽ mang đến sự bình an và thịnh vượng tối đa cho gia chủ. 

Thiết kế giếng trời cầu thang mang đến sự hài hòa, đồng điệu cho không gian sống, hoàn hảo về mặt phong thủy. Cầu thang được coi là xương sống của cả ngôi nhà. Đồng thời giếng trời lại là khu vực giúp lưu thông không khí trong nhà và ngoài trời. Một ngôi nhà lệch “xương sống” và “miệng” có thể tạo ra sự mất cân bằng, không khí trong nhà không thể lưu thông hiệu quả, gia đình cũng sẽ cảm thấy khó chịu và không thoải mái.

Có nên xây giếng trời cầu thang không?

Giúp lấy gió và lưu thông không khí

Vị trí giếng trời ở trên cầu thang giúp đón gió tự nhiên vào nhà. Đồng thời tận dụng hiệu ứng ống khói giúp ngôi nhà trở nên thông thoáng, luồng khí từ bên ngoài lưu chuyển vào mọi ngóc ngách trong nhà.

Những căn nhà phố, nhà ống ba mặt tường đều bị bịt kín, hoàn toàn không thể mở cửa sổ để đón nắng gió tự nhiên. Vì vậy, thiết kế giếng trời cầu thang nhà ống, nhà phố sẽ là giải pháp hữu hiệu giúp thông gió cho ngôi nhà và giảm bớt sự bí bách, ngột ngạt.

Lấy sáng giếng trời

Ngoài việc đón gió, giếng trời còn giúp lấy ánh sáng tự nhiên và phân bổ đều cho từng tầng. Hành lang tràn ngập ánh sáng dẫn vào phòng riêng, không gian sinh hoạt chung ở tầng 1 trở nên sáng sủa hơn.

Thiết kế giếng trời cầu thang mang lại hiệu quả lấy sáng tốt hơn so với các vị trí khác. Nhờ đó, chủ nhà cũng sẽ giảm được tiền điện hàng tháng.

Tính thẩm mỹ cao

thiet-ke-gieng-troi-cau-thang-phong-thuy-1652660307.jpg

Thiết kế giếng trời cầu thang giúp “đánh lừa” thị giác, khiến ngôi nhà có vẻ rộng và thoáng hơn so với thực tế.

Khi mua nhà phố, nhà ống, có thể thấy hầu hết mọi ngôi nhà đều có đặc điểm là chiều dài và chiều rộng chênh lệch lớn và mất cân đối. Điều này dẫn đến ánh sáng mờ và sự phân bổ ánh sáng không đồng đều ở nhiều nơi trong nhà. Thiết kế giếng trời ở cầu thang sẽ giúp khắc phục hạn chế này. Bố cục căn nhà trở nên hợp lý và cân đối hơn, căn nhà sẽ trở nên sáng sủa và thoáng mát hơn.

Thiết kế giếng trời cầu thang như thế nào?

Thiết kế giếng trời cầu thang không quá khó. Tuy nhiên, để đảm bảo đầy đủ công năng của giếng trời, trước hết cần nghiên cứu về vị trí và chất liệu của giếng trời. Cần chú ý đến yếu tố hướng nắng, gió kết hợp với hoa văn trên vật liệu để tạo nên phong cách thẩm mỹ cho không gian còn lại cho ngôi nhà của bạn.

Để đảm bảo được điều đó, trong quá trình thiết kế giếng trời cầu thang cần lưu ý 3 điểm trọng tâm đó là: diện tích đỉnh giếng, diện tường và đáy giếng.

Đỉnh giếng trời cầu thang

Đỉnh giếng là nơi đón ánh nắng tự nhiên kết hợp với mái tạo nên vẻ đẹp của bức tường giếng. Lợp giếng trời bằng gì? Vật liệu dùng để lợp giếng trời có thể là khung sắt, nhựa hoặc kính. Đỉnh giếng làm từ khung sắt họa tiết hoa văn hoa khi kết hợp với ánh nắng sẽ hắt bóng lên tường rất đẹp.

Ngoài ra, bạn có thể treo thêm cây xanh, bóng đèn từ mái khung sắt vào nhà. Với mái che bằng nhựa hoặc kính, bạn có thể chọn các tấm kính và nhựa màu nhằm giảm độ sáng bên ngoài. Dù lợp mái giếng trời bằng vật liệu gì, bạn vẫn cần có khung sắt để tạo độ chắc chắn cho mái giếng.

Để hạn chế nước mưa hắt vào nhà, bạn có thể thiết kế mái che di động, mái che cố định... Đỉnh giếng trời nên là mái che cố định, khoảng thông tầng của đỉnh giếng phải đủ rộng để tránh nước mưa tràn vào khi có mưa to gió lớn

Diện tường giếng trời

Cấu trúc thiết kế giếng trời, phần diện tường sẽ là điểm nhấn mang lại vẻ đẹp cho ngôi nhà của bạn. Từ ánh sáng tự nhiên bên ngoài, bạn có thể tạo một bức tranh trên tường giếng trời bằng cách xây, lát gạch, ốp gạch trang trí, treo cây xanh...

Một lưu ý trong quá trình thiết kế trang trí tường giếng trời đó là phải phối hợp các vật liệu nhẵn giúp giếng trời có khả năng cách âm tốt nhất. Giếng trời là thiết kế dạng thông tầng với môi trường bên ngoài, mang lại sự thông thoáng giữa trong nhà với thiên nhiên. Do có khả năng thông gió tự nhiên nên ngôi nhà sẽ bị ảnh hưởng bởi âm thanh bên ngoài. Các thành viên khác trong nhà cảm thấy khó chịu sau một ngày dài làm việc.

Để khắc phục, trong quá trình thi công bạn có thể chọn gạch ốp tường có độ nhẵn hoặc treo cây xanh lên tường để giảm sự phản xạ, dội âm của âm thanh từ bên ngoài vào.

Đáy giếng trời cầu thang

tieu-canh-gieng-troi-1652660308.jpg
Ở không gian dưới giếng trời, chủ nhà sẽ đặt tiểu cảnh hòn non bộ hoặc hồ cá tùy theo phong thủy nhà ở

Phần đáy giếng là khu vực để bạn trang trí, tạo thêm không gian xanh trong chính ngôi nhà của mình. Tại đây bạn có thể đặt một khu vườn nhỏ, hòn non bộ, tiểu cảnh, hồ cá nhỏ,… để tạo sinh khí. Ngoài ra, sẽ càng tuyệt vời hơn nếu bạn trồng thêm một cây xanh, một vài cây dây leo để tạo cảm giác lạ lẫm và thú vị cho khách đến chơi nhà. Chỉ với một số thay đổi nhỏ, đáy giếng sẽ trở thành khu sinh hoạt chung của mọi thành viên trong gia đình. Bạn có thể đặt tại đây một bộ bàn ghế nhỏ, một bộ ấm trà và trò chuyện cùng gia đình trong nhà mà không cần ra ngoài.
Để được như vậy bạn nên sử dụng hệ thống mái che di động kết hợp với thiết kế đáy giếng trời thoát nước tốt.

Hệ thống thoát nước kém có thể khiến sàn nhà bị ẩm mốc, độ ẩm cao là điều kiện cho rêu mốc phát triển, gây trơn trượt, nguy hiểm cho cả người già và trẻ nhỏ. Ngoài ra, nước đọng có thể khiến cây bị ngập úng, làm chết cây xung quanh khu vực giếng trời.

Hướng đặt giếng trời

Như đã nói ở trên, việc đặt giếng trời ở giữa nhà sẽ giúp lan tỏa ánh sáng và khí tự nhiên khắp không gian sống. Để tận dụng hết nguồn năng lượng tự nhiên, giếng trời nên bố trí theo hướng Đông Nam hoặc Nam.

Cần chú ý tránh những thiết kế có giếng trời ở hai hướng Tây và Đông, có thể khiến ngôi nhà ngột ngạt, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và vận khí của gia đình.

Kích thước cửa lấy sáng giếng trời cầu thang

Để tính được kích thước giếng trời hợp lý còn tùy thuộc vào diện tích của ngôi nhà. Đối với ngôi nhà đã có nhiều cửa sổ, giếng trời chỉ nên bằng 5% diện tích sàn. Nếu là nhà phố, nhà ống ít cửa sổ thì nên thiết kế giếng trời với diện tích từ 4m2 - 6m2.

Thanh Mai