Vậy chốt lại: Covid-19 có lây qua thông gió chung cư không?

Bảo An
Những ngày qua, tranh cãi về vấn đề virus SARS-CoV-2 có lây nhiễm qua đường thông gió ở chung cư đang nổi lên tại nhiều diễn đàn, mạng xã hội.

Có thật hay không?

Tháng 12/2020, Hàn Quốc công bố loạt ca lây nhiễm Covid-19 tại một chung cư ở Seoul, mở đầu cho các nghiên cứu kỹ hơn về lây truyền Covid-19 qua các giọt bắt và giọt li ti trong không khí.

Nhóm nghiên cứu này chỉ ra những căn hộ khi dùng chung hệ thống thông gió có thể dễ lây nhiễm virus Sars-Cov-2 cho nhau. Các hộ bị lây nhiễm có thể ở trên hay ở dưới, tùy theo luồng phát tán của không khí có chứa các hạt li ti. Hong Kong cũng công bố loạt ca nhiễm nghi ngờ lây truyền qua đường thông gió.

Tại Việt Nam, hiện tượng này cũng được ghi nhận tại một số tòa nhà chung cư tại TP HCM trong đợt bùng phát dịch thứ 4 này.

Cụm nhà chung cư Tam Phú, TP Thủ Đức (TP HCM) có ghi nhận một số ca Covid-19. Đáng chú ý là nhiều trường hợp các căn hộ có người dương tính ở trên cùng một trục đứng của một block chung cư. Các căn hộ cùng block, cùng trục đứng cùng có người mắc COVID-19 điển hình như các căn 06.34 (căn hộ số 34 tầng 6), 15.34, 16.34, 19.34 của block A3, hoặc các căn hộ 13.12, 15.12 của block A3, các căn 01.07 và 04.07 của block A1. Nhóm căn hộ này cùng lấy gió từ một giếng trời, nhất là quạt thông gió từ các nhà vệ sinh.

chung-cu-thong-gio-1628848215.jpg
Nhóm nghiên cứu Hàn Quốc chỉ ra những căn hộ khi dùng chung hệ thống thông gió có thể dễ lây nhiễm virus Covid-19

Trong ngày 2/8, chung cư Vạn Đô, quận 4 cũng phát hiện 5 trường hợp F0 sống ở hai căn hộ liền kề cùng tầng. Sau đó, chung cư ghi nhận thêm vài ca dương tính với SARS-CoV-2 và nhiều người có triệu chứng bất thường ở 5 tầng khác trong tòa nhà. Đến ngày 6/8, Ban quản lý chung cư Vạn Đô xét nghiệm nhanh các hộ thuộc trục dọc với nhà có F0 để đánh giá mức độ lây nhiễm qua đường thông gió. Kết quả, có thêm 3 ca dương tính với SARS-CoV-2 được phát hiện ở 3 tầng khác cùng một trục căn hộ.

Quan điểm trái chiều từ chuyên gia

Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Tâm - Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) - cho rằng hiện nay chưa có nghiên cứu khoa học khẳng định việc virus có thể lây lan qua hệ thống thông gió chung cư.

Theo ông Tâm, không loại trừ khả năng nhận định này xuất phát từ các suy luận khi chủng virus Delta có thể lây nhiễm qua không khí trong khi chung cư có hệ thống thông khí chung với nhau.

Ông Tâm cho biết virus Delta lây lan qua giọt bắn, có khả năng tồn tại ở môi trường nhưng không lâu, nhất là nhiệt độ nóng. Hiện nay, các chung cư có hệ thống thông gió chung, không khí được hút từ các phòng và đẩy ra ngoài, chỉ hút ra chứ không phải chuyển từ căn hộ này sang căn hộ khác. Do đó, khó có khả năng virus lan từ căn hộ này sang căn hộ khác.

"Cần có nghiên cứu khoa học cụ thể mới có thể khẳng định", ông Tâm nói.

pho-giao-su-tran-dac-phu-1628847883.jpg
PGS. Trần Đắc Phu cho rằng virus sẽ bị tiêu diệt ở nhiệt độ cao

Phó giáo sư Trần Đắc Phu cũng cho rằng: "Nếu virus có lan qua các đường ống thông gió thẳng đứng thì khi ở ngoài trời, lượng không khí di chuyển rất nhiều sẽ khuếch tán vào không gian nên không đủ tải lượng virus để lây lan. Virus bị tiêu diệt một cách tự nhiên ở nhiệt độ cao, vì thế cần điều tra rõ ràng để đánh giá khách quan" Phó giáo sư Phu nhấn mạnh.

Trên thực tế, virus chỉ lây lan nếu như gió thông thẳng một không gian nào đó mà người khác lại đi vào. Chẳng hạn đường thông gió nhưng lại thông vào hành lang chung cư hay một khu vực kín, người khác vào đó hít phải. Virus có thể lây từ nhà nọ sang nhà kia theo đường không khí nhưng hiện nay đường thông khí ở các khu chung cư không thiết kế thông từ nhà nọ sang nhà kia nên virus không thể lây lan qua hệ thống này.
Ở chiều ngược lại, TS. BS Vũ Minh Điền - PGĐ Trung tâm phòng chống dịch và tiêm chủng vắc xin, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, việc lây nhiễm Covid- 19 theo trục dọc các căn hộ chung cư (sử dụng chung nhau ô thông gió) là hoàn toàn có thể.

PGS TS Trần Văn Hiếu, khoa Sinh học và Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM cũng nói rằng, trong một nghiên cứu theo phương pháp Ator, Winair kết hợp với mô hình mô phỏng với các thông số từ hai căn hộ Amoy Gardens (Hong Kong-Trung Quốc) cho thấy, virus SARS-CoV-2 có thể được phát tán theo cả chiều dọc và chiều ngang, thông qua các đường thông gió chung của toà nhà và dưới sự có mặt của lực nổi (hướng lên) và gió (hướng xuống).

Do đó, để ngăn chặn sự phát tán virus trong các khu chung cư, PGS TS Trần Văn Hiếu đề nghị đóng và thường xuyên khử khuẩn các cửa sổ, cửa lùa; chặn một chiều ống thông hơi tại các đường ống thống thông khí chung; sử dụng các tấm lọc Hepa hay Ulpa nếu buộc phải sử dụng hệ thống điều hoà; dùng tấm lọc carbon để loại bỏ bớt CO2 trong nhà; tận dụng tối đa sự lưu thông khí tự nhiên, mở cửa sổ nếu có thể và kiểm soát độ ẩm vào khoảng 40-60%; thường xuyên khử khuẩn các bề mặt như tay nắm cửa, lỗ thông gió, vị trí thoát nước trong nhà vệ sinh.

Góc nhìn kiến trúc sư

Chia sẻ với Zing, kiến trúc sư Phạm Thanh Truyền nói việc lây nhiễm có thể phụ thuộc vào cách thiết kế hệ thống thông gió.

Theo ông Truyền, có thể chia chung cư thành 2 loại là chung cư "đời cũ" và "đời mới" (được ra đời tầm 10 năm trở lại đây). Chung cư "đời cũ" thường có hệ thống thông gió theo phương đứng ở giữa (thường gọi là giếng trời). Nhiều cửa sổ, nhà vệ sinh của căn hộ được thiết kế xoay quanh hệ thống thông gió nhằm hút khí thải thoát lên trời.

Ngược lại, đa phần không gian tại chung cư "đời mới" được thiết kế tiếp xúc với thiên nhiên, không còn tồn tại việc thông gió qua các giếng trời. Do đó, với các chung cư thiết kế kiểu “đời cũ”, khi khí thải bay từ dưới lên theo ô thông gió thì tùy vào điều kiện môi trường xung quanh mà sự tồn tại của virus lâu hay không. Lúc này, khả năng lây lan theo con đường của giếng trời vẫn có thể xảy ra với điều kiện giếng trời đó thông trực tiếp vào cửa sổ của các căn hộ khác.

“Nguy cơ một người F0 đứng gần giếng trời thải giọt bắn ra ngoài và vô tình gây lây nhiễm cho người đứng ở gần cửa sổ các tầng lân cận là có thể xảy ra, nhưng khả năng này rất thấp", ông nói.

"Với đặc điểm khí hậu như ở TP.HCM thì không thể xảy ra trường hợp gió lùa từ trên lỗ thông gió xuống dưới và chui vào cửa sổ các chung cư nên không thể lây lan virus theo đường này mà chủ yếu là lây theo những cơn gió lùa theo phương ngang”, ông Truyền phân tích.

thong-gio-chung-cu-1628847883.jpg
Hình mô phỏng chuyển động của gió trong chung cư

Cần thông thoáng đầy đủ

Theo các chuyên gia, để phòng chống nguy cơ lây nhiễm Covid-19 nói chung, cũng như lây chéo thông qua các hệ thống thông khí nói riêng, người dân cần nắm vững các nguyên tắc 5K, cũng như áp dụng thêm các phương pháp để căn hộ hay chung cư luôn thông thoáng không khí trong nhà.

Trong chia sẻ trên trang cá nhân của mình, bác sĩ Wynn Huỳnh Trần, PGS Y khoa tại Đại học Y khoa Northstate California, Sacramento (California, Mỹ), cho biết ở các khu chung cư, nhất là nơi có mật độ nhiều người chung sống và thông gió kém, virus SARS-CoV-2 có thể phát ra ngoài không khí qua các hạt li ti nếu người bệnh hắt hơi, nói chuyện to, hay cười nói.

Virus từ đó phát tán theo đường thông gió lên hay xuống tùy theo mùa dựa theo "nguyên lý stack". Đây là nguyên lý cơ bản của thông gió tự nhiên dựa vào sự khác biệt về nhiệt độ và áp lực giữa hai nơi.

Vào mùa đông, khi nhiệt độ ngoài trời lạnh hơn trong nhà, không khí nóng do nấu nướng, dùng dụng cụ bên trong nhà sẽ bay lên cao. Vào mùa hè, khi không khí bên ngoài nóng hơn, thì không khí có thể chạy ngược vào trong, đi xuống bên dưới.

"Tùy vào nhiệt độ chênh lệch mà không khí sẽ di chuyển theo các hướng khác nhau. Điều này cũng giải thích vì sao có thể lây nhiễm ngang giữa những căn hộ cùng tầng với nhau, không nhất thiết phải cao hay thấp", bác sĩ Wynn Huỳnh Trần nói.

Do đó, theo bác sĩ Wynn Trần, thông gió đầy đủ là chìa khóa quan trọng trong phòng ngừa dịch bệnh Covid-19. Tùy vào vào vị trí phòng ngủ, tùy vào căn hộ, tùy vào hướng gió, thời tiết, mà mỗi người có thể tìm ra cách tối ưu hóa hệ thống thông gió. Nguyên tắc là tạo ra nguồn không khí di chuyển liên tục, lấy không khí sạch tự nhiên bên ngoài vào, và đưa không khí bên trong nhà ra ngoài. Thông gió tốt cũng giảm các bệnh hô hấp, các bệnh mãn tính khác như tim mạch, và cải thiện tinh thần của bệnh nhân. Thông gió tốt cũng cải thiện vệ sinh bề mặt, giảm thêm rủi ro lây nhiễm virus.

Bác sĩ này đồng thời khuyến cáo kết hợp thông gió với các bệnh pháp phòng dịch khác, tạo ra nhiều lớp để ngăn ngừa bệnh Covid-19. Trong nhà, mật độ virus Sars-Cov-2 từ người nhiễm bệnh Covid-19 cao hơn nhiều so với ngoài trời. Một luồng gió nhẹ cũng có thể làm giảm nhiều mật độ virus.

Do đó cư dân cần mở thoáng các cửa sổ và cửa đi ra ngoài tự nhiên để lấy không khí sạch. Ngoài ra có thể gắn thêm quạt để thổi không khí. Lưu ý không vặn quạt tốc độ cao, không nhắm quạt vào người hay nhà khác. Nhắm quạt vào các khoảng mở trong nhà. Cách đơn giản là đặt một quạt ở bệ cửa sổ, hút hơi từ trong phòng ra ngoài và mở một cửa sổ khác để không khí tự nhiên đi vào. Chỉnh sửa và thay thế hệ thống máy lạnh để tối ưu hóa luồng gió, tạo ra sự di chuyển không khí liên tục

Ngoài ra vị này cũng khuyên nên dùng bộ lọc khí, đặc biệt là hệ thống HEPA ( high-efficiency particulate air) do EPA (Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ) khuyến cáo để lọc và tăng chất lượng không khí

Về mối lo lây nhiễm lớn nhất ở chung cư, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Cố vấn chuyên môn khoa nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) cho rằng là khi cửa hàng lang chung cư bị đóng kín, không khí không thể lưu thông, bị tồn đọng, dễ lây nhiễm dịch bệnh. Ngoài ra, các hành lang cũng có những tay nắm dễ lây nhiễm, và thang máy chung cư cũng có nguy cơ rất cao.

“Mọi người ở chung cư khi ra ngoài hành lang thấy thật sự vắng người thì mới nên đi lại. Khi đi bất cứ đâu cũng cần cầm theo một chai nước rửa tay, mình động vào cái gì thì cần sát khuẩn tay ngay.

Tại các thang máy, cư dân nên yêu cầu Ban quản lý chung cư mở quạt thổi gió từ trên xuống dưới và không mở máy lạnh. Khi thấy đông người thì không nên cố chen vào. Khi cửa thang máy mở ra thì hãy đợi gió trong đó đẩy ra ngoài rồi mới nên vào”, bác sĩ Khanh khuyến cáo.

Bảo An