Hàng tỷ đô sẽ 'tưới mát' Hóc Môn, Củ Chi

Bảo An
Ngày 12/4, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn và Củ Chi (TP.HCM), các doanh nghiệp ký kết đầu tư 10 dự án với hơn 430 triệu USD và ký 31 bản ghi nhớ đầu tư trị giá 16,2 tỷ USD.

Đây là hội nghị xúc tiến đầu tư lớn nhất trong cả nước kể từ sau đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 với các cam kết đầu tư lên đến gần 17 tỷ USD; trong đó có gần 500 triệu USD được cấp phép lần này.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại Hội nghị. Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành và địa phương.

cu-chi-anh-ngoc-duong-1663075986.jpg
Huyện Củ Chi, TP HCM.

Trước đó, để đảm bảo chu đáo, hiệu quả cho sự kiện này, giữa tháng 3/2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp làm việc với Lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh và các sở, ngành, địa phương liên quan của thành phố và chỉ đạo một số công việc cụ thể, phục vụ Hội nghị.

Việc mời gọi đầu tư vào hai huyện trên nhằm khai phá tiềm năng khu vực Tây Bắc của Thành phố Hồ Chí Minh trở thành khu đô thị sinh thái, dịch vụ, phát triển công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tại hội nghị, Ban Tổ chức đã giới thiệu định hướng quy hoạch tổng thể Thành phố Hồ Chí Minh, huyện Hóc Môn và Củ Chi; giới thiệu quy hoạch giao thông thành phố; đồng thời, giới thiệu môi trường đầu tư, các dự án mời gọi đầu tư trên địa bàn hai huyện.

Các dự án được hai huyện mời gọi đầu tư dịp này tập trung vào các lĩnh vực: Hạ tầng giao thông - kỹ thuật; chỉnh trang đô thị; công nghiệp, nông nghiệp, thương mại - dịch vụ và giáo dục - văn hóa - thể thao; trong đó, lĩnh vực hạ tầng giao thông - kỹ thuật có số lượng dự án mời gọi lớn nhất.

Mở rộng không gian sinh tồn, phát triển đô thị

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hai huyện Hóc Môn và Củ Chi là hai vùng đất cách mạng, hy sinh, mất mát rất lớn để, đóng vào sự nghiệp giải phóng đất nước. Do đó, chúng ta cần có trách nhiệm với lịch sử, hỗ trợ nâng cao đời sống người dân ở khu vực còn nhiều khó khăn này.

Chỉ rõ những tiềm năng, lợi thế của hai địa phương này, nhất là địa thế chiến lược, có khả năng kết nối đường thủy và hướng ra sông Sài Gòn, Chủ tịch nước nhắc lại câu nói: “Hóc Môn và Củ Chi như con rồng đang ngủ bên cạnh phần còn lại phát triển rất sôi động của Thành phố Hồ Chí Minh” - Thành phố năng động, đóng góp 1/3 ngân sách của đất nước. Vậy nhưng hai huyện Hóc Môn và Củ chi phát triển còn ở mức thấp, cần được ưu tiên đầu tư. Việc tăng cường đầu tư vào hai huyện này, theo Chủ tịch nước sẽ giúp Thành phố Hồ Chí Minh giải được bài toán mở rộng không gian phát triển một cách cân bằng, thu hút mạnh mẽ hơn các nguồn lực phát triển đặc biệt là về kinh tế đô thị, du lịch, dịch vụ, công nghệ cao… thu hút tốt nhất các nguồn lực tri thức, con người; nhanh chóng giải tỏa áp lực về hạ tầng; các thách thức ngày càng nghiêm trọng về nhà ở, công ăn việc làm và an ninh đô thị…

Cần “mở rộng không gian sinh tồn, phát triển đô thị khi chiếc áo hiện hữu của Thành phố đã trở nên quá chật chội đối với sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới”, Chủ tịch nước nói và nhấn mạnh: Đây không phải là chương trình làm một lần, kết thúc trong 1 ngày. Với tư cách là đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, các đại biểu cam kết giám sát các dự án đầu tư vào hai huyện và báo cáo cử tri. Do vậy, mọi lời nói, cam kết tại hội nghị phải đi đôi với việc làm thực chất, người thực việc thực.

Vui mừng kết quả các cam kết đầu tư vào hai huyện tại Hội nghị lên đến gần 17 tỷ USD; trong đó có gần 500 triệu USD được cấp phép lần này, còn lại là các bản ghi nhớ với các nhà đầu tư tên tuổi, Chủ tịch nước nhận xét, các dự án không chỉ đầu tư trong lĩnh vực kinh tế công nghiệp, du lịch, dịch vụ mà còn cả trong sinh thái, môi trường, xử lý rác, nhà ở xã hội. Đó là sự quan tâm đồng bộ.

Chủ tịch nước lưu ý, các cam kết đầu tư lần này phải phù hợp với quy hoạch được phê duyệt. Đối với các quy hoạch lỗi thời, phải được xem xét bởi các chuyên gia, nhà chuyên môn, được cấp có thẩm quyền phê duyệt; phù hợp với chiến lược phát triển của Thành phố và hai huyện. Do đó, Chủ tịch nước đề nghị “làm thật chặt” quy hoạch phát triển của Hóc Môn và Củ Chi không để “tắc đường” trong khi “thời gian không chờ đợi ai”.

Loạt tập đoàn cam kết đầu tư tỷ đô

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Sovico, cho biết Hóc Môn, Củ Chi nằm ở cửa ngõ phía Tây Bắc của TP.HCM, gắn liền địa danh lịch sử Địa đạo Củ Chi, 18 thôn Vườn Trầu, Khu dịch tích Ngã Ba Giồng… Hơn 1 triệu người dân đang từng bước chuyển mình vào nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất công nghiệp, đô thị sinh thái thông minh.

Theo bà Thảo, Sovico quan tâm các chương trình đầu tư, phát triển kinh tế bên cạnh chăm lo phúc lợi người dân về nhà ở, sức khỏe tại hai huyện Củ Chi, Hóc Môn. Bà đề xuất xây dựng Củ Chi, Hóc Môn thành một trong những điểm đến thu hút tại TP.HCM, với mô hình du lịch cộng đồng.

Tập đoàn Sovico cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ thỏa thuận một số dự án với hai huyện Củ Chi và Hóc Môn. Bà Thảo cam kết doanh nghiệp thực hiện khẩn trương, nghiêm túc. "Ngay trong năm nay có thể khởi động một số dự án, sớm đóng góp ngân sách địa phương", Chủ tịch Sovico cho biết.

Ông Furusawa Yasuyuki - tổng giám đốc Công ty TNHH AEON Việt Nam - cho biết doanh nghiệp Nhật Bản này dự kiến sẽ phát triển mô hình kinh doanh bán lẻ phù hợp với nhu cầu người dân tại hai địa phương trên. Từ đó, thúc đẩy kết nối và tiêu thụ hàng hóa tại địa phương, phát triển các dịch vụ thương mại văn minh và hiện đại cho các khu dân cư và tạo thêm các cơ hội việc làm cho người dân địa phương.

giay-chung-nhan-7106-1649767438-1649814880.jpg
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi (phải) trao giấy chứng nhận đầu tư cho một doanh nghiệp tại hội nghị. Ảnh: VnExpress

Ông Hughes Glenn Andrew - giám đốc Công ty TNHH Logos Việt Nam TP.HCM 1 - cho biết Củ Chi có nhiều điều kiện để thu hút các DN trong lĩnh vực logistics, DN này cũng đã mời gọi các đối tác, khách hàng đầu tư về kho bãi tại địa phương này với mong muốn đưa ra các giải pháp toàn diện trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa cho TP.HCM.

Ông Lee Chong Min - Chủ tịch Quỹ đầu CMIA Capital Partner thông tin về dự án "Đô thị sinh thái Nông nghiệp Thực phẩm Công nghệ cao" tại xã Trung An, huyện Củ Chi. Đây là dự án đã được đơn vị nghiên cứu khảo sát từ năm 2018 với diện tích gần 1.020ha.

Ông tin rằng với kinh nghiệm và tiềm lực của mình, dự án này sẽ mang lại động lực phát triển cho Củ Chi và là dự án khởi đầu cho đô thị nông nghiệp sinh thái công nghệ cao ở Việt Nam. Dù vậy, đây là dự án lâu dài, việc hoàn vốn chỉ đạt được sau năm thứ bảy trở đi, với điều kiện dự án không chậm trễ. Vì vậy, doanh nghiệp cần được hỗ trợ công tác đền bù, tái định cư.

Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị TDH Ecoland - ông Nguyễn Công Hồng, đã đề xuất phương án điều chỉnh quy hoạch của khu vực bãi chôn lắp rác Đông Thạnh. Ông Hồng cam kết lập đề xuất dự án đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án "Đầu tư xây dựng khu đô thị sinh thái Đông Thạnh". Ông cam kết thêm là trong thời gian 3 năm sẽ hoàn thành toàn bộ dự án, bao gồm cả việc xử lý triệt để bãi chôn lấp rác và đầu tư hoàn thiện dự án.

Tuấn Anh