Làm cách nào đưa proptech thâm nhập thị trường?

Nguyên Đinh
“Startup công nghệ bất động sản - dễ và khó?" thuộc chuỗi talk series do Làng SmartCity & proptech do Techfest Việt Nam 2021 sẽ giải đáp câu hỏi mà các startup về proptech hiện rất quan tâm về quy trình đưa sản phẩm đi vào thị trường ngách thành công.

Con đường phát triển bất động sản sẽ chỉ được tối ưu hóa lợi nhuận nếu được tích hợp với các ứng dụng công nghệ vượt trội. Tuy nhiên, mô hình này chưa được áp dụng rộng rãi trong thị trường giao dịch bất động sản tại Việt Nam. Nắm bắt được nhu cầu phát triển của các nhà đầu tư trong bối cảnh phát triển công nghệ chuyển đổi số còn mới lạ và nhiều tiềm năng cạnh tranh, các startup về công nghệ bất động sản proptech cần có chiến lược tiếp cận nguồn vốn cũng như nhà đầu tư nhanh chóng và hiệu quả.

Khi proptech mới chỉ đang chớm nở như một thị trường ngách ít cạnh tranh, các startup về proptech sẽ cần thời gian để tiếp cận thị trường, tạo ra giá trị giải quyết trực tiếp nhu cầu của các nhà đầu tư lớn nhỏ. Khách hàng thông thường sẽ ưu tiên sản phẩm đã từng chạy hiệu quả trước đây và chỉ chấp nhận những cái mới ở mức trải nghiệm, xem xét. Đây sẽ là thử thách khó khăn cho các startup khi phải dành nhiều thời gian và công sức để thị trường đón nhận sản phẩm “quá mới" của mình. Tuy nhiên, cơ hội mang lại là rất lớn. Khi một chủ đầu tư gật đầu với sản phẩm của bạn, các khách hàng khác sẽ tìm đến bạn, ông Nguyễn Thế Duy - CEO Dones chia sẻ

Vì vậy, khi bán một sản phẩm tương lai chưa thành hình, các startup cần thống nhất giao dịch rõ ràng từ đầu để đảm bảo khách hàng và mình hiểu cùng một hướng. Để làm rõ vấn đề này, các startup cần chuẩn bị những bước đầu tiên như sau:

Chiến lược kinh doanh. Bắt đầu của mọi sản phẩm đều bắt đầu từ chiến lược kinh doanh và vận hành sản phẩm. Ngoài việc có kiến thức về thị trường, bạn cần lập chiến lược tập trung phát triển sản phẩm cụ thể mang tính giải quyết vấn đề, đem lại giá trị thiết thực và sáng tạo, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của thị trường. Đây cũng là một bước đi quan trọng thuyết phục nhà đầu tư thông qua tầm nhìn và sứ mệnh của startup.

Vốn. Cần đặt ra các câu hỏi về kế hoạch vốn như: kiếm vốn ở đâu, sử dụng thế nào, khi sử dụng hết và có những nguồn vốn khác ở đâu, nó có thể từ dòng doanh thu ngắn dài hoặc nguồn vốn từ các vòng gọi vốn… Các phương án khác nhau là gì khi chưa gọi được vốn mà phải duy trì hoạt động. Trong tình huống dòng tiền không về đúng như ta dự tính thì các startup nên có những khoảng để dự cho những giai đoạn đó trong 6 tháng đến 1 năm.

Nhân sự nòng cốt. Để tiếp cận các nhà đầu tư một cách nhanh chóng và hiệu quả cần có một đội ngũ nhân lực nòng cốt ngoài yếu tố năng lực chuyên môn đòi hỏi họ cần phải có đủ nhiệt huyết và quyết tâm. Ông Duy nói: Đội ngũ phải thực sự tập trung để đạt được mục tiêu hướng tới, chuẩn bị sẵn tinh thần cho những sai sót và những yếu tố gây sao nhãng khác. Tất cả mọi người cùng hướng đến cái tốt nhất chứ không nằm ở góc nhìn chủ quan mang tính cá nhân và xác định đi đường dài với nhau.

dana-17th-floor-9-810x470-1635734003.jpg

Làm thế nào để đưa sản phẩm tiếp cận thị trường:

Thứ nhất, liên hệ trực tiếp qua thông tin trên website. Tuy nhiên, cách này sẽ tốn nhiều thời gian để gặp người có ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định đầu tư.

Thứ hai, tham gia sự kiện về ngành, cuộc thi như Techfest Việt Nam. Đây là cơ hội giúp các startup tạo network với những người làm trong bất động sản và các chuyên gia, tổ chức uy tín có thể trở thành cố vấn trong tương lai.

Thứ ba, tạo cơ hội tiếp cận thị trường. Tổ chức các sự kiện như hội thảo, tọa đàm để trao đổi, giới thiệu và quảng bá thông tin giá trị của sản phẩm rộng rãi đến công chúng, những người đang có nhu cầu tìm hiểu và đang quan tâm đến mô hình sản phẩm của bạn.

Thứ tư, thiết lập profile sản phẩm. Khi đưa ra được những sản phẩm thành công trước đó, các startup sẽ thu hút sự chú ý và quan tâm của nhà đầu tư hơn. Chỉ cần một nhà đầu tư gật đầu sẽ tác động đến các nhà đầu tư khác. Từ đó, tiềm năng phát triển của startup đó là rất lớn.

Đối với những khó khăn mà các startup Việt Nam khi cạnh tranh với các startup nước ngoài như nguồn vốn, hỗ trợ vận hành từ những tập đoàn lớn… thay vì lo lắng, ông Duy cho biết: Dones chọn lựa xu hướng “kinh tế chia sẻ”, nghĩa là mình không nhất thiết phải làm mọi thứ mà có thể kết hợp các bên đối thủ lớn để tạo ra giá trị lớn hơn cho thị trường thay vì tạo ra giá trị giống hệt với đối thủ cạnh tranh mà khách hàng chỉ nhận về được một kết quả.

Về Làng SmartCity & Proptech - Techfest Việt Nam 2021

Thành phố “Xanh - Thông minh - Hiện đại” với chuyển đổi số là nền tảng phát triển, đổi mới sáng tạo đang là xu hướng tất yếu và ưu tiên của Quốc gia trong quá trình hội nhập kỷ nguyên số. Làng SmartCity & Proptech Village trong khuôn khổ dự án Techfest 2021 sẽ là nơi hỗ trợ và lan tỏa những giá trị cộng đồng, là vườn ươm và hỗ trợ những startup đang khởi nghiệp trong mảng đô thị thông minh và công nghệ bất động sản theo tiêu chí "Xanh - Thông minh - Hiện đại"