Cần lưu ý gì khi lắp đặt kính cường lực tòa nhà cao tầng?

Lan Anh
Kính cường lực bền hơn kính thông thường nhưng vẫn có thể bị vỡ nếu gặp tác động mạnh từ môi trường bên ngoài. Một số thông tin dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về kính cường lực và lưu ý khi lắp đặt cho toà nhà cao tầng nhằm đảm bảo độ an toàn, độ bền cho công trình.

1. Kính cường lực là gì?

Kính cường lực tiếng Anh là Tempered hay Toughened glass, được gia công trong nhiệt độ từ 650 độ C, sau đó được làm lạnh nhanh chóng bằng cách dùng khí nén. Nhờ vậy mà ứng suất lên bề mặt của kính cường lực được tăng lên giúp kính chịu tải trọng tốt hơn rất nhiều so với kính thường. Quá trình đun nóng và làm lạnh tức thời này được gọi là tôi kính. Điều này sẽ khiến cho bề mặt kính được ép chặt và lớp kính ở giữa sẽ căng ra. Nhờ đó mà khi kính cường lực vỡ, nó sẽ vỡ tung ra thành từng miếng tròn nhỏ không gây nguy hiểm cho những người đứng gần đấy.

2. Kính cường lực có dễ vỡ không?

Tuy kính cường lực bền hơn kính thông thường nhưng chúng vẫn có thể bị vỡ nếu gặp tác động mạnh từ môi trường bên ngoài. Từ thực tế, người dùng đã tổng hợp 6 lý do hàng đầu khiến kính cường lực bị vỡ, bao gồm:

1. Thời gian và nhiệt độ: trải qua nhiều năm sử dụng chất lượng kính chắn chắn sẽ giảm sút. Sự mài mòn và hư hỏng nhỏ trên các cạnh rìa của kính thường là gốc rễ của vấn đề. Thêm vào đó, các tác động về nhiệt độ môi trường sẽ khiến kính giãn nở hoặc co lại đột ngột và làm kính dễ bị vỡ.

2. Kính cường lực bị lắp đặt sai cách: khi thi công lắp đặt kính, một số kỹ thuật viên vặn ốc hoặc siết khung quá chặt vô tình khiến mặt kính bị nứt. Sau thời gian dài sử dụng, phần vết thương ấy dần lan rộng ra do chịu ảnh hưởng từ môi trường. Đến thời điểm áp lực đủ lớn kính cường lực sẽ bị vỡ.

3. Khung kính cường lực quá chặt: trong quá trình sử dụng, kính cường lực sẽ có độ giãn nở nhất định do ảnh hưởng từ nhiệt độ môi trường. Do đó nếu lắp đặt khung, các kỹ thuật viên phải tính toán độ rỗng của khung kỹ lưỡng. Nếu siết khung quá chặt sẽ không có bất kỳ khoảng trống nào để kính giãn ra và co lại. Với lực ép từ khung, kính cường lực sẽ dễ bị vỡ.

4. Lẫn tạp chất Niken Sulfua: đá Niken Sunfua có sẵn trong các máy móc bằng thép không gỉ. Do đó kính cường lực sẽ dễ bị lẫn tạp chất Niken Sunfua trong quá trình sản xuất và tôi kính. Loại đá này thường thay đổi cấu trúc theo thời gian, cũng vì vậy tạo ra áp suất từ bên trong khiến kính cường lực nhanh chóng bị vỡ.

5. Kính cường lực bị lỗi sản xuất: các vết nứt và vết xước xuất hiện do quá trình sản xuất sẽ giảm độ bền của kính cường lực.

6. Chịu tác động mạnh: dù kính cường lực có độ cứng và chịu lực cao nhưng nếu chịu tác động của vật nhọn trong thời gian dài hoặc va đập mạnh thì vẫn có khả năng bị vỡ vụn.

Nếu sử dụng loại kính thường, những mảnh kính lớn, sắc nhọn hay vụn thủy tinh có thể gây hại cho người vô tình bị dính phải. Đặc biệt là với các tòa nhà cao tầng phải chịu nhiều áp lực từ thời tiết hoặc bị nhiều dị vật trên cao va đập phải, sẽ rất nguy hiểm nếu lớp kính bị va đập đó là các loại kính thường. Khác với kính thường, dù kính cường lực vẫn có khả năng bị vỡ nhưng sẽ tạo thành khối hạt tròn nhỏ ở dạng cùn, mức sát thương không quá nguy hiểm cho người xung quanh và gần như vô hại. Đó là lý do mà kính cường lực an toàn hơn so với kính thường, sự an toàn đó sẽ là điểm cộng lớn để chúng được sử dụng cho các tòa nhà cao tầng.

kinh-cuong-luc-min-1659409336.jpeg
Một lý do khác là kính cường lực có tính thẩm mỹ cao 

3. Ứng dụng cửa kính cường lực

Kính cường lực không những được lắp đặt ở các tòa nhà cao tầng mà chúng còn dễ dàng được thấy trong đời sống hàng ngày. Những tấm kính chắn quanh ô tô hay lớp màn hình bảo vệ điện thoại đều làm từ kính cường lực.

Để hiểu lý do vì sao tấm kính cường lực được ưa chuộng như vậy thì ta hãy thử lấy ví dụ về tấm kính chắn của ô tô. Những chiếc ô tô luôn đối mặt với thời tiết khắc nghiệt và nhiệt độ thay đổi liên tục ngoài trời. Chúng cũng thỉnh thoảng gặp phải những va đập từ viên đá nhỏ trên đường cho tới các vụ tai nạn giao thông. Để hạn chế thiệt hại gây ra từ các tác động trên, một tấm kính cường lực sẽ là lựa chọn hoàn hảo vì sự bền bỉ và an toàn kể cả khi gặp va chạm mạnh. 

Ngoài ra, kính cường lực còn có các ứng dụng điển hình khác như: làm lan can ban công, làm cửa ra vào, làm vách ngăn (văn phòng, phòng tắm, phòng khách), làm bàn ăn, hồ cá,...

4. Phân loại kính cường lực

Phân loại theo độ dày của kính cường lực

Kính cường lực có các độ dày 3mm, 4mm, 5mm, 6mm, 8mm, 10mm, 12mm. Độ dày càng cao, mức an toàn càng lớn. Độ dày kính cường lực tối thiểu là 3mm, tuy nhiên, độ dày này khá mỏng, độ bền thấp nên chúng thường ít được sử dụng.

Phân loại theo màu sắc của kính cường lực.

Màu sắc của kính cường lực rất đa dạng vì chúng có thể sơn bằng bất cứ màu gì theo nhu cầu của khách hàng. Các loại thường thấy như kính mờ, trong suốt sẽ được ứng dụng lắp đặt cửa, vách ngăn. Các màu có độ che phủ cao, sáng như màu xanh đen, xanh lá, màu trà sẽ dùng làm mái che nhà tầng để hạn chế ánh sáng chiếu vào. 

tranh-kinh-cuong-luc-min-1659409142.jpeg
Tranh kính cường lực dùng để trang trí nhà cửa

5. Ưu điểm của kính cường lực

- Bên cạnh độ bền và khả năng chịu ngoại lực tốt hơn các loại kính thông thường 4-5 lần, kính cường lực còn có tính thẩm mỹ cao. Trong quá trình gia công nhiệt, chúng có thể uốn cong được và tạo thành các hình khối đẹp mắt, mang tính ứng dụng, đáp ứng được các nhu cầu của người sử dụng.

- Như đã đề cập ở trên, kính cường lực có thể chịu được những biến đổi của thời tiết. Cụ thể là, chúng có thể chịu được sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ gấp 3 lần so với các loại kính thông thường có cùng độ dày.

- Trong xây dựng, ngoài chức năng bảo vệ, kính cường lực còn có khả năng cách âm, giảm nhiệt, hạn chế các bức xạ từ ánh sáng mặt trời.

- Một ưu điểm khác của kính cường lực là chúng có thể vệ sinh rất dễ dàng. Việc chế tạo một chiếc kính cường lực không cầu kì khiến chúng rất dễ bảo trì và thay thế.

6. Điều cần lưu ý khi lắp đặt kính cường lực cho tòa nhà cao tầng

- Vì có những đặc điểm ưu việt hơn kính thông thường nên giá cả của kính cường lực sẽ cao hơn so với kính thường. Giá của kính thường dao động từ 150.000 – 1.000.000/m2 trong khi giá kính cường lực sẽ từ 250.000 – 2.000.000/m2. Mức giá trên một mét vuông không đáng kể nhưng sẽ giao động nhiều với số lượng cao. Tuy nhiên ta nên sử dụng số lượng lớn kính cường lực cho một tòa nhà cao tầng để đảm bảo an toàn.

- Kính cường lực không thể khoan hay cắt nên ta nên dùng các thao tác này lên kính thường trước rồi tôi kính thành kính cường lực.

- Mặc dù dễ vệ sinh, kính cường lực vẫn nên được vệ sinh thường xuyên để tránh tình trạng bị mờ kính, gây mất thẩm mỹ cho tòa nhà.

- Ngoài việc vệ sinh, kính cường lực cũng nên được bảo trì thường xuyên 2 tháng/ 1 lần. Nếu kính có các dấu hiệu xấu như bản lề bị lệch, bị gỉ hoặc bị quá tải, ta nên tiến hành bảo trì ngay lập tức. Bảo hình sẽ giúp sản phẩm bền đẹp và an toàn cho người sử dụng

- Nên dùng kính cường lực có độ dày 8mm cho cửa, vách ngăn và từ 12mm trở lên cho lan can, mái che. Vì những điểm này phải chống chịu một lực lớn, yêu cầu về an toàn và độ bền sẽ phụ thuộc vào độ dày của kính.

- Mặc dù độ bền cao là ưu điểm lớn của kính cường lực, nhưng trong quá trình sử dụng, nhiệt độ tác động đột ngột thay đổi có thể làm cho kính vỡ hoặc nổ. Tỷ lệ xảy ra việc này là rất thấp nhưng ta vẫn nên cẩn trọng hạn chế những tác động mạnh cho kính.

manh-vo-kinh-cuong-luc-min-1659409424.jpeg
Mảnh vỡ kính cường lực không gây hại

Mai Thanh