Theo số liệu vừa được Ngân hàng nhà nước công bố, tính đến ngày 31/3, cả nước đã có hơn 104 triệu tài khoản thanh toán khách hàng cá nhân, tăng khoảng 13,3 triệu tài khoản so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, số dư tài khoản thanh toán cá nhân đạt 741.378 tỷ đồng, tăng gần 75.000 tỷ tương đương 11,2% so với cuối năm và vượt đến 264.855 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng tỷ lệ tăng 55,5%.

Tài khoản thanh toán cá nhân là tài khoản tiền gửi không kỳ hạn đang hoạt động do các cá nhân mở tại ngân hàng, nhằm sử dụng các dịch vụ thanh toán do ngân hàng cung ứng (như dịch vụ thẻ, dịch vụ thanh toán bằng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt ngoài thẻ). Điều này cho thấy các ngân hàng huy động được nguồn vốn giá rẻ khá lớn.

Đồng thời, tốc độ tăng trưởng thẻ ATM nội địa trong 3 tháng đầu năm 2021 đạt hai triệu thẻ, lên 96 triệu thẻ và thẻ quốc tế đang lưu hành tăng một triệu thẻ, lên 18 triệu thẻ.

using-atm-unplash-1622174668.jpg
Số dư tài khoản cá nhân tăng mạnh trong quý I/2021.

Số lượng, giá trị giao dịch ngân hàng qua kênh số cũng có sự tăng trưởng vượt bật. Cụ thể, thanh toán di động năm 2020 tăng 114% về số lượng và 118% về giá trị so với năm 2019; thanh toán QR code tăng 72,9% về số lượng giao dịch. 

Theo kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ít nhất 70% các nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường số; ít nhất 80% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử; ít nhất 80% số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số; ít nhất 80% tổ chức tín dụng có tỷ trọng doanh thu từ kênh số đạt trên 30%; ít nhất 70% quyết định giải ngân, cho vay của ngân hàng thương mại, công ty tài chính đối với các khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân được thực hiện theo hướng số hóa, tự động...