Ngày 28/10/2021, Hội thảo trực tuyến với chủ đề “Thành phố Thông minh lấy con người làm trung tâm” đã diễn ra trong khuôn khổ TECHFEST 2021. Sự kiện được phối hợp thực hiện bởi ba làng công nghệ: Làng Đô thị Thông minh và Công nghệ Bất động sản, Làng Nền tảng và Hạ tầng, Làng Thách thức và Sáng tạo Xã hội với sự hỗ trợ và đồng hành của Shinhan Square Bridge. Hội thảo quy tụ các chuyên gia đầu ngành về đô thị thông minh trong nước và quốc tế.
Phát biểu khai mạc, bà Trịnh Tú Anh – Viện trưởng Viện đô thị thông minh và quản lý chia sẻ: “Thành phố thông minh không phải là thành phố chỉ sử dụng công nghệ mà là nơi ứng dụng các công nghệ để giải quyết các vấn đề đô thị một cách hiệu quả dựa trên các nguồn lực mà chúng ta đang có. Mục tiêu cuối cùng của Smart City vẫn là chất lượng cuộc sống của con người, phải đặt con người là nhân tố trung tâm”.
Phát biểu chào mừng, chia sẻ về mô hình thực nghiệm thúc đẩy cơ hội cho các sáng kiến của startup bà Hooyung Young - Phó Chủ tịch tổ chức United Way Worldwide cho biết “Mô hình Shinhan Square Bridge Việt Nam được xây dựng và triển khai dựa trên cách tiếp cận thúc đẩy môi trường thực nghiệm (www.livinglabvietnam.org) tạo cơ hội để các startup có thể thử nghiệm các sản phẩm, giải pháp đổi mới sáng tạo của họ tại cộng đồng người dùng thực tế. Cách tiếp cận này cũng có thể sử dụng trong cách tiếp cận thành phố thông minh - nơi đặt các nhu cầu con người, của các nhóm đa dạng làm trọng tâm, từ đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp và các bên liên quan thử nghiệm và xây dựng các ứng dụng công nghệ để phục vụ các nhu cầu của con người. Tôi cũng xin nhấn mạnh sự lưu tâm đến những nhóm người yếu thế mà một thành phố thông minh nhân văn không thể bỏ qua, đó là các nhóm trẻ em, phụ nữ, người già, người khuyết tật, v.v.”.
Chiến lược phát triển đô thị thông minh: cần tập trung vào con người và văn hoá bản địa
Nhiều năm nghiên cứu các mô hình đô thị thông minh trên thế giới, ông Jaewon Peter Chun – Chủ tịch WSCF và CEO XnTree cho biết: “Các quốc gia, kể cả một số quốc gia lớn như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc…, khi phát triển một thành phố mới luôn gặp các vấn đề như khan hiếm quỹ đất, tài chính và thậm chí là thiếu hụt nguồn nhân lực. Khi đối mặt với nhiều hạn chế, việc tập trung trả lời các yếu tố liên quan đến con người như “Ai sẽ sống trong thành phố này? Họ sẽ sống trong thời gian bao lâu?” là những câu hỏi cần được đặt ra và câu trả lời chính là điểm cốt lõi để xây dựng thành phố/đô thị, chứ không phải việc chúng ta sử dụng công nghệ gì”. Thêm vào đó, ông Peter cũng chia sẻ về chiến lược của các quốc gia là tập trung xây dựng các thành phố dựa trên đặc trưng riêng nhằm giải quyết những thách thức xã hội và nhu cầu cơ bản như: Copenhagen xây dựng thành phố thân thiện với môi trường, Malaga ứng dụng năng lượng thông minh, Singapore phát triển công nghệ thực tế ảo,…
Theo Ông Trịnh Minh Giang – Giám đốc điều hành VTI Cloud cho biết, tất cả Smart City - Đô thị Thông minh - nhằm tập trung phát triển 3 trọng tâm chính: Thứ nhất là chất lượng cuộc sống của tất cả mọi người trong khu vực, bao gồm cả những người “dễ bị tổn thương” như người già, trẻ em và người yếu thể. Thứ hai là đảm bảo và gia tăng năng lực cạnh tranh kinh tế của đô thị. Khi đô thị có nền kinh tế phát triển sẽ thu hút được nguồn lao động chất lượng cao cũng như có thể tự phát triển được nguồn lực nội tại. Thứ ba là đảm bảo phát triển bền vững. “Smart City (Đô thị thông minh) cần một nền tảng và hạ tầng công nghệ thông tin mạnh mẽ để có thể can thiệp và thúc đẩy các lĩnh vực về môi trường, giáo dục, an ninh, giao thông, kinh tế… để nâng cao chất lượng đời sống cho từng người dân trong đô thị”, ông Giang chia sẻ.
Chia sẻ mô hình “đô thị thông minh không rào cản cho người khiếm thị" đã thực hiện thành công tại Hàn Quốc và đang trong quá trình triển khai thử nghiệm tại Quận 10, TP. HCM với sự hỗ trợ của chương trình Shinhan Square Bridge, Ông Siwan Lee – Tổng Giám đốc Công ty LBSTech cho biết một trong những mấu chốt cơ sở mà thành phố thông minh cần phải giải quyết là vấn đề An sinh – Xã hội. Ông đưa ra ví dụ, Trong đại dịch chúng ta thường xuyên sử dụng các mã QR hay tin nhắn trên điện thoại, tuy nhiên việc này rất khó khăn cho người khiếm thị. Vậy thành phố thông minh đồng thời cũng có khả năng hỗ trợ tốt cho người khiếm thị, tức là phải có những công nghệ để những người khiếm thị sử dụng được. “Thông qua nền tảng đô thị thông minh đảm bảo phúc lợi (Welfare Smart City Platform), chúng tôi cung cấp một giải pháp bản đồ số chuyên biệt, cung cấp thông tin một chính xác và nhanh chóng, giúp người cao tuổi và người khuyết tật (đặc biệt là người khiếm thị) có thể dễ dàng di chuyển, và từ đó có thể tham gia vào các hoạt động kinh tế, xã hội một cách thuận tiện”.
Giải pháp phát triển đô thị thông minh sau đại dịch
Tại phần thảo luận, các diễn giả tập trung chia sẻ về các thách thức của con người sống trong đô thị thông minh trong bối cảnh đại dịch COVID 19. Ông Jaewon Peter Chun – Chủ tịch WSCF và CEO XnTree cho biết dịch Covid-19 khiến mọi sinh hoạt của người dân bị xáo trộn. Điển hình ở Mỹ, người dân không đến văn phòng nữa và tham gia vào các cuộc họp trực tuyến nhiều hơn. Vì vậy họ đã quen với mô hình mới này, họ thích làm việc ở nhà hơn và cũng nhờ vậy mà tiết kiệm được các chi phí thuê văn phòng. Dự kiến mô hình này có thể trở thành một xu hướng mới trong tương lai. Vì thế, thành phố thông minh phải có những kế hoạch để đáp ứng được lối sống mới.
Nói đến việc phát triển thành phố thông minh hậu đại dịch, bà Trịnh Tú Anh – Viện trưởng Viện đô thị thông minh và quản lý đã chỉ ra 3 vấn đề mà những nhà làm quy hoạch và thiết kế cần quan tâm.
Thứ nhất, chỉ khoảng 20% người dân chấp nhận và thay đổi theo xu hướng “work-from-home” (làm việc tại nhà). Họ là những nhà nghiên cứu học thuật hoặc làm các công việc đã được xây dựng chuyển đổi số trước đó. Tuy nhiên đối với nhóm “dễ bị tổn thương”, những cơ sở hạ tầng và các nguồn lực hiện tại chưa sẵn sàng để hỗ trợ cho họ trong việc thay đổi theo xu hướng mới. Chính vì thế, công việc của người phát triển công nghệ và làm quy hoạch phải hợp tác cùng nhau để phục vụ cho sự thay đổi của mọi đối tượng.
Thứ hai là, thiết kế và quy hoạch nhà ở phù hợp với lối sống mới. Trước đây, những sinh hoạt đều được diễn ra ngoài cộng đồng, nhưng sau dịch mọi thứ đều được “mang về nhà”. Chính vì thế mà ngôi nhà cần được thiết kế để đảm bảo được không gian chung nhưng vẫn đảm bảo tính riêng tư để cuộc sống của người dân có thể diễn ra linh hoạt hơn.
Thứ ba là, về việc các dự án và quy hoạch đều chưa quan tâm đến khả năng tự phục hồi sau dịch. Điển hình là những bệnh viện dã chiến, do không theo mô hình tháo lắp linh hoạt nên chúng ta chưa biết cách xử lý các dự án này hậu đại dịch. Bên cạnh đó, chúng ta cũng thiếu những khu vực linh hoạt để đối phó với những sự cố bất ngờ như đại dịch Covid-19.
Về TECHFEST 2021 TECHFEST 2021 với chủ đề “Đổi mới sáng tạo - Kiến tạo tương lai” (tiếng Anh: Embracing innovation - Reshaping the future). Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, con đường khởi nghiệp sáng tạo, vốn chông gai lại càng thêm chông gai. Việc đổi mới sáng tạo, thay đổi phương thức sinh hoạt, làm việc và tương tác không còn là lựa chọn, mà đã trở thành bắt buộc. TECHFEST năm nay hướng tới thúc đẩy giải pháp công nghệ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, nền tảng đổi mới sáng tạo “mở” trong giải quyết vấn đề của xã hội trong bối cảnh Covid-19 và phục hồi nền kinh tế hậu Covid-19. Đây thời điểm startup cần nắm bắt cơ hội mới vươn lên, để “kiến tạo tương lai” thông qua sáng kiến công nghệ. Đồng thời, lấy sức mạnh trí tuệ của con người, sự đổi mới sáng tạo làm trung tâm phát huy kết hợp với sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Liên hệ truyền thông: |