Thị trường bán lẻ Hà Nội hút “ông lớn”

Lan Anh
Gần đây, hai ông chủ lớn ngành bán lẻ như Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) và Tập đoàn Central Retail Corporation (CRC) (Thái Lan) quyết định đầu tư khủng vào thị trường bán lẻ của Việt Nam

Thị trường bán lẻ Hà Nội vẫn "hái ra tiền"

Dân số Việt Nam tiếp tục tăng bên cạnh sự phát triển của các kênh phân phối bán hàng hiện đại và lượng du khách quốc tế ngày càng tăng, mang đến những dấu hiệu tích cực để tiếp tục mở rộng mạng lưới kinh doanh bán lẻ tại thị trường gần 100 triệu dân.

Bán lẻ cũng là ngành có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của đất nước, góp phần chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng gia tăng tỉ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước tháng 1/2023 đạt 544.800 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Tổng quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam đạt khoảng trên 140 tỷ USD, dự báo sẽ tăng lên khoảng 350 tỷ USD vào năm 2025. Con số này sẽ đóng góp khoảng 59% GDP cả nước.

Tuy nhiên, về quy mô của kênh bán lẻ hiện đại đang còn rất khiêm tốn, mới chiếm khoảng 25% trên tổng quy mô thị trường. Số cửa hàng tự chọn như siêu thị mini hiện có 4.000. Trong khi đó, tỷ lệ này ở các nước trong khu vực là khá cao như: Thái Lan 48%, Phillipines 75% và Singapore 80%...

Một trong những cái tên phải kể tới là tập đoàn bán lẻ hàng đầu Thái Lan - Central Retail Corporation mới đây đã quyết định đầu tư tổng trị giá 50 tỷ Baht (1,45 tỷ USD) trong giai đoạn 2023 - 2027 để tăng gấp đôi số lượng cửa hàng lên 600, có mặt tại 57/63 tỉnh, thành của Việt Nam

Không chỉ riêng Central Retail Corporation mà nhiều kênh bán lẻ khác cũng dự kiến tăng đầu tư vào thị trường Việt Nam. Đơn cử, Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) đang lên kế hoạch từ nay đến năm 2025 triển khai thêm 16 dự án tại Việt Nam, trong đó có 3 - 4 dự án tại Hà Nội, đồng thời sẽ ra mắt các mô hình bán lẻ mới.

aeon-mo-rong-tai-ha-noi-1677114971.jpeg
Aeon Mall dự kiến rót 280 triệu USD để mở thêm chi nhánh tại quận Hoàng Mai, Hà Nội

Giải thích về điều quyết định đầu tư “khủng” vào Việt Nam, ông Olivier Langlet - Giám đốc Điều hành của Central Retail Việt Nam cho biết: Tập đoàn coi Việt Nam là một thị trường tiềm năng cao với kinh tế tăng trưởng liên tục. Thị trường bán lẻ tại Việt Nam ước tính trị giá 49,7 tỷ USD mỗi năm và đang tăng trưởng với tốc độ 10 - 12%/năm. Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam sẽ đạt lần lượt là 6,7% và 7,2% vào năm 2023 và 2024. Điều này sẽ đưa Việt Nam trở thành thị trường phát triển nhanh nhất Đông Nam Á.

Thống kê cho thấy, Central Retail Việt Nam, Tập đoàn đã kinh doạnh tại Việt Nam 11 năm mở hơn 340 cửa hàng với diện tích bán lẻ hơn 1.200.000m2 trên 40 tỉnh, thành. Doanh thu đạt mức tăng trưởng nhảy vọt từ 300 triệu Baht (8,7 triệu USD) vào năm 2014 lên 38,592 triệu Baht (1,12 tỷ USD) vào năm 2021. Gần đây nhất, vào năm 2022, công ty đã thành công đạt được doanh số bán hàng đóng góp 25% tổng doanh thu của Central Retail, trở thành nhà bán lẻ quốc tế lớn nhất tại Việt Nam, dẫn đầu thị phần mảng đại siêu thị và đứng thứ 2 thị phần trung tâm thương mại - phong cách sống.

Theo kế hoạch mở rộng, Central Retail Việt Nam đặt mục tiêu tăng gấp đôi số lượng cửa hàng lên 600 tại 57/63 tỉnh, thành của Việt Nam vào năm 2027, với tổng diện tích sàn dự kiến đạt 2 triệu m2. Đồng thời sẽ lắp các tấm pin mặt trời trên mái 20 trung tâm thương mại, lắp thêm các trạm sạc cho xe điện và giảm sử dụng túi nilon trong thời gian tới.

Bên cạnh Central Retail, Aeon - Tập đoàn bán lẻ Nhật Bản, dự định đẩy mạnh mở rộng tại Việt Nam, tăng gấp 3 lần số lượng trung tâm thương mại vào năm 2025 nhằm tìm kiếm lợi thế trong lĩnh vực thực phẩm. Nhà bán lẻ này đang đẩy nhanh việc mở các trung tâm thương mại và các cửa hàng khác tại Việt Nam nhằm thu hút tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng.

Thực tế, câu chuyện các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào ngành bán lẻ không hề mới, mà đã diễn ra từ hơn 10 năm trước. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay thì rõ ràng thị trường Việt Nam phải rất tiềm năng và hấp dẫn, các "ông lớn" mới mạnh tay rót vốn đến vậy.

Mặt bằng chất lượng chiếm ưu thế

Nhận định về các tiêu chí lựa chọn mặt bằng của các thương hiệu bán lẻ, bà Hoàng Diệu Trang, Quản lý Cấp cao, Bộ phận Cho thuê thương mại, Savills Hà Nội cho biết: “Trung tâm thương mại thu hút nhu cầu lớn phải hội tụ đủ các yếu tố về vị trí đắc địa, chất lượng xây dựng tốt, chủ đầu tư uy tín, có danh tiếng tốt, chiến lược phát triển và quy hoạch mặt bằng chuẩn chỉnh đi kèm với thiết kế và mô hình hấp dẫn. Nhu cầu đối với mặt bằng tại các dự án này luôn ở mức cao, thậm chí các nhãn hàng phải nằm trong danh sách đợi để có thể có mặt bằng cho thuê tại những trung tâm thương mại như vậy.”

Trong thời gian tới, các thương hiệu cao cấp dự kiến sẽ gia nhập thị trường, một số sẽ là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Dù nguồn cung cao cấp tương lai bao gồm Four Seasons, The Grand Hà Nội và khách sạn Fairmoint nhưng hiện mặt bằng bán lẻ hạng sang tại Hà Nội không đủ để đáp ứng nhu cầu. Trước xu hướng này, các chủ nhà hiện đang cải tạo các bất động sản lỗi thời để tăng khả năng cạnh tranh. Các trung tâm mua sắm và khối đế bán lẻ như Indochina Plaza, Bamboo Airways Tower cũng được cải tạo để đưa ra mặt bằng mới, phần nào đáp ứng được sự khan hiếm mặt bằng tốt tại thị trường.

Về giá thuê mặt bằng sẽ phụ thuộc vào ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh cũng như vị trí. Hiện nay các mặt bằng bán lẻ có giá thuê cao là tại các trung tâm thương mại cao cấp hay các chân khối đế của tòa nhà Hạng A. Đối với giá thuê tại trung tâm thương mại, bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội cho biết: “Giá thuê đang có dấu hiệu hồi phục tích cực đối với các tầng bán lẻ ở trên, dự kiến tăng trường 3% (tầng 3 - tầng 5), trong khi giá thuê tầng trệt tiếp tục tăng cao, dự kiến 10% đối với mặt bằng tầng 1 trong năm 2023”. Cụ thể, trong Quý 4/2022, giá thuê gộp tầng trệt đạt 1.013.000VNĐ/m2/tháng, tăng 4% theo quý và 10% theo năm. Kể từ năm 2018, giá thuê gộp tầng trệt tại các khu vực Trung tâm đã tăng 7% mỗi năm, trong khi các khu vực khác tăng 1% mỗi năm”.

thi-truong-ban-le-ha-noi-1677115165.jpeg
Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm sáng thu hút các thương hiệu bán lẻ quốc tế

Nguồn cung tương lai được kỳ vọng sẽ phần nào đáp ứng sự khan hiếm về mặt bằng bán lẻ chất lượng của thủ đô. Về triển vọng, năm 2023 thị trường bán lẻ tại Hà Nội sẽ chào đón khoảng 212.400m2 nguồn cung từ 15 dự án, bao gồm Lotte Mall, The Linc tại Park City và Lancaster Luminaire. Khu vực nội thành sẽ có 9 dự án và mỗi khu vực Trung tâm, phía Tây và khu vực khác sẽ có 2 dự án. Trung tâm mua sắm chiếm 70% và khối đế bán lẻ đóng góp 30%.

Nhìn chung, Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm sáng thu hút các thương hiệu bán lẻ quốc tế. Sức hút không chỉ từ nhu cầu mua sắm nội địa mà còn từ việc các hoạt động du lịch sôi nổi trở lại với số lượng du khách quốc tế gia tăng, tác động đến hoạt động bán lẻ, tiêu dùng của thị trường.

Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội trong tháng 1/2023 đạt 374 nghìn lượt, tăng 3% so với tháng trước, và gấp 16 lần cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách Hàn Quốc đạt 32,1 nghìn người, gấp 5,6 lần; Nhật Bản đạt 12,8 nghìn lượt người, gấp 6,1 lần; Hoa Kỳ đạt 23,6 nghìn lượt người, gấp 35,4 lần.

Bà Hoàng Nguyệt Minh cho biết: “Các nhãn hàng chuyên về thời trang, mỹ phẩm, đồ thể thao của Châu Á (Singapore, Hongkong, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia) coi Việt Nam là thị trường trọng yếu trong việc mở rộng quy mô cửa hàng trong các năm tới với niềm tin về nhu cầu mua sắm tiêu dùng cho khách nội địa gia tăng và kinh tế Việt Nam đang trên đà tăng trưởng ấn tượng trong khu vực. Điều này sẽ gia tăng sự hiện diện của bán lẻ trong năm 2023. Thêm vào đó, việc nhiều thương hiệu lớn mở rộng tại Hà Nội góp phần đa dạng hóa các nhãn hàng mua sắm, đồng thời tạo điểm nhấn cho khu vực thông qua thiết kế ấn tượng và nhiều hoạt động vui chơi giải trí cho gia đình và giới trẻ”.

Ngọc Tân