Vì sao co-living space sẽ trở thành xu hướng?

Bảo An
Nhiều người trẻ đang có xu hướng thuê các căn hộ coliving space để hưởng thụ các tiện nghi chất lượng cao, không gian văn minh, an ninh, đi cùng mức giá tiết kiệm hơn các hình thức căn hộ riêng lẻ truyền thống.

Co-living space là gì?

Tương tự như mô hình không gian làm việc chung (co-working space) dần trở nên phổ biến trên toàn cầu, hiện nay một số nhà phát triển bất động sản đã tạo ra co-living-mô hình sống hiện đại với những không gian chung được chia sẻ bởi những bạn trẻ có cùng sở thích hay công việc giống nhau.

Những người sống chung sẽ cùng nhau trả tiền thuê nhà, chia sẻ một số không gian chung như bếp hay phòng sinh hoạt. Một co-living “chuẩn” phải bao gồm hai yếu tố chính là chung và riêng. Tức là, dù sống chung nhưng mỗi cá nhân đều có không gian riêng cho mình. Có thể nấu và ăn cùng nhau, nhưng nhất định không gian nghỉ ngơi của mỗi người phải hoàn toàn riêng biệt.

Khi các thành phố lớn tại châu Á ngày càng đông dân hơn, co-living sẽ giải quyết một số vấn đề xung quanh cuộc sống đô thị. Diện tích căn hộ ngày càng thu hẹp và giá thuê nhà không ngừng tăng khiến người trẻ khó tìm chỗ ở. Hơn nữa, không phải lúc nào họ cũng cần thuê 1-2 năm bởi vì họ có thể phải di chuyển chỗ làm.

Theo JLL, mô hình co-living đang tăng trưởng mạnh mẽ ở châu Á, đặc biệt ở các thị trường như Hong Kong (Trung Quốc) và Trung Quốc, nơi mà nhà ở bình dân luôn là vấn đề nóng. Trong khi việc cùng thuê nhà giữa các sinh viên và giới trẻ rất thịnh hành ở nhiều quốc gia thì sự chuyên nghiệp trong quản lý của co-living tạo ra sự khác biệt. Cụ thể, hầu hết các nhà khai thác mô hình này đều chú trọng vào những yếu tố mang tính cộng đồng như mở lớp học yoga, những buổi chiếu phim, những bữa tiệc với thức uống miễn phí và những buổi hội thảo có chủ đề thú vị cho cư dân.

co-living-spaces-5-900x500-1637570764.jpg

Giám đốc Nghiên cứu Thị trường tại Hong Kong của JLL - ông Denis Ma cho biết, với những thách thức của thị trường nhà ở Hong Kong, sự xuất hiện của co-living mang đến một giải pháp hữu hiệu để mọi người có thể sống cùng nhau như gia đình và giảm bớt tiền thuê nhà. Trong khi đó, Joe Zhou, Giám đốc Nghiên cứu thị trường tại Trung Quốc của JLL giải thích: "Nhu cầu co-living của thế hệ Millennials tại Trung Quốc rất khổng lồ. Chỉ riêng trong 5 năm qua, đã có 43 triệu sinh viên tốt nghiệp. Với mức giá nhà ở đắt đỏ tại các thành phố lớn của Trung Quốc, sinh viên sẽ mất ít nhất 3 đến 5 năm để có thể mua nhà, đồng nghĩa với việc họ phải đi thuê hoặc tìm phương án ngắn hạn. Do đó, co-living chắc chắn là một lựa chọn hấp dẫn".

Ưu điểm so với các mô hình truyền thống

Còn theo ông Saurabh Srivastava – Giám đốc Tăng trưởng và CMO của Housr (Ấn Độ) đã chỉ ra lý do vì sao các không gian co-living space sẽ trở nên phổ biến hơn trong giai đoạn tới đây.

Các căn hộ cho thuê dạng co-living space ngày càng được đón nhận trong khoảng hai năm trở lại đây, bởi hai đối tượng chủ đạo là các nhân viên văn phòng độc thân và sinh viên. Sống tại các căn hộ hay phòng trọ dạng này, người thuê vừa được hưởng thụ không gian riêng tư cho các nhu cầu cá nhân, vừa có thể trải nghiệm các tiện nghi chất lượng cao như phòng bếp sạch thoáng, khu vực ăn uống rộng rãi…

Theo chuyên gia, các co-living space có lợi thế hơn hẳn các hình thức phòng trọ hay căn hộ cho thuê truyền thống bởi các yếu tố như sau:

Thứ nhất, yếu tố cộng đồng tại coliving space được đề cao. Người thuê nhà thường sống ở các vùng miền, tỉnh thành khác, khi đến các thành phố lớn để lập nghiệp hay học tập họ sẽ có cảm giác cô đơn. Các không gian chia sẻ này đã giải quyết vấn đề cốt lõi chính là sự tách biệt giữa các ngôi nhà, những bạn trẻ có thể hội họp với nhau vào mỗi buổi chiều tối, cùng ăn uống hay trò chuyện.

Chuyên gia còn cho rằng, thế hệ millenial và gen Z yêu cầu ngày càng cao về không gian sống phù hợp với sở thích cá nhân. Với dạng nhà ở chia sẻ, những bạn trẻ hướng nội vẫn có đủ không gian riêng cho mình. Trong khi các nhóm hướng ngoại sẽ có đủ các hoạt động tại các khu vực chung như bếp ăn, phòng khách, ban công...

11-custom-1637569849.jpg
Co-living space cung cấp các dịch vụ tiện nghi như phòng ốc có sẵn nội thất đồng bộ, dịch vụ vệ sinh nhà cửa chuyên nghiệp.

Thứ hai, giá cả co-living space cạnh tranh hơn so với căn hộ, trong khi dịch vụ, tiện ích hơn hẳn các nhà trọ cá nhân. Khi giá thuê căn hộ tại các thành phố lớn, các đô thị triệu dân đang ngày càng tăng cao, thì việc thiết kế theo hình thức co-living sẽ giúp gia chủ đón nhiều khách thuê hơn cùng lúc, giúp tối ưu chi phí hơn và đồng nghĩa mức giá sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều.

Thứ ba, chất lượng sống tại các co-living space cao hơn đáng kể. Tại các không gian căn hộ chia sẻ, người thuê sẽ được hưởng thụ nhiều tiện nghi hơn do được các đơn vị quản lý cung cấp sẵn: phòng ốc có sẵn nội thất, kết nối wifi mạnh hơn, khu vực giặt là, bếp nấu… có thương hiệu. Ngoài ra khi sống tại một số co-living space trong các tòa căn hộ, người thuê còn được sử dụng các tiện nghi chung như phòng tập gym, yoga, cửa hàng tiện lợi…

Thứ tư, yếu tố an ninh và an toàn được đề cao. Cùng với tất cả các tiện ích, không gian sống chung mang lại mức độ an ninh cao với đội ngũ bảo vệ túc trực, camera quan sát đảm bảo an toàn cho cư dân.

Thứ năm, người thuê không còn cảnh tìm người ở ghép để chia sẻ tiền phòng. Đối với các không gian chung, trách nhiệm tìm người thuê thuộc về các đơn vị quản lý hay chủ căn hộ, do đó bạn sẽ không còn lo lắng mỗi khi người bạn chung nhà của mình chuyển đi. Bạn chỉ cần chịu trách nhiệm đối với khoản tiền thuê mỗi tháng đã thương lượng với chủ nhà.

Co-living space tại Việt Nam

Tại Việt Nam, các mô hình co-living space đã bắt đầu nở rộ và ghi nhận sự góp mặt của một số những đơn vị kinh doanh tên tuổi.

Điển hình nhất là chuỗi M Village của Nguyễn Hải Ninh - cựu CEO Coffee House. M Village đầu tiên đặt tại quận 3 (TP.HCM) có gần 3.000 m2 sàn, nhưng chỉ xây 28 phòng. Phần diện tích còn lại được dùng cho các khu sinh hoạt chung. CEO Nguyễn Hải Ninh đặt ra tiêu chuẩn: khu sinh hoạt cộng đồng trong M Village (như không gian để ngồi uống cà phê, thư viện, sân vườn…) phải có diện tích không nhỏ hơn tổng diện tích các căn phòng. Cụ thể trong mỗi căn hộ thuộc M Village được trang bị đầy đủ nội thất, một căn bếp với thiết kế thông minh mang tính ứng dụng cao. Cùng với đó, còn có không gian sinh hoạt cộng đồng gồm thư viện, sân vườn bao quanh hồ nước, nhà rang và quán cafe và khu nướng ngoài trời.

190974594-148803760602118-2511554162072058556-n-custom-1637569849.jpg
M Village dành nhiều không gian cho các khu vực chung, để người thuê có thể gặp gỡ, trò chuyện.

Tháng 10/2020, Beta Group, một tên tuổi trên thị trường giải trí đã quyết định lấn sân sang lĩnh vực bất động sản, với chuỗi căn hộ dịch vụ cho thuê mang thương hiệu A.Plus Home. Dự án đầu tiên của thương hiệu A.Plus Home tại ngõ 30, phố Mai Anh Tuấn (Hà Nội) với 35 phòng. Chỉ sau 4 tháng vận hành, A.Plus Home đạt 95% tỷ lệ lấp đầy, với giá thuê 5,5 - 6,5 triệu đồng/tháng (diện tích 16 - 19 m2 chưa kể gác lửng). Đến thời điểm này, tòa nhà đã không còn phòng trống.

image004-1204-1619076459-custom-1637569850.png
Không gian căn hộ chia sẻ A Plus.

Theo ông Bùi Quang Minh, Tổng giám đốc Beta Group, A.Plus Home nhắm vào phân khúc khách hàng trẻ, tỉnh lẻ về các thành phố lớn học tập và lập nghiệp, với nhu cầu thuê căn hộ để ở có quy mô từ 1-2 người. Hiện nhu cầu thị trường này đang dao động từ 399.000 đến 653.000 căn hộ.

"Giới trẻ, đặc biệt các sinh viên tỉnh lẻ sau khi tốt nghiệp muốn trụ lại thành phố để phát triển sự nghiệp sẽ dễ tìm cho mình căn hộ để thuê. Chỉ từ 5,5 triệu đồng/tháng, họ có thể sống trong một căn hộ dịch vụ dạng studio đủ tiện nghi dành cho hai người, thiết kế khép kín gồm bếp và phòng tắm. Dịch vụ và tiện ích trọn gói, bao gồm điện, nước, giặt sấy, dọn phòng, wifi, chỗ gửi xe, điều hòa, bình nóng lạnh, tủ lạnh, bếp từ", ông Minh nói.