Vốn đầu tư Vành đai 3 giảm 7.000 tỷ đồng

Bảo An
Tổng kinh phí đầu tư hơn 76 km giai đoạn một Vành đai 3 TP HCM được tính toán 75.777 tỷ đồng, giảm khoảng 7.000 tỷ đồng so với trước đó.

Nội dung đề cập trong tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng Vành đai 3 TP HCM, được Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi gửi Chính phủ chiều 28/1. TP HCM với vai trò cơ quan chủ trì, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án.

Toàn tuyến Vành đai 3 dài gần 92 km, chạy qua TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, chia làm 4 đoạn lớn gồm: Tân Vạn - Bình Chuẩn, Tân Vạn - Nhơn Trạch, Bình Chuẩn - quốc lộ 22, quốc lộ 22 - Bến Lức. Tuyến đường khi hoàn thiện có 8 làn cao tốc, vận tốc 100 km/h cùng đường song hành hai bên.

Giai đoạn một, Vành đai 3 được nghiên cứu đầu tư dài hơn 76 km, do tạm thời không tính đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn, dài hơn 15 km đi qua Bình Dương đã làm 6 làn xe. Toàn bộ phần còn lại trong giai đoạn một sẽ đầu tư mới 4 làn cao tốc, vận tốc 80 km/h và đường song hành hai bên. Trong đó bao gồm cả dự án 1A thuộc đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, dài hơn 8 km đang đầu tư sẽ được bổ sung các hạng mục để đảm bảo đồng bộ toàn tuyến. Việc giải phóng mặt bằng sẽ triển khai từ giai đoạn một theo quy mô hoàn chỉnh.

vanh-dai-3-3474-1642684318-2492-1643385007-custom-1643513481.png

Khái toán tổng mức đầu tư Vành đai 3 ít hơn trước chủ yếu do giảm vốn giải phóng mặt bằng. Hiện, tổng kinh phí đền bù, tái định cư cho dự án này ước tính hơn 41.800 tỷ đồng. Phần xây lắp, thiết bị chiếm hơn 25.600 tỷ đồng; còn lại chi phí quản lý dự án, dự phòng...

TP HCM dự kiến phân chia các dự án thành phần theo địa bàn quản lý của từng địa phương. Theo đó, tổng cộng sẽ có 8 tiểu dự án, gồm 4 dự án thành phần giải phóng mặt bằng và 4 dự án xây dựng, tương ứng theo địa bàn từng tỉnh thành Vành đai 3 đi qua.

Chính quyền TP HCM cũng dự tính thời gian chuẩn bị đầu tư tuyến đường thực hiện từ nay đến năm 2023. Giai đoạn 2023-2024, dự án sẽ hoàn tất giải phóng mặt bằng. Năm 2025, việc thi công tuyến đường cơ bản hoàn thành, thông xe toàn tuyến trước khi hoàn thiện toàn bộ dự án năm 2026.

Vành đai 3 sẽ được đầu tư công từ vốn ngân sách địa phương, có hỗ trợ từ Trung ương. TP HCM đề xuất Trung ương bố trí 50% tổng mức đầu tư các dự án thành phần trên địa bàn TP HCM, Bình Dương và Đồng Nai; 100% các dự án thành phần trên địa bàn tỉnh Long An.

Trước đó giai đoạn một Vành đai 3 ước tính tổng mức đầu tư hơn 83.000 tỷ đồng. Hồi cuối năm ngoái, làm việc với bộ ngành và các địa phương liên quan công tác chuẩn bị đầu tư tuyến đường này, Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu rà soát lại, bao gồm cả chi phí xây dựng và bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Vành đai 3 là dự án trọng điểm quốc gia, giúp kết nối vùng và phát triển kinh tế, xã hội không chỉ cho TP HCM còn cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuyến có vai trò tiếp nhận và giải tỏa các xe quá cảnh qua TP HCM, giảm tải giao thông khu vực nội đô và kết nối các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Đồng Nai, Tây Ninh, rút ngắn thời gian đi lại giữa các tỉnh.