Làm một năm mua xe, hai năm mua nhà; Bán một tháng, đi du lịch ba tháng; Khách hàng toàn đại gia, chỉ cần một khách nuôi đủ một năm… là những mẫu chuyện tôi thường xuyên nghe về nghề môi giới của mình. Không thể phủ nhận một số môi giới đã làm nên cơ đồ từ bàn tay trắng. Họ trở thành những hình mẫu để biết bao người theo đuổi công việc buôn chuyện ra tiền này, thậm chí bỏ việc văn phòng để nhập cuộc bán nhà, bán đất. 

Chính tôi cũng từng là một nhân viên truyền thông, vì ôm mộng có nhà có xe ở tuổi 25 như bao người mà đã bỏ công việc thu nhập ổn định, 8 tiếng trên ghế nệm, máy lạnh để bước lên những chuyến xe về vùng ven hay những buổi đội nắng bán hàng. Tuy vậy, không phải cú nhảy nào cũng trúng đích. Trong khi một số đồng nghiệp của tôi sau đã phải lặng lẽ bỏ nghề vì không đủ trang trải. Họ cắn răng nộp lại CV cho công ty cũ hoặc ngành nghề cũ. Trong đợt dịch Covid-19 lần này, các công ty thắt chặt nhân sự nên hành trình trở lại đường cũ của họ cũng trắc trở không ít.  

Do vậy, giá như mà thay vì những câu chuyện về những hình mẫu thành công, tôi ước gì các môi giới chia sẻ nhiều hơn về 4 điều bên dưới. Chắc hẳn bước chuyển nghề của bản thân tôi, hay một số bạn bè khác sẽ phần nào đỡ gập ghềnh hơn.

Dự trữ nguồn tiền sẵn sàng cho 3-6 tháng

Thu nhập là yếu tố lớn khiến nhiều người chuyển từ việc văn phòng sang môi giới. Nhưng không phải môi giới nào cũng có thể chốt căn trong tháng đầu làm việc. Thậm chí, gần như 2-3 tháng đầu, việc chỉ sống bằng thu nhập đối với môi giới là hoàn toàn xa vời, bởi hầu hết phải dành thời gian để học sản phẩm, quảng cáo, quy trình… nên quỹ thời gian còn lại dành cho việc bán hàng gần như chiếm rất ít, hoa hồng theo đó cũng tỷ lệ thuận. Chưa kể, mức lương cơ bản của các môi giới mới vào nghề cũng không hề cao, đâu đó chỉ dao động 4-6 triệu đồng. Có ít đơn vị dám trả mức lương 7-10 triệu đồng/tháng. Cũng không phải bán xong một căn hộ là được nhận tiền ngay.

Đối với những người quen sống bằng tiền lương đều đặn hàng tháng, đây có thể coi là một trở ngại rất lớn. Đặc biệt là đối với các anh, chị đã có gia đình, con cái cần phải gánh vác các chi phí cao hơn rất dễ dẫn đến bế tắc. Do đó, trước khi chuyển việc, môi giới cần chuẩn bị một khoản dự trữ cho chi phí sinh hoạt, ăn uống, điện nước tối thiểu 3 tháng, và kịch bản đẹp nhất là 6 tháng tới. Điều này giúp bạn có thể an tâm và kiên định tập trung cho các bước học hỏi kỹ năng, cách thức bán hàng, không bị phân tâm cho các vấn đề cơm - áo - gạo - tiền.

dsc01003-1530327486-vnex-1-1627895194.jpg
Không phải môi giới nào cũng chốt được deal, có khách ngay trong tháng đầu.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn chuyển việc, hãy sống tiết kiệm và đừng phung phí quá nhiều. Tôi nhận ra nhiều anh chị em đồng nghiệp vừa làm môi giới thì chi rất nhiều cho quần áo, phấn son, phụ kiện… trong khi thu nhập thì chưa có. Dĩ nhiên, khiến mình trở nên đẹp hơn, chuyên nghiệp hơn là nên làm, nhưng không vì thế mà vung tay quá trán.  

Biết mình đang ở đâu

Thời mới vào nghề, cứ nghĩ rằng mình trẻ và cũng đã làm qua vị trí nhân viên phòng truyền thông ở ngân hàng danh tiếng 2 năm, tôi có phần ngạo nghễ một chút. Đặc biệt là trong các buổi huấn luyện của công ty về quảng cáo, hay các thuật ngữ đầu tư, tôi có phần lơ là. Một số bạn đồng nghiệp thì có xuất phát điểm thấp hơn, trước khi làm môi giới chỉ là nhân viên bán thuốc, hay giáo viên… nên siêng năng hơn. Chưa kể, sếp kêu tôi chạy 70km để đón một khách hàng ở Thủ Dầu Một đi xem đất. Tôi cũng e ngại vì nghĩ mình có thể dùng khả năng của bản thân để lọc các khách ở khu vực gần hơn, không cần mất sức đi xa xôi như vậy chỉ để bán một căn hộ. Một bạn khác đã xung phong.

Chuyện gì rồi cũng sẽ đến, thành tích bán hàng qua hai tháng training của các bạn đều hơn tôi. Lúc đó mình mới thật sự giật mình do bản thân đã đánh giá quá cao mình hay đánh giá quá thấp năng lực của họ. Dĩ nhiên tôi thiên về vế một nhiều hơn. 

Đây không phải điều hiếm gặp ở những người chuyển từ việc văn phòng sang làm môi giới. Tâm lý ngồi mát ăn bát vàng của giới văn phòng đã khiến cho nhiều người, trong đó có cả tôi, lầm tưởng về vị trí cũng như năng lực của mình. Để tư vấn được cho khách hàng về một sản phẩm bất động sản, rõ ràng môi giới phải có kiến thức đa ngành và rộng khắp. Đơn cử như trình độ nhất định về pháp luật, quy hoạch và tầm nhìn quy hoạch của khu vực, hiểu được quyền lợi của người mua, người bán, nắm bắt được thị trường bất động sản khu vực. Bên cạnh đó, nội thất, phong thủy, tiện ích, bài toán tài chính khi mua hoặc đầu tư bất động sản cho khách hàng. 

Bạn có thể là siêu sao ở lĩnh vực cũ, nhưng bước chân vào con đường môi giới, chúng ta phải xây dựng lại tư duy từ đầu. Nếu đồng nghiệp của bạn có thể đi 70km, gọi 100 cuộc để chốt được một khách hàng, bạn cũng có đủ khả năng để làm điều tương tự. Hãy bỏ đi những hờn dỗi, tự ái, nghĩ mình bị xem thường. Dĩ nhiên mỗi môi giới sẽ có cách thức và bí quyết riêng để thành công, nhưng ở giai đoạn chuyển việc, phải biết mình đang ở đâu, sẵn sàng cho mọi thử thách, thay đổi. 

dsc09596-1527311658-vnex-banner-1627895065.jpg
Tư duy "siêu sao" sẽ khó có thể sống trong nghề môi giới. 

Chuẩn bị cho mọi chỉ trích

“Sao đang có việc ổn định mà lại làm cái nghề nay đây mai đó vậy?”, “Sao suốt ngày share share cái gì như đa cấp vậy” hay “Tốn 4 năm đại học làm gì giờ theo nghề này” là những câu chỉ trích tôi nhận được từ gia đình và cả bạn bè của mình. 

Đôi lúc đó chỉ là những lời nói theo cảm xúc chứ không có ý công kích, nhưng mình cũng có chút chột dạ. Đặc biệt là thời điểm mới vào nghề, gọi 100 cuộc thì hết 50 cuộc bị cúp máy ngang, 30 cuộc bảo làm phiền, 10 cuộc thì bông đùa… Sếp thì đôi lúc lại gắt gỏng vì doanh số chưa đạt. 

Dĩ nhiên, không có công việc nào dễ dàng, nhưng nếu bạn không sẵn sàng đón nhận những chỉ trích từ những người xung quanh, bạn chưa sẵn sàng với nghề môi giới này. Trước khi vào nghề, bạn phải chuẩn bị cho mình một cái đầu đủ tỉnh táo, biết đâu là thông tin nên lưu trữ, cái nào nên nhấn nút “delete” thẳng tay. Duy trì năng lượng tích cực thì bạn mới đủ tươi tắn, xinh đẹp để mà còn tư vấn, bán hàng chứ. Như tôi luôn lấy những cuộc hẹn với số ít các vị khách để làm niềm vui, làm đích đến mỗi ngày mà tiến tới. 

Có plan B, C hoặc thậm chí là D

Nếu mọi việc suôn sẻ, môi giới đều thể gắn bó với nghề, có thu nhập để tích lũy, mua nhà, mua xe hơi và sống viên mãn về sau. Nhưng nếu sự nghiệp gặp nhiều bất trắc, bạn đã có sẵn kế hoạch cho mình chưa? 

Tôi từng hỏi câu tương tự với 10 đồng nghiệp. Duy chỉ có 3 người trong số họ có kế hoạch ứng biến nếu công việc môi giới không suôn sẻ. Số còn lại, vẫn đang nghĩ sẽ vay mượn ai để sống qua ngày nếu không chốt được căn nào. Trong đợt dịch vừa qua, tôi đã chứng khiến không ít đồng nghiệp phải dùng cả tiền dưỡng già của cha mẹ để sống sót qua ngày hoặc vay mượn họ hàng, mà hầu hết đều không thể trả nên mất tình cảm.

Nghề môi giới rất triển vọng, nhưng rõ ràng nó không dành cho tất cả. Bạn có thể trở thành trưởng nhóm kinh doanh chỉ sau ba tháng làm việc, nhưng cũng có trường hợp bị đào thải khỏi ngành. Trong tất cả mọi trường hợp, hãy chuẩn bị sẵn sàng các phương án B, hoặc C thậm chí là D cho bản thân. Có thể nó không giúp bạn an toàn 100%, nhưng hạn chế được phần nào tổn thất với gia đình, con cái của bạn. 

Chốt lại, tôi nghĩ nếu có cơ hội, có đủ những nguồn lực dự trữ và sự kiên định, bạn hoàn toàn có thể nhảy từ công việc văn phòng sang làm môi giới. Bạn là người bắt đầu, nhưng trước hết hãy học cách kiên trì.