9 điều cần chuẩn bị khi dọn về nhà mới 

Lan Anh
Có rất nhiều thủ tục và nghi thức trong quá trình dọn về nhà mới mà không phải ai cũng biết. Hãy cùng Toàn cảnh Bất động sản tìm hiểu và thực hiện 9 bước dưới đây để các gia chủ có thể nhanh chóng thích nghi khi thay đổi môi trường sống.

1. Ngày tốt dọn vào nhà mới

Chọn ngày tốt theo tuổi của gia chủ

Đối với các gia chủ, ngày đầu tiên về nhà mới luôn là ngày quan trọng vì đó chính là sự khởi đầu cho hành trình tiếp theo của cuộc sống, cung giống như chọn ngày tốt nhập trạch theo ngũ hành, xem ngày tốt để chuyển nhà theo tuổi của gia chủ được rất nhiều người áp dụng. 

Thông thường khi có ý muốn xem ngày tốt về nhà mới, gia chủ thường sẽ nhờ đến các thầy phong thủy để nhờ xem ngày giờ chính xác, tuy nhiên lại khá tốn thời gian, chi phí nên ít người chọn lựa.

don-ve-nha-moi-can-chuan-bi-gi-1647928402.jpg

Loại trừ ngày xấu

Bên cạnh các cách chọn ngày hoàng đạo để dọn về nhà mới và nhập trạch thì các gia chủ cũng nên loại trừ một số ngày phong thủy không được tốt như Nguyệt Kỵ (mùng 5,14,23 Âm lịch), Mùng 1 hoặc 15 âm lịch,....

2. Thực hiện lễ cúng nhập trạch trước khi dọn về nhà mới

Trong nền văn hóa Việt Nam, thủ tục nhập trạch là một bước quan trọng không thể thiếu khi dọn về nhà mới. Mâm cúng không chỉ thể hiện sự biết ơn bề trên đã giúp cho công trình được thi công thuận lợi an toàn, diễn ra suôn sẻ mà còn là sự khởi đầu mới cho gia đình luôn bình an và thịnh vượng.

Tham khảo: Vì sao cần phải làm lễ nhập trạch?

Lễ vật trong thủ tục nhập trạch không cần những vật liệu cầu kì hoa mĩ, tuy nhiên để được sự chu đáo chủ nhà nên chuẩn bị những vật sau đây để lễ cúng được trọn vẹn và ý nghĩa:

• 1 bình hoa tươi (hoa ly, hoa cúc vàng, hoa hồng,...)
• Rượu gạo
• Hương nhang
• Nến hoặc có thể là đèn dầu
• Trầu cau (chọn những lá trầu đẹp, không được rách, cau quả phải đẹp)
• Bánh kẹo (1 đĩa lớn)
• Gà trống luộc
• Xôi (Nên là xôi đậu xanh, xôi gấc)
• Chè (có thể thay thế bằng cháo hoặc cơm trắng)
• Gạo tẻ
• Thịt heo quay (để nguyên miếng lớn)
• Muối hạt sạch
• 1 bộ tam sên (bao gồm: thịt heo luộc, trứng luộc, tôm luộc hoặc cua luộc và sắp xếp đẹp mắt).
• Tiền vàng mã

Sau khi chuẩn bị đầy đủ, hãy tiến hành lễ cúng ngay trước nhà chính. Chúng ta có thể xem tử vi để chọn được ngày giờ hoàng đạo phù hợp cho việc tổ chức lễ nhập trạch.

3. Chuyển đồ về nhà mới trước khi nhập trạch

Một số người cho rằng cần phải thực hiện lễ nhập trạch trước khi dọn đồ sang nhà mới. Tuy nhiên một số chuyên gia phong thủy đánh giá đây là nhận định chưa đúng, bởi theo nguyên tắc lễ nhập trạch là nghi thức báo cáo với gia tiên về việc bạn chuyển nơi ở cũ sang nơi ở mới. Vậy nên dù bạn có chuyển đồ trước hay sau khi nhập trạch cũng không ảnh hưởng gì đến cuộc sống sau này của gia đình nên hãy yên tâm nhé.

Trong quá trình chuyển đồ về nhà mới trước khi làm lễ nhập trạch, chủ nhà chỉ cần lưu ý 5 điều sau:

1. Chúng ta có thể chuyển dần đồ đạc sang bên nhà mới trước nhưng phải sắp xếp gọn gàng và ngăn nắp. Chưa cần phải bày ra hết như ở bên nhà cũ mà chỉ để thành từng khu vực, trong thùng.

2. Tránh việc lắp đặt hay khoan đục gây ra tiếng động ồn ào. Tuy nhiên với những gia đình mua nhà cũ, nên tiến hành sửa sang lại nhà trước khi làm lễ nhập trạch. Tránh sửa nhà sau khi làm lễ nhập trạch vì đây là điều kiêng kỵ.

3. Không cho bất cứ thành viên nào ngủ lại trong nhà mới. Vì nếu như có người ngủ và ở lại sẽ tính là nhập trạch nhà mới.

4. Những đồ đạc đã chuyển vào nhà mới nên hạn chế sử dụng.

5. Đồ vật có ý nghĩa về phong thủy và rất quan trọng như bàn thờ, bếp, bát hương,... thì hãy để lại ở nhà cũ và chuyển sau, đợi đến ngày nhập trạch rồi mới chuyển qua.

4. Xông nhà mới

cung-nhap-trach-1647928402.jpg
Tẩy uế, xông nhà là thói quen phổ biến được nhiều người dọn về nhà mới áp dụng, khai trương cửa hàng hoặc vào các dịp đầu năm, cuối năm.

Trước hết, chúng ta phải thừa nhận việc xông nhà mới là cần thiết bởi trước khi dọn về, nhà mới sẽ tồn đọng ám khí từ chủ cũ hoặc các thợ xây dựng trong quá trình xây nhà, điều này ảnh hưởng không tốt đến vận khí gia chủ. Không chỉ thế, việc tẩy uế còn có vai trò rước sinh khí vào nhà, đem đến vạn điều bình an, may mắn, tài lộc cho gia đình của chúng ta.

Xông nhà vẫn luôn được coi là một trong những hình thức thanh tẩy môi trường hiệu quả và tốt nhất, đuổi đi tà khí và làm sạch môi trường. Nếu như bạn biết được cách xông nhà khi về nhà mới đúng phương pháp chắc chắn việc làm này sẽ giúp ích cho tài vận, may mắn cũng như thuận buồm xuôi gió trong công việc hằng ngày.

5. Chuyển bàn thờ sang nhà mới

Tổ tiên chính là nền tảng của gia đình, vì thế bàn thờ gia tiên luôn là nơi để thờ phụng ông bà, những người đã khuất, thể hiện lòng biết ơn của con cháu. Vì vậy khi chuyển nhà mới, bàn thờ được xem như “nhà ở” của người đã khuất, vậy nên cần có những thủ tục chuyển bàn thờ sang nhà mới “trần sao âm vậy”.

Chuyển bàn thờ gia tiên về nhà mới cần chuẩn bị những mâm cỗ và đồ cúng cụ thể như sau:
• Dĩa trái cây ngũ quả
• Lọ hoa tươi
• Nhang, đèn cầy
• Vàng mã, bao gồm nhiều loại (bạn chỉ cần yêu cầu mua bán bộ vàng mã chuyển bàn thờ là được)
• Bộ tam sanh (thịt luộc, tôm luộc, trứng luộc)
• Gà luộc hoặc thịt quay (tuy nhiên không bắt buộc, tùy vào điều kiện của gia đình)
• Đĩa xôi hoặc cháo trắng
• Rượu, trà
• Trầu cau

Nếu như đã chuẩn bị đầy đủ mâm cũ và đồ cúng, thì dưới đây là các bước chuyển bàn thờ về nhà mới:
1. Thắp nhang
2. Bày mâm cúng trước bàn thờ
3. Hóa tiền vàng
4. Thành tâm khấn vái (đọc bài văn khấn)
5. Quét bụi, lau sạch sẽ bàn thờ và các đồ thờ (lọ hoa, cốc chén,...)
6. Khi nhang tàn thì bái tạ và lần lượt mang các đồ vật trên bàn thờ xuống
7. Chuyển đến nhà mới và bày trí lại các đồ vật trên bàn thờ
8. Tiến hành làm lễ nhập trạch nhà mới để mời tổ tiên về an vị tại nhà mới.
9. Vì là các đồ mang ý nghĩa tâm linh nên cần hết sức cẩn thận khi xếp vào thùng đóng gói. Có thể dùng xốp nổ hoặc vải sạch mềm để bao bọc nhằm đảm bảo an toàn.
10. Lưu ý là sau khi chuyển bàn thờ gia tiên về nhà mới xong, cần thắp nhang liên tục đủ một tuần. Theo quan niệm dân gian là nhầm để tổ tiên làm quen với “nhà mới”, không còn luyến tiếc nhà cũ.

6. Chuẩn bị mâm trái cây cúng nhà mới

Mâm trái cây cúng về nhà mới rất quan trọng, góp phần thể hiện lòng thành của gia chủ với gia tiên. Để thể hiện được sự biết ơn thông thường trong mâm lễ, cụ thể là trái cây cúng nhà mới sẽ có mâm ngũ quả (5 loại trái cây).

Mâm ngũ quả chọn bày ra 5 loại quả chính là vì mong muốn cầu chúc 5 điều: Phúc, Quý, Thọ, Khang, Ninh. Hơn nữa nó cũng tượng trưng cho ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.

Bạn có thể chọn 5 loại quả tượng trưng riêng cho ngũ hành như:

• Bưởi, xoài đại diện cho của cải.
• Nải chuối xanh tượng trưng cho sự ổn định.
• Mãng cầu tượng trưng cho sự thuận lợi.
• Dưa hấu tượng trưng cho hành Hỏa.
• Mận đại diện cho hành Thổ.

7. Chuẩn bị mâm cơm cúng nhà mới

Cơm cúng lễ nhập trạch có thể là chay hoặc mặn tùy thuộc vào gia chủ, bữa cơm cúng nhà mới cũng đóng góp phần quan trọng trong sự thể hiện thành kính. Bữa cơm mâm cúng mặn gồm:

• 1 bộ tam sinh bao gồm: 1 miếng thịt luộc, 1 con tôm luộc và 1 trứng vịt luộc
• Xôi
• Gà luộc nguyên con
• 3 chén trà
• 3 chén rượu
• 3 điếu thuốc
• Món mặn kèm theo cần chuẩn bị như canh, xào,....

Mâm cơm cúng nhà mới cũng tùy thuộc theo điều kiện cũng như mong muốn của gia chủ nên chúng ta không nên quá chú trọng vào việc này.

8. Một số điều kiêng kỵ cần tránh khi về nhà mới

Nếu như thủ tục nhập trạch là điều nên làm khi về nhà mới thì có những điều kiêng kỵ không nên làm khi về nhà mới:
- Làm nghi lễ nhập trạch thiếu đi sự chỉn chu và đầy đủ.
- Để phụ nữ có thai dọn dẹp.
- Dùng lại các món đồ cũ đã hỏng
-    Chuyển về nhà mới vào buổi tối.
- Đón khách về nhà ngày nhập trạch là điều không nên, bởi vì ngày nhập trạch tốt nhất chỉ nên có những người thân trong nhà để thực hiện làm lễ. Còn đối với bạn bè thì nên đến vào ngày tân gia để tránh không kinh động đến tổ tiên.
- Nói những điều tiêu cực khó chịu, cãi vã với những lý do không đáng có. Chúng ta hoàn toàn có thể cùng nhau sắp xếp và phân chia công việc dọn dẹp cụ thể, dành thời gian để ăn 1 bữa cơm thân mật, trò chuyện để không khí gia đình thêm ấm cúng và hạnh phúc hơn.

Theo quan niệm dân gian để có sự khởi đầu tốt đẹp, ta nên tạo không khí vui vẻ và hạnh phúc trong gia đình và tránh những điều tiêu cực sẽ ảnh hưởng về sau này.

9. Bữa cơm đầu tiên khi dọn về nhà mới

Sau thủ tục nhập trạch, chắc chắn rằng bữa cơm gia đình là điều không thể thiếu mỗi khi làm một nghi lễ cúng gia tiên quan trọng. Bữa cơm đầu tiên về nhà mới của gia đình chắc chắn rằng phải thịnh soạn, chỉn chu và không khí trong gia đình cần phải ấm cúng và hạnh phúc.

com-gia-dinh-1647928402.jpg

Vào ngày đầu tiên việc làm cần thiết nhất chính là lòng biết ơn và trao nhau những lời yêu thương giữa các thành viên trong gia đình. Tạo điều kiện tốt nhất cho ngày nhập trạch trở nên suôn sẻ, nghi lễ cần được nghiêm túc thực hiện và hãy cố gắng giữ cho mình tâm trạng thật phấn khởi vì sự khởi đầu mới tốt đẹp sẽ là kim chỉ nam cho thời gian sắp tới trong tương lai.

Minh Phương