Theo Nghị quyết 60-NQ/TW được công bố ngày 12/4/2025, Việt Nam sẽ có 34 tỉnh, thành sáp nhập. Ngay cả khi thông tin còn chưa chính thức, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu sôi động, đặc biệt tại các địa phương được dự đoán sẽ hợp nhất. Khu vực phía Nam cũng không ngoại lệ, với kỳ vọng lớn về sự tăng trưởng giá tại Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu.

dat-nen-1744449516.png
 

 

Ông Đinh Minh Tuấn – Giám đốc khu vực miền Nam của Batdongsan.com.vn – nhận định, nếu sáp nhập thành công, TP.HCM mở rộng sẽ trở thành một siêu đô thị với dân số khoảng 12 triệu người, diện tích khoảng 6.000 km², sở hữu các đầu mối giao thông chiến lược như sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, cảng biển Cái Mép – Thị Vải, cùng mạng lưới khu công nghiệp hàng đầu Đông Nam Á.

Theo ông Tuấn, sự kết nối này sẽ thúc đẩy kinh tế khu vực phát triển vượt bậc, kéo theo nhu cầu nhà ở, văn phòng và thương mại tăng vọt, đặc biệt tại các vùng giáp ranh như Thuận An, Dĩ An (Bình Dương) hay Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu). Bên cạnh đó, làn sóng đầu tư hạ tầng và FDI đổ về sẽ tiếp tục gia tăng, tạo thế cạnh tranh cho thị trường bất động sản.

Hiện tại, giá bất động sản tại các khu vực như Dĩ An, Thuận An, Phú Mỹ vẫn thấp hơn đáng kể so với TP.HCM. Vì vậy, khi sáp nhập, khoảng cách giá này sẽ dần được san bằng, mang lại cơ hội lớn cho các nhà đầu tư đón đầu xu hướng.

Theo ông Nguyễn Đình Trường – CEO Liên doanh Nhật (Cosmos Initia, TT Capital và Koterasu Group) – cũng cho rằng, các khu vực giáp ranh như Dĩ An, Thuận An đã có hạ tầng và tiện ích hoàn chỉnh, kết nối trực tiếp với TP.HCM chỉ mất 25–30 phút di chuyển. Trước đây, vì thuộc Bình Dương nên giá nhà tại đây vẫn “khiêm tốn” dù chất lượng tương đương TP.HCM. Khi sáp nhập, bất động sản khu vực này sẽ được “định vị” lại theo mặt bằng giá đô thị lớn.

Ngoài ra, TP.HCM hiện gần như không còn căn hộ giá tầm trung, trong khi Bình Dương vẫn có nguồn cung dồi dào nhờ giá đất và pháp lý linh hoạt hơn. Sáp nhập sẽ góp phần giải quyết bài toán nhà ở và thúc đẩy thị trường phát triển.

Việc có chung ranh giới hành chính sẽ tạo điều kiện để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm như cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, các tuyến metro, mở rộng Quốc lộ 13. Đồng thời, mô hình “thành phố vệ tinh” như TP.Thủ Đức có thể tiếp tục được nhân rộng tại Dĩ An, Thuận An hoặc Phú Mỹ.

Nếu kịch bản sáp nhập thành hiện thực, TP.HCM sẽ trở thành một siêu đô thị đa trung tâm, có sức cạnh tranh mạnh mẽ hơn về kinh tế, logistics, du lịch và bất động sản. Các chuyên gia đồng thuận rằng, bất động sản tại Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ bước vào giai đoạn “định giá lại” mạnh mẽ trong thời gian tới.