Bất động sản Bình Phước ra sao sau cơn sốt đất?

Phạm Ánh Thúy
Sau thời gian tăng giá một cách đột biến, thị trường bất động sản Bình Phước đang có dấu hiệu phân cực rõ ràng: Trầm lắng ở những nơi đã tăng giá quá cao trước đó và tiếp tục sôi động ở những vùng đất mới.

Bất động sản Bình Phước: Hớn Quản trầm lắng, Đồng Xoài vẫn sôi động

Sau văn bản cảnh báo của UBND huyện Hớn Quản, cơn sốt đất tại khu vực này đã phần nào lắng dịu. Dọc các tuyến đường liên xã, những biển báo với dòng chữ “mua bán đất sân bay Técníc”, “điểm tư vấn mua bán đất nền” hay “bán đất sân bay” vẫn nhan nhản nhưng không còn giao dịch nhộn nhịp như những ngày đầu năm.

Trên một sàn môi giới bất động sản trực tuyến, anh T. đang rao bán nhanh 2 lô đất mặt tiền tại thị trấn Tân Khai với giá 2,2 triệu đồng/m2. Lô đất này được anh T. mua vào thời điểm đất tại Hớn Quản đang lên “cơn sốt” với giá 2,7 triệu đồng/m2. Gom mấy trăm triệu cùng vay thêm ngân hàng, anh có ý định “lướt sóng" kiếm lời.

Nhưng sau đó cơ quan chính quyền Bình Phước vào cuộc chặn đứng cơn "sốt đất ảo", giá đất chững lại. Ảnh hưởng của dịch bệnh khiến anh T. không đủ khả năng trả nợ ngân hàng, nên rao bán cắt lỗ. Tuy nhiên, khu vực này đã được báo chí phản ánh về việc những "cò" đất đẩy thị trường lên cao, nên người mua giờ cũng dè dặt. Những lô đất trống chờ đến ngày được khoác áo gần sân bay Bình Phước sẽ không khiến nhà đầu tư tin tưởng đặt cược vào. 

Nhiều nhà đầu tư gom bất động sản xã An Phú huyện Hớn Quản cũng đứng ngồi không yên vì không tìm được người mua lại. Theo một nhân viên môi giới, hầu hết các giao dịch trong cơn sốt bất động sản Bình Phước vừa qua chỉ là đặt cọc giữ đất để lướt sóng. Khi không tìm được khách mua, một số nhà đầu tư đã chấp nhận bỏ cọc hàng tỷ đồng còn hơn “ôm đất” ở vùng giá đỉnh.

Ghi nhận của phunuonline vào đầu tháng 3 vừa qua, những miếng đất được rao bán với giá 350 triệu đồng/m ngang trước đó giờ xuống chỉ còn 200 triệu đồng/m ngang nhưng vẫn không có người mua. Nhiều người chi đến 20 - 30 tỷ đồng để mua đất rẫy trồng điều, với giá 2 - 3 tỷ đồng/sào phải đứng giữa bài toán chấp nhận chôn vốn nhiều năm hoặc là bỏ hàng tỷ đồng đã đặt cọc cho chủ vườn trước đó.

vuon-dieu-binh-phuoc-1626865604.jpg
Nhiều rẫy trồng điều tại Hớn Quản trước đó được giao dịch với giá 2 - 3 tỷ đồng/sào.

Khi Hớn Quản vừa có dấu hiệu yên ắng, thì các khu vực khác của Bình Phước như Đồng Xoài, Xuyên Mộc lại tiếp tục sôi động. Tính đến cuối tháng 5/2021, vẫn có không ít nhà đầu tư từ Hà Nội, Hải Phòng, thậm chí Nghệ An… đổ về xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc để mua đất. Trong nhiều ngày liên tiếp, phòng công chứng huyện Xuyên Mộc đông nghẹt người đến giao dịch.

Đỉnh điểm là sự việc lực lượng chức năng địa phương “bắt quả tang” một sự kiện mở bán dự án với hơn trăm người tham dự vào cuối tháng 6 vừa qua. Đa phần những người này từ TP.HCM, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai… đến tìm mua đất Đồng Xoài Bình Phước. Dù trước đó, hôm 23/6, Văn phòng UBND tỉnh Bình Phước đã có công yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các trường hợp từ TP.HCM, Bình Dương "lén lút" vào địa bàn qua các đường lô cao su gây nguy cơ lây lan dịch bệnh. Các trường hợp này chủ yếu liên quan đến giao dịch đất đai.

Trên các sàn bất động sản trực tuyến vẫn sôi động thông tin rao bán đất vườn Bình Phước hoặc đất đã có thổ cư. Các lô đất được rao bán tại Đồng Xoài có giá phổ biến là 8 - 12 triệu đồng/m2, Phú Riềng khoảng 4 - 4,5 triệu đồng/m2, Chơn Thành dao động 2,3 - 3,8 triệu đồng/m2, Bình Long và Đồng Phú với mức giá trên dưới một triệu đồng/m2…

Bất động sản Bình Phước: Có dấu hiệu sốt ảo

Cùng nằm trong khu vực kinh tế Đông Nam Bộ, nhưng Bình Phước có vị trí không đắc địa bằng các tỉnh thành khác như Bình Dương, Đồng Nai hay Bà Rịa - Vũng Tàu. Thời gian dài, Bình Phước là gần như đứng ngoài mọi diễn biến của thị trường bất động sản cả nước. Thị trường bất động sản Bình Phước chỉ thật sự trở mình “thức giấc”, khi thị xã Đồng Xoài chính thức lên thành phố.

toan-canh-bat-dong-san-binh-phuoc-1626864800.jpg
Toàn cảnh bất động sản thành phố Đồng Xoài. Ảnh: Internet

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khiến giá đất tại tỉnh miền Đông này liên tục “nhảy múa” trong thời gian vừa qua. Trong đó, nguyên nhân chính là giới cò đất lợi dụng thông tin về quy hoạch, hạ tầng để "thổi" giá thị trường. Chẳng hạn, thông tin đề xuất xây dựng dự án sân bay Técníc khiến bất động sản Hớn Quản trải qua cơn "sốt" đất chưa từng có; đề xuất nâng cấp và mở rộng đường ĐT753 cũng khiến giá bất động sản xã Tân Lợi Đồng Phú liên tục leo thang; hay bất động sản Chơn Thành được giao dịch giao động sau thông tin chuẩn bị lên thị xã...

Đáng báo động là những cơn sốt đất này diễn ra bất chấp những cảnh báo của địa phương. Cụ thể, UBND huyện Hớn Quản đã có văn bản khuyến cáo các tổ chức, cá nhân nâng cao cảnh giác trước các hình thức tư vấn, lôi kéo của một số "cò" đất, dịch vụ tư vấn bất động sản có dấu hiệu lừa đảo. Tại Chơn Thành, UBND xã Minh Thành cũng đã cảnh báo người dân cảnh giác trước các giao dịch bất động sản.

Chia sẻ với Toancanhbatdongsan.com.vn, chuyên gia tài chính cá nhân Phan Công Chánh - Tổng giám đốc Phú Vinh Group cho biết diễn biến bất động sản Bình Phước cho thấy nhiều dấu hiệu của một cơn sốt đất "ảo". Một thửa đất ông từng đi khảo sát tại Hớn Quản có giá khoảng một tỷ đồng vào thời điểm Tết Tân Sửu đã nhanh chóng tăng lên 4 tỷ đồng vào tháng 4/20201. Tức là tăng “dựng đứng” 400% trong vòng 3 tháng trong khi các điều kiện về cơ sở hạ tầng, hình thành dân cư… không có gì thay đổi.

“Rõ ràng rằng, người nào mua phải lô đất giá 4 tỷ đó có lẽ phải chờ thêm 15 năm nữa thì giá trị của nó mới có thể đạt đến mức giá bán vừa rồi. Đó là một cái bẫy giá mà các nhà đầu tư cứ lao vào”, ông Chánh nhận định.

ong-phan-cong-chanh-1625658533.jpg
Chuyên gia tài chính cá nhân Phan Công Chánh - Tổng giám đốc Phú Vinh Group.

Vị chuyên gia này cảnh báo, thị trường bất động sản đã chứng kiến không ít nhà đầu tư, thậm chí là các đại gia, đã bị loại khỏi thị trường vì chạy theo những cơn sốt ảo. Và cái giá của cuộc chơi bất động sản rất đắt, nhẹ thì mất cả gia tài, nặng thì tán gia bại sản thậm chí còn vướng vào vòng lao lý.

Một trong những dấu hiệu quan trọng nhất để nhận biết rủi ro khi xuống tiền cho đất tỉnh lẻ, theo vị chuyên gia này, là giá bất động sản tăng đến mức gần như hoang tưởng, chẳng hạn như giá đất nông nghiệp ở một vùng quê hoang vu nào đó lại cao hơn ở TP.HCM hoặc những đô thị phát triển lân cận. Biên độ giá tăng quá nhanh trong một thời gian ngắn cũng là yếu tố cần suy xét. Khi nhìn thấy giá bất động sản tăng trưởng một cách kỳ quặc, không theo bất kỳ quy luật nào, chuyên gia này khuyến cáo nhà đầu tư cần hết sức tỉnh táo, đứng ở vai trò một người quan sát hơn là một người chơi.

Thanh Tâm