Cùng với tốc độ đô thị hóa, quỹ đất tại các trung tâm thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM ngày càng khan hiếm và đắt đỏ. Để duy trì phát triển, từ nhiều năm nay, những nhà phát triển bất động sản đã bắt đầu những cuộc “đánh bắt xa bờ”, khi liên tục gom quỹ đất lớn tại nhiều địa phương trong cả nước.

“Dòng dịch chuyển đầu tư ra các tỉnh vùng ven đã bắt đầu hình thành trong những năm trở lại đây. Nó đặc biệt mạnh mẽ hơn, khi các tỉnh thành lân cận những thành phố lớn phát triển mạnh mẽ các mô hình khu công nghiệp cũng như các cơ sở hạ tầng kết nối, cùng kế hoạch giãn dân của Chính phủ”, bà Trang Bùi - Giám đốc cấp cao Thị trường Việt Nam, JLL chia sẻ.

Cuộc “viễn chinh” của những ông lớn đã cuốn theo làn sóng dịch chuyển dòng vốn từ những nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ. Giai đoạn đầu, làn sóng này thường đi theo những “siêu dự án” đô thị hoặc những công trình hạ tầng giao thông tầm cỡ, chẳng hạn như sân bay Long Thành hay cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết. Càng về sau, xu hướng ly tâm liên tục khai phá những vùng đất mới: Nơi chưa được quy hoạch thành đô thị, thậm chí không có công trình giao thông lớn đi qua.

Và làn sóng này đi tới đâu, nơi đó lại xuất hiện những “cơn sốt” đất ảo. Giá cả bất động sản đột ngột tăng dựng đứng. Giao dịch thứ cấp diễn ra liên tục và giá bán lần sau luôn cao hơn nhiều so với lần trước. Nhiều trường hợp cùng mảnh đất được mua đi bán lại hàng chục lần, đẩy mặt bằng giá tại khu vực lên cao vượt quá mức giá trị thật.

poster-talk-show-1623754583.jpg
Talkshow Toàn cảnh ra mắt số đầu tiên vào lúc 20h00 ngày 16/6/2021.

Trao đổi với Toancanhbatdongsan.com.vn, chuyên gia tài chính cá nhân Phan Công Chánh - CEO Phú Vinh Group cho biết đầu tư theo những cơn sốt đất tỉnh lẻ đã mang về lợi nhuận đáng kể cho không ít nhà đầu tư. Nhưng nếu chọn sai thời điểm có thể khiến nhà đầu tư gánh những rủi ro nặng nề.

“Giữa cơn sốt đất, khi giá tài sản đã bị đội lái thị trường hoặc các bên liên quan đẩy lên quá cao, mà nhà đầu tư vẫn tiếp tục mua vào thì khả năng phải ôm đất đó hàng chục năm, chứ tôi không dám nói là vài năm”, ông Chánh nhận định.

Một trong những dấu hiệu quan trọng nhất để nhận biết rủi ro khi xuống tiền cho đất tỉnh lẻ, theo cả 2 chuyên gia, là khi giá bất động sản tăng đến mức gần như hoang tưởng, chẳng hạn như giá đất nông nghiệp ở một vùng quê hoang vu nào đó lại cao hơn ở TP.HCM hoặc những đô thị phát triển lân cận. Biên độ giá tăng quá nhanh trong một thời gian ngắn cũng là yếu tố cần suy xét.

Ngoài ra, còn có những dấu hiệu nào giúp nhà đầu tư nhanh chóng nhận biết rủi ro của thị trường đất tỉnh? Liệu đây có còn là kênh "hốt bạc" khi những "cơn sốt" đất đang dần trầm lắng trở lại? Và các nhà đầu tư cá nhân cần cân nhắc những yếu tố nào để tối đa khả năng sinh lời khi xuống tiền cho đất tỉnh?

Tất cả những thắc mắc này sẽ được giải đáp trong Talkshow Toàn cảnh với chủ đề: "Đất nền tỉnh lẻ: Có còn là gà đẻ trứng vàng?" Chương trình có sự tham gia của 2 chuyên gia hàng đầu trong ngành: 

- Bà Trang Bùi, Giám đốc cấp cao Thị trường Việt Nam, JLL.

- Chuyên gia tài chính cá nhân Phan Công Chánh, Tổng giám đốc Phú Vinh Group.

Chương trình sẽ sẽ phát sóng trên website Toancanhbatdongsan.com.vn và Fanpage Toàn cảnh bất động sản lúc 20h00, thứ tư tuần này - 16/6/2021.