Theo các chuyên gia kinh tế, dù chỉ số CPI của Việt Nam vẫn trong “vùng xanh” an toàn. Song xu hướng tăng khá mạnh của lạm phát toàn đã và đang đặt ra nhiều băn khoăn về áp lực lạm phát đối với Việt Nam trong thời gian tới.
Bối cảnh rủi ro lạm phát tăng cao, nguy cơ đồng tiền mất giá đã khiến các kênh đầu tư “nhảy múa” theo chiều thăng cấp. Từ đầu tháng 11, thị trường giá vàng lẫn chứng khoán đã lập các đỉnh lịch sử. Với bất động sản, giá trị lẫn lượng giao dịch tuy khó đo lường hơn, nhưng xu hướng mua nhà, mua đất để “giải thoát” tiền mặt cũng dần hiện hữu, khiến thị trường ấm lên thấy rõ.
Thực chất, việc chọn đầu tư bất động sản làm trong giai đoạn lạm phát không phải một phương thức xa lạ. Tại nhiều quốc gia phát triển, cứ hễ lạm phát là người dân lại chọn nhà đất, căn hộ làm nơi “trú ẩn” tài sản. Theo nhận định từ tạp chí Forbes (Mỹ), lạm phát tuy tạo ra bất ổn cho thị trường và tâm lý người dân, nhưng lại là cơ hội “vàng mười” cho giới đầu tư bất động sản.
Một là, lạm phát khiến giá cả của nhà ở leo thang. Bất động sản vốn dĩ đã tăng trưởng theo thời gian và càng tăng tốc trong các giai đoạn lạm phát bởi giá đất cao, lãi suất cao, chi phí xây dựng tăng cao. Các bất động sản áp dụng lãi suất ưu đãi, lãi suất cố định từ ngân hàng sẽ càng hưởng lợi trong giai đoạn này.
Hai là, lạm phát khiến giá cho thuê tăng vì quy luật đơn giản, giá nhà cao hơn nghĩa là giá thuê cũng cao hơn. Đây là yếu tố có lợi cho các nhà đầu tư bất động sản đang kiếm thu nhập từ bất động sản cho thuê, đặc biệt là các lĩnh vực bất động sản có cấu trúc cho thuê ngắn hạn như nhà ở, căn hộ cho gia đình.
Tại Việt Nam, các chuyên gia cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chọn lựa phân khúc để đầu tư trong các giai đoạn thị trường xáo trộn mạnh như dịch bệnh hay lạm phát. Bởi không phải bất động sản phân khúc nào cũng giúp nhà đầu tư “hái ra tiền”.
Trong tọa đàm do Toancanhbatdongsan.com.vn thực hiện về chiến lược đầu tư trong thời kỳ mới, ông Ngô Quang Phúc – Tổng giám đốc Phú Đông Group cho biết: “Tôi vẫn khuyên các nhà đầu tư dù đánh ở trận đánh nào, dù thành phố hay nông thôn, thì bất động sản phục vụ nhu cầu ở thực vẫn là vũ khí sắc bén nhất, cho thanh khoản tốt nhất, cho lợi nhuận ổn định nhất”.
Ngay cả trong thời gian dịch bệnh hay khủng hoảng của thị trường thì cung – cầu bất động sản cho người mua để ở, cho các gia đình trẻ an cư luôn giữ được sự ổn định, hoặc chỉ có thể đứng im, chứ không bao giờ sụt giảm hay biến mất, ông Phúc khuyến nghị.
Đồng quan điểm trên, theo ông Nguyễn Tấn Vinh – Tổng giám đốc Đất Xanh Premium, trong thời kỳ lạm phát, các bất động sản phục vụ nhu cầu của gia đình đa thế hệ như căn hộ cao cấp vẫn là phân khúc an toàn, sáng giá.
Thứ nhất, trong giai đoạn đồng tiền mất giá, nhu cầu của người dân cũng sẽ thu hẹp. Chẳng hạn nhu cầu mua sắm, du lịch sẽ hạn chế hơn, đồng nghĩa với việc các dự án phục vụ nhu cầu hưởng thụ như biệt thự nghỉ dưỡng… sẽ mất đi tính hấp dẫn.
Thứ hai, trong thời kỳ lạm phát, sự gia tăng của giá lao động và vật liệu khiến các chủ đầu tư hạn chế phát triển các dự án, khiến nguồn cung trở nên hữu hạn. Trong khi người dân vẫn phải đến các thành phố lớn để học tập, làm việc. Cầu lớn hơn cung dẫn đến giá trị của các bất động sản ở thực hoặc có khả năng khai thác cho thuê tăng trưởng tốt.
Thứ ba, khác với các bất động sản như công nghiệp hay văn phòng thường có thời hạn cho thuê lên đến 3-5 năm, thì các bất động sản căn hộ có thời gian cho thuê ngắn hạn và linh hoạt hơn. Từ đó giúp có nhà đầu tư dễ dàng điều chỉnh giá thuê tăng cấp đúng theo tình hình của thị trường.
“Trong thời gian qua, tôi nhận thấy rõ sự chuyển hướng của các gia đình đã sẵn có tài sản nhưng vẫn sở hữu thêm bất động sản vừa để ở, vừa làm ‘của để dành’, phòng ngừa các rủi ro lạm phát”, ông Vinh nói.