Trước khi xây dựng các đế chế bất động sản danh tiếng như Vingroup, Novaland,... các “ông chủ" có những xuất phát điểm khác nhau từ những ngành như mì ăn liền, dược liệu thú y, hay môi giới việc làm... Sau nhiều năm phát triển và mở rộng quy mô doanh nghiệp vừa và nhỏ trước đó, họ rẽ hướng sang lĩnh vực bất động sản và khẳng định vị trí của mình bằng hàng loạt các dự án trải đều khắp cả nước với vốn điều lệ lên tới nghìn tỷ đồng. 

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Toàn Cảnh Bất Động Sản điểm qua những câu chuyện của các doanh nhân gạo cội trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam.

"Ông chủ" Novaland đi lên từ thuốc thú y

Ông Bùi Thành Nhơn hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland – NVL). Năm 1992, ông Nhơn khởi sự kinh doanh bằng việc thành lập Công ty TNHH Thương Mại Thành Nhơn với số vốn điều lệ 400 triệu đồng để kinh doanh thuốc thú y, nguyên liệu dược, hóa chất. 

bui-thanh-nhon-1634098627.jpg

Ông Bùi Thành Nhơn có trình độ học vấn là Cử nhân ngành chăn nuôi thú y và Cử nhân quản trị kinh doanh cao cấp (tốt nghiệp HSB Tuck School of Business tại Dartmouth, Hoa Kỳ). Từ năm 1981 đến 1992, ông Nhơn công tác tại Phòng Nông nghiệp Ủy ban Nhân dân Huyện Nhà Bè và Công ty Vật tư Chăn nuôi Thú y cấp I, TPHCM. 

Từ nền tảng giáo dục và kinh nghiệm làm việc trước đó, ông bắt đầu tạo dựng “đế chế” kinh doanh của riêng mình vào ngày 18/09/1992 với việc thành lập Công ty TNHH Thương Mại Thành Nhơn. Công ty được thành lập với số vốn điều lệ ban đầu là 400 triệu đồng, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh thuốc thú y, hóa chất, nguyên liệu dược, xây dựng biệt thự cho thuê. Đây chính là tiền thân của Anova Corporation và Novaland Group sau này.

Hưng Thịnh bắt đầu từ công ty giới thiệu việc làm

Ông Nguyễn Đình Trung - Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh hiện đang nắm giữ 18 công ty thành viên, 3 văn phòng đại diện, hệ thống 7 sàn giao dịch quy mô cùng đội ngũ hơn 2.000 nhân sự hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả ở các lĩnh vực đầu tư, thiết kế, xây dựng, nội thất và phân phối sản phẩm.

nguyen-dinh-trung-1634098627.jpg

Ông vào Sài Gòn lập nghiệp vào năm 1990 và theo học chuyên ngành kế toán. Với số tiền ít ỏi tích lũy được từ việc đi làm thuê trước đó, ông chính thức thành lập Hưng Thịnh vào năm 2002. Lĩnh vực hoạt động chính của công ty là tư vấn, mô giới và cho thuê bất động sản. Ông từng chia sẻ rằng cái duyên đến với BĐS với ông khá bất ngờ, sau khi mở một văn phòng tư vấn môi giới việc làm trên đường Thành Thái (Tp.HCM), nhiều người nói vị trí đẹp như vậy thì nên làm môi giới địa ốc. 

Suốt hơn 15 năm trong sự nghiệp, ông đã viết lên từng câu chuyện thành công vang dội của Hưng Thịnh, đưa một công ty xuất phát điểm đơn thuần từ môi giới trở thành một trong ít những tập đoàn bất động sản uy tín hàng đầu Việt Nam, nắm giữ vai trò dẫn dắt thị trường.

Vingroup khởi nghiệp từ kinh doanh mì gói

Phạm Nhật Vượng là tỷ phú Việt Nam, với tổng giá trị tài sản lên đến 5,6 tỷ USD tính đến tháng 4/2020, ông hiện đứng vị trí 286 trên bảng xếp hạng tỷ phú thế giới (theo Forbes). Ông Vượng hiện dẫn dắt Vingroup - Tập đoàn kinh doanh đa ngành hoạt động trong các lĩnh vực bất động sản, bán lẻ, công nghiệp chế tạo, giáo dục, chăm sóc sức khỏe…

pham-nhat-vuong-1634098627.jpg

Năm 1993, ông Vượng cùng bà Phạm Thu Hương quyết định vay 10,000 USD từ bạn bè để mở công ty Technocom và nhà hàng Thăng Long tại Ukraina. Ngày 8/8/1993 mì ăn liền Mivina ra đời. Với nguồn nguyên liệu được nhập khẩu từ Việt Nam, loại mì gói nhanh chóng được người dân tại Ukraina đón nhận. Không những thế, ông Vượng tiếp tục sản xuất thêm thức ăn nhanh như rau thơm khô, súp đóng hộp, bột khoai tây… 
Dưới sự dẫn dắt của Phạm Nhật Vượng, chỉ trong vòng 3 năm, ông đã đưa Technocom từ một công ty nhỏ bé vươn lên thành một tập đoàn hùng mạnh với thương hiệu Mivina nổi tiếng tại Ukraina.

BIM Group khởi sự ở thị trường nông-thủy sản

Nhắc đến cái tên Đoàn Quốc Việt, nhiều người nghĩ ngay đến ông chủ doanh nghiệp đang sở hữu khối bất động sản khổng lồ ở phía bắc. Nhưng có lẽ không nhiều người biết rằng vị Chủ tịch HĐQT kín tiếng của Tập đoàn BIM còn là một “ông trùm” trong lĩnh vực nông – thủy sản.

doan-quoc-viet-1634098627.jpg

Thế mạnh lớn nhất của BIM Group là nông nghiệp thực phẩm khi sở hữu hơn 1.600 héc ta diện tích nuôi trồng tôm và hàu tại Kiên Giang, Quảng Ninh, với sản lượng đạt hơn 10.000 tấn/năm. Tập đoàn này cũng đang sở hữu cánh đồng muối rộng hơn 2.500 héc ta tại Ninh Thuận, với sản lượng lên đến 500.000 tấn muối thô/năm.

Trong những năm 2000, tập đoàn BIM Group đã đưa vào hoạt động hàng loạt các dự án nuôi tôm lớn. Trong đó có khu nuôi tôm Minh Thành (2001), khu nuôi tôm Đồng Hòa (2004), Trung tâm Phát triển nguồn giống đảo Phú Quốc (2005), Nhà máy Chế biến thủy sản Tắc Cậu (2007).

"Sếp" Khang Điền xuất thân từ gia đình làm nghệ thuật 

Phó chủ tịch Lý Điền Sơn là cổ đông cá nhân lớn nhất tại Khang Điền.

Ông Lý Điền Sơn (nghệ danh là Lý Sơn) còn gọi là anh cả trong gia đình, từ nhỏ Lý Sơn đã nhận được sự giáo dục vô cùng nghiêm khắc từ cha và ông nội võ sư của mình.

ly-dien-son-1634098627.jpg

Năm 1993, Lý Sơn gây ấn tượng với giới nghệ thuật trong nước bằng bộ phim Nước mắt học trò. Những tưởng sau thành công vang dội của Nước mắt học trò, Lý Sơn sẽ tiếp tục theo đuổi con đường nghệ thuật nhưng anh lại bất ngờ rẽ lối sang kinh doanh.

Năm 2001, Lý Điền Sơn cho ra đời thương hiệu Khang Điền. Từ đó cho đến ngày 20/04/2012, ông đảm nhận chức Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh nhà Khang Điền.

Năm 2011, Lý Điền Sơn đứng thứ 37 trong danh sách 100 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch FLC mở văn phòng luật

Ông Trịnh Văn Quyết sinh năm 1975, trong một gia đình công chức nghèo tại tỉnh Vĩnh Phúc. Ngay từ khi còn ngồi ghế giảng đường Đại học Luật Hà Nội, ông Quyết đã mở văn phòng gia sư và kinh doanh điện thoại cũ, vừa thỏa niềm đam mê kinh doanh vừa có thêm thu nhập nuôi các em ăn học.

trinh-van-quyet-1634098627.jpg

Sau khi tốt nghiệp, với số vốn kinh doanh tích góp từ thời sinh viên, ông Quyết mở văn phòng Luật sư SMic chuyên tư vấn luật doanh nghiệp, luật đầu tư, các vấn đề sở hữu trí tuệ doanh nghiệp. Cơ duyên đưa ông rẽ hướng sang bất động sản cũng chính là nhờ công việc tư vấn luật. Nhờ mối quan hệ quen biết các khách hàng kinh doanh bất động sản lớn tại Hà Nội, ông tích lũy kinh nghiệm tư vấn, dần dần biết rõ các thủ tục, cách làm và nhận thấy cơ hội kinh doanh ở đó.

Năm 2008, ông Quyết đã thành lập công ty TNHH Đầu tư Trường phú Fortune với số vốn 18 tỷ đồng và chuyển đổi thành Công ty cổ phần FLC 2 năm sau đó. Đây là bước ngoặt lớn trong quá trình khởi nghiệp của doanh nhân Trịnh Văn Quyết.

‘Ông chủ’ Nam Long - vị kiến trúc sư làm bất động sản

Ông Nguyễn Xuân Quang là một doanh nhân người Việt Nam sinh ngày 20/05/1960 tại Bình Thuận. Ông nhà sáng lập, Chủ tịch CTCP Đầu tư Nam Long (Tập đoàn Nam Long – Nam Long Group).

nguyen-xuan-quang-1634098627.jpg

Sinh ra ở vùng đất Bình Thuận miền Trung đầy cát và nắng trong một gia đình học thuật. Năm 1983 sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh chuyên ngành Kiến trúc, Nguyễn Xuân Quang dự định sẽ học tiếp để lấy bằng Tiến sĩ. Khi ra trường, ông vào làm ở Phân viện Quy hoạch phía Nam thuộc Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước với mong muốn được đi nước ngoài tu nghiệp.

Mơ ước không thành, ông quyết định rẽ sang một con đường mới, lập công ty riêng lấy tên là Nam Long với kỳ vọng một ngày nào đó “đứa con tinh thần” này sẽ trở thành “con rồng phương Nam” để lại cho đời những dấu ấn ý nghĩa.

Chủ tịch Nguyễn Xuân Quang thuộc top “đại gia nghìn tỷ” hiện là người giàu thứ 80 trên sàn chứng khoán Việt Nam với khối tài sản hơn 1.082 tỷ đồng do ông đang sở hữu 36.800.959 cổ phiếu NLG tương đương 14,17% tập đoàn Nam Long.

Nam Long hiện thuộc Top 5 chủ đầu tư bất động sản lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam với vốn hóa thị trường hơn 8.100 tỷ đồng, tổng giá trị tài sản đạt 10.904 tỷ đồng.