Mới đây, HoREA đề xuất sử dụng phương thức tính Bảng giá đất điều chỉnh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh bằng cách lấy giá bồi thường thực tế tại các tuyến đường đã được UBND TP phê duyệt làm chuẩn, áp dụng phương pháp so sánh để xác định giá đất của các tuyến đường lân cận trong cùng khu vực hoặc giữa các khu vực trên địa bàn từng quận, huyện.
Phương thức tính như vậy sẽ bảo đảm công bằng cho các cá nhân, hộ gia đình sẽ nộp tiền sử dụng đất từ 1/8/2024 đến 31/12/2025 cũng sẽ nộp tương đương hoặc nếu có cao hơn thì không chênh lệch quá lớn so với các trường hợp đã nộp tiền sử dụng đất trong 7 tháng đầu năm 2024.
TP.Hồ Chí Minh không dùng phương thức tỉnh bảng giá đất điều chỉnh bằng cách lấy Bảng giá đất 02 (Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 16/1/2020) nhân với hệ số để tính đồng loạt tất cả các mức giá đất trong dự thảo Bảng giá đất điều chỉnh như trường hợp dự thảo Bảng giá đất điều chỉnh của quận 1, quận 4 và quận 5.
Đơn vị này cũng đề nghị xây dựng lại dự thảo Bảng giá đất điều chỉnh của các quận này và đồng thời đề nghị không dùng phương thức tính Bảng giá đất điều chỉnh bằng cách lấy Bảng giá đất 02 nhân hệ số để tính đồng loạt theo từng nhóm tuyến đường trong dự thảo Bảng giá đất điều chỉnh như quận 10, quận Phú Nhuận và đề nghị xây dựng lại dự thảo Bảng giá đất điều chỉnh của các quận này.
Trong đề xuất, HoREA cũng cho rằng, tại 6 quận gồm quận 3, quận 6, quận 7, quận 11, quận 12 và quận Bình Thạnh và 4 huyện gồm các huyện như Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ và TP.Thủ Đức không xây dựng các mức giá đất của dự thảo Bảng giá đất điều chỉnh có mức giá cao nhất trong dự thảo.
Phương thức tính Bảng giá đất điều chỉnh mà đơn vị tư vấn giá đất đang thực hiện là lấy bảng giá đất hiện hành nhân với hệ số để cho ra mức giá đất mới. Mỗi một quận sẽ có hệ số riêng được tính dựa trên mức tăng giá đất của quận. HoREA cho rằng với cách làm này, tồn tại nhiều bất cập khiến giá đất điều chỉnh tại một số quận, huyện không sát với thực tế.