Điểm tin bất động sản 1/10: Hơn 3.800 tỷ đồng xây dựng Cảng hàng không Phan Thiết

Bảo An
Hơn 3.800 tỷ đồng xây dựng Cảng hàng không Phan Thiết; TP HCM dùng hơn 100.000 ha đất để phát triển đô thị... là các tin bất động sản đáng chú ý sáng 1/10.

TP HCM dùng hơn 100.000 ha đất để phát triển đô thị

Ngày 30.9, UBND TP.HCM công bố Quyết định 1528/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Phạm vi ranh giới lập quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính TP.HCM với diện tích 2.095 km2 và khu vực biển Cần Giờ (diện tích cụ thể sẽ được xác định trong quá trình lập đồ án, đảm bảo thống nhất với ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển và tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ).

Phạm vi nghiên cứu bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính TP.HCM và các tỉnh xung quanh thuộc vùng TP.HCM (Vùng kinh tế trọng điểm phía nam), gồm các tỉnh: Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang; với diện tích khoảng 30.404 km2.

Quy mô dân số dự kiến đến năm 2040, dân số toàn TP.HCM khoảng 13 đến 14 triệu người. Trong khi đó quy mô đất đai phát triển đô thị đến năm 2040, dự kiến đất xây dựng đô thị khoảng 100.000 đến 110.000 ha (việc phân tích, đánh giá, dự báo cụ thể quy mô dân số và đất đai xây dựng đô thị theo từng giai đoạn sẽ được nghiên cứu, đề xuất trong quá trình nghiên cứu đồ án quy hoạch).

Hơn 3.800 tỷ đồng xây dựng Cảng hàng không Phan Thiết

Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận khóa XI, nhiệm kỳ 2021-2026 vừa tổ chức kỳ họp thứ 3 quyết định các vấn đề quan trọng của tỉnh. Trong đó, có dự án Cảng hàng không Phan Thiết với tổng vốn đầu tư trên 3.800 tỷ đồng được thực hiện theo hình thức hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (BOT).

Đây là dự án quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển bền vững của tỉnh Bình Thuận. Qua đó sẽ góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nhất là ngành dịch vụ du lịch để đưa Bình Thuận trở thành trung tâm dịch vụ - thể thao biển mang tầm quốc gia theo Quyết định 1772 ngày 18/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

3 tập đoàn muốn làm 2 khu công nghiệp 1.400 ha tại Quảng Ninh

Tập đoàn Amata (Thái Lan) cùng Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) và GS (Hàn Quốc) đề xuất đầu tư 2 khu công nghiệp tại Quảng Yên.

Tập đoàn Amata và các đối tác đã báo cáo với Quảng Ninh ý tưởng đầu tư, phát triển các dự án khu công nghiệp trong phạm vi khu phức hợp đô thị công nghiệp công nghệ cao thuộc Khu kinh tế ven biển Quảng Yên.

Theo đó, Marubeni đề xuất làm khu công nghiệp có diện tích 724 ha, còn GS muốn đầu tư khu công nghiệp diện tích 676 ha. 2 khu công nghiệp này sẽ có đầy đủ các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo phục vụ công nhân trong khu công nghiệp và người dân khu vực lân cận.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đề nghị Tập đoàn Amata hỗ trợ 2 tập đoàn Hàn và Nhật nhanh chóng tiếp cận để triển khai nghiên cứu trên cơ sở quỹ đất phù hợp. Trước mắt, Quảng Ninh muốn Marubeni và GS nghiên cứu các dự án tại khu công nghiệp Sông Khoai của Tập đoàn Amata. Nguyên nhân là quỹ đất tại khu công nghiệp này còn rất nhiều.

Tân Á Đại Thành đầu tư vào Quảng Ngãi

Công ty CP Bất động sản Tập đoàn Tân Á Đại Thành (Meyland) đã đề xuất UBND tỉnh Quảng Ngãi được tài trợ kinh phí lập quy hoạch chi tiết 1/500 khu đất 76ha tại xã Tịnh Long, TP. Quảng Ngãi.

Công ty này cũng đề xuất dự án khu đô thị Meyhomes Tịnh Long tại TP. Quảng Ngãi với quy mô khoảng 76,3ha. Dự án được xác định là chưa có tên trong danh mục các dự án phát triển nhà ở được UBND tỉnh ban hành kèm theo kế hoạch phát triển nhà ở năm 2019, đến năm 2020 và dự kiến các năm tiếp theo (2021-2025) trên địa bàn tỉnh.

Sau Nghệ An, Kiên Giang, Tập đoàn Tân Á Đại Thành đang dần cụ thể hóa tham vọng mở rộng quỹ đất đầu tư bất động sản tại tỉnh Quảng Ngãi.

Nguồn: VnEconomy, VnExpress