Điểm tin bất động sản 24/9: Bình Thuận nâng cấp nhiều hạ tầng quan trọng; 120 dự án nhà ở TP HCM đình trệ nửa thập niên

Như Ngọc
Bình Thuận nâng cấp nhiều hạ tầng quan trọng; 120 dự án nhà ở TP HCM đình trệ nửa thập niên... là những tin tức đáng chú ý sáng 24/9.

Bình Thuận nâng cấp nhiều hạ tầng quan trọng

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, nhiều tuyến quốc lộ, sân bay... được tỉnh đẩy mạnh đầu tư, tạo bệ phóng cho La Gi lên thành phố.

Tại cuộc họp trực tuyến mới đây với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Thị ủy La Gi đã đề xuất chủ trương xây dựng thị xã La Gi lên thành phố trực thuộc tỉnh trong nhiệm kì 2020-2025, kèm kiến nghị nâng cấp, mở rộng những tuyến đường quan trọng nhằm đáp ứng các tiêu chí trở thành thành phố.

Theo đó, để hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho thị xã, UBND Bình Thuận phê duyệt đầu tư cho La Gi. Cụ thể, tỉnh sẽ mở rộng lộ giới quốc lộ 55 chạy qua địa bàn La Gi; hoàn thiện các đoạn kè chống sạt lở sông Dinh, lập dự án đầu tư kè và đường 2 bên bờ sông Dinh. Quảng trường tỉnh cùng hàng loạt dự án chỉnh trang các tuyến đường nội đô cũng được gấp rút đầu tư.

binh-thuan-nang-cap-ha-tang-1663062475.jpg
Các công trình hạ tầng trọng điểm như: sân bay, cao tốc, đường nối cao tốc, đường nối La Gi với thành phố Phan Thiết... cũng được chú trọng

Ngoài hệ thống hạ tầng nội đô, để góp thêm chuỗi đòn bẩy liên hoàn cho La Gi lên thành phố, các công trình hạ tầng trọng điểm như: sân bay, cao tốc, đường nối cao tốc, đường nối La Gi với thành phố Phan Thiết... cũng được chú trọng.

Trong đó, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết được đánh giá sẽ thay đổi diện mạo kinh tế và du lịch cho La Gi. Cao tốc dài 99km, quy mô 6 làn xe, có tổng mức đầu tư 12.500 tỷ đồng. Hiện tiến độ thi công dự án đạt 83,78% kế hoạch năm 2021. Dự kiến cuối năm 2022, công trình này sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Đề xuất đầu tư thêm 9 dự án cao tốc Bắc Nam

Ngày 21/9, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho hay, Bộ đã trình Chính phủ dự thảo phương án đầu tư 12 đoạn còn lại của tuyến cao tốc Bắc Nam để kết nối với 11 dự án cao tốc đang triển khai.

Theo đó, 12 dự án cao tốc Bắc Nam còn lại cần đầu tư trước 2025, gồm các đoạn: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ (thuộc Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị); Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang (thuộc Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa); Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau (chạy qua các tỉnh, thành Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu Cà Mau).

12 dự án trên có tổng mức đầu tư khoảng 154.527 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước cần 73.495 tỷ đồng, còn lại huy động xã hội hóa.

120 dự án nhà ở TP HCM đình trệ nửa thập niên

Trong 5 năm 2015-2020, TP HCM ghi nhận 126 dự án dự án không được công nhận chủ đầu tư vì vướng quy định phải có 100% đất ở, trong khi phần lớn đất dự án thường xen cài nhiều mục đích sử dụng. Thống kê của HoREA cho thấy, có đến khoảng 95% tổng số dự án nhà ở thương mại do không có 100% đất ở, nên không được công nhận chủ đầu tư, đồng nghĩa với việc không thể triển khai thực hiện được dự án.

Để chuẩn bị quỹ đất, doanh nghiệp đã bỏ ra một nguồn vốn rất lớn song dự án ách tắc dẫn đến bị chôn vốn, có thể rơi vào tình cảnh chết trên đống tài sản. Theo HoREA, đây là nguyên nhân dẫn đến môi trường đầu tư bất động sản thiếu minh bạch, thiếu công bằng và thiếu sự cạnh tranh lành mạnh.

Hà Nội chi 500 tỷ đồng cho tổng rà soát chung cư cũ

Trên cơ sở đánh giá thực tế, Ông Võ Nguyên Phong - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết UBND TP Hà Nội dự kiến triển khai 7 nhóm giải pháp trọng tâm. Trong đó, thành phố sẽ ban hành Kế hoạch tổng rà soát, khảo sát, kiểm định chung cư cũ.

Cụ thể, Hà Nội sẽ bố trí nguồn vốn ngân sách dự kiến khoảng 500 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025; ưu tiên kiểm định trước đối với chung cư cũ nguy hiểm, có nguy cơ sụp đổ, chung cư hư hỏng nặng (cấp độ D và C cận D).

ha-noi-ra-soat-chung-cu-cu-1663062475.jpg
Hà Nội ưu tiên kiểm định trước đối với chung cư cũ nguy hiểm

"Hiện nay, việc rà soát, xây dựng danh mục đã hoàn thành. Phấn đấu hoàn thành công tác kiểm định cho tất cả chung cư cũ trên địa bàn trong quý II/2023", ông Phong thông tin.

Tiếp đó, ông Phong cho biết thành phố cũng sẽ ban hành kế hoạch tổ chức lập quy hoạch chi tiết chung cư cũ đồng thời bố trí nguồn vốn ngân sách lập quy hoạch. Sau khi có quy hoạch chi tiết, Hà Nội sẽ ban hành Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn.

Quốc hội đồng ý thành lập TP. Từ Sơn rộng hơn 61 km2

Tại phiên họp thứ 3 diễn ra vào chiều 22/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định về việc thành lập TP. Từ Sơn thuộc tỉnh Bắc Ninh.

Theo tờ trình của Chính phủ, UBND tỉnh Bắc Ninh đề xuất thành lập TP. Từ Sơn trên cơ sở nguyên trạng 61,08 km² diện tích tự nhiên, dân số 202.874 người và 12 phường của thị xã Từ Sơn hiện nay. Trụ sở làm việc của TP. Từ Sơn sẽ giữ nguyên trụ các cơ quan, tổ chức, đơn vị của thị xã Từ Sơn hiện có.

Việc thành lập thành phố Từ Sơn trên cơ sở giữ nguyên trạng về diện tích tự nhiên, dân số và số đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc của thị xã Từ Sơn hiện nay được đánh giá là cần thiết và phù hợp với các quy hoạch đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, thúc đẩy địa phương phát triển trở thành đô thị ngày càng văn minh, hiện đại, đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh nói chung và trên địa bàn thị xã Từ Sơn nói riêng.