Dẹp nạn phân lô bán nền tràn lan tại Lâm Đồng
Thanh tra Bộ Xây dựng vừa có văn bản hỏa tốc gửi UBND tỉnh Lâm Đồng liên quan đến tình trạng phân lô bán nền tại địa phương này.
Cụ thể, Thanh tra Bộ đã đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng tổng hợp tình hình và báo cáo bằng văn bản theo các nội dung báo chí phản ánh về tình trạng phân lô bán nền diễn ra tại TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm.
Theo đó, theo phản ánh của báo chí, tại Bảo Lộc, có tới 100 dự án đã và đang thi công các hạng mục và chào bán rầm rộ. Ở Bảo Lâm, số dự án ít hơn nhưng diện tích dự án lại lớn hơn, nhiều dự án áp sát rừng. Những dự án bất động sản trái phép đang rầm rộ thi công là những dự đại dự án có diện tích hơn 10 ha, thậm chí 41 ha (gấp 1,4 lần khu trung tâm Hòa Bình - Đà Lạt), có dự án nằm ngay trong Trung tâm TP Bảo Lộc.
Ngoài ra có tình trạng một số dự án bất động sản thực hiện không đúng quy hoạch, xẻ đồi chè để phân lô, bán nền tràn lan thời gian qua, vi phạm nghiêm trọng về kinh doanh bất động sản. Trước thực trạng nêu trên, Thanh tra Bộ đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng gửi văn bản báo cáo về Bộ trước ngày 6/12, để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
11 tháng, hơn 2,41 tỷ USD vốn FDI đổ vào bất động sản
Theo số liệu mới công bố của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư), trong 11 tháng đầu năm 2021, bất động sản đứng thứ 3 trong danh sách các ngành thu hút vốn FDI với 2,41 tỷ USD.
Cụ thể, tính đến 20/11 tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 26,46 tỷ USD. Trong đó, vốn đăng ký thêm của khối doanh nghiệp FDI tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2020, đạt trên 8 tỷ USD.
Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, nguyên nhân vốn đầu tư FDI đăng ký tăng thêm tăng mạnh trong 11 tháng qua là do nhiều dự án FDI đã tăng vốn đầu tư. Điển hình là dự án LG Display (Hàn Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư 2 lần vào tháng 2 và tháng 8 với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 2,15 tỷ USD; dự án Nhà máy Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam (Đài Loan – Trung Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 610 triệu USD…
Lũy kế từ đầu năm đến nay, cả nước có 1.577 dự án đầu tư nước ngoài mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tuy giảm 32,8% về số lượng dự án so với cùng kỳ năm trước, nhưng số vốn đăng ký lại tăng 3,76%, đạt gần 14,1 tỷ USD.
Doanh nghiệp Singapore muốn đầu tư nhà ở công nhân tại Việt Nam
Đại diện Liên danh Công ty tư vấn Sakae và Công ty tư vấn Surbana Jurong, bà Võ Thị Tuấn Anh đề xuất Bộ Xây dựng xem xét và cho phép liên danh nghiên cứu, thí điểm mô hình quy hoạch phát triển tích hợp công nghệ 4.0 trong các đồ án quy hoạch tỉnh, quy hoạch khu kinh tế, quy hoạch phân khu tại một số địa phương của Việt Nam.
Trước đề xuất của các doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị bày tỏ quan tâm mô hình phát triển nhà lưu trú, ký túc xá cho chuyên gia, công nhân tại khu công nghiệp. Ông khẳng định Bộ Xây dựng sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Singapore thuận lợi đầu tư sản xuất kinh doanh, tư vấn tại Việt Nam.
Bộ trưởng giao Vụ Quy hoạch kiến trúc, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Cục Phát triển đô thị rà soát, xem xét các đề xuất của Công ty tư vấn Sakae. Đồng thời, các đơn vị cần phối hợp với công ty tư vấn của Singapore tư vấn cho bộ mô hình phù hợp trong phát triển đô thị công nghiệp, nghiên cứu cho khu vực miền Trung.