Điểm tin bất động sản 6/8: giá chung cư tăng nhẹ 5-7%, sàn môi giới điêu đứng

Bảo An

Giá chung cư tăng nhẹ 5-7%

Báo cáo về thị trường bất động sản quý II/2021, Bộ Xây dựng cho biết giá nhà ở trong cơ bản vẫn phát triển ổn định, giá giao dịch tại hầu hết các địa phương có xu hướng tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2020.

Đối với căn hộ chung cư, số liệu của Bộ Xây dựng cho thấy giá giao dịch căn hộ chung cư bình quân, đặc biệt tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vẫn tăng khoảng 5-7% so với Quý I. Cụ thể tại một số dự án tại Hà Nội ghi nhận sự tăng giá như Xuân Mai Complex (tăng khoảng 4,5%), Hòa Bình Green City (tăng khoảng 5,1%) Stellar Garden (tăng khoảng 6,4%), Seasons Avenue (tăng khoảng 5%), Xuân Mai Complex (tăng khoảng 5,4%).

copy-of-gray-light-professional-static-announcement-general-news-twitter-post-1-1628221916.png
Giá chung cư tại TP HCM và Hà Nội tăng nhẹ bất chấp dịch bệnh.

Tại TP. Hồ Chí Minh hàng loạt dự án ghi nhận sự tăng giá như dự án Cantavil An Phú - Cantavil Premier (tăng khoảng 7,1%), Opal Riverside (tăng khoảng 6,3%), New City Thủ Thiêm (tăng khoảng 5,2%), Sunview Town (tăng khoảng 5,5%); tại Bình Dương là các dự án Opal Boulevard (tăng khoảng 4,2%), Stown Phúc An (tăng khoảng 5,7%). Cùng với đó lượng giao dịch căn hộ chung cư bằng khoảng 100-105% so với thời điểm cuối năm 2020.

Căn hộ bình dân có mức giá từ 25 triệu đồng/m2 - 30 triệu đồng/m2 ghi nhận nguồn cung ngày một hạn chế trong khi nhu cầu của người dân vẫn còn nhiều dẫn đến giá bán tiếp tục tăng. Các dự án nhà ở thương mại với mức giá này tại khu vực trung tâm của các đô thị hầu như không có mà chỉ xuất hiện tại một số khu vực xa trung tâm.

Hàng loạt cổ phiếu BĐS tăng giá mạnh 

Phiên giao dịch ngày 5/8 của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đi theo chiều hướng tích cực. VN-Index có phiên tăng điểm thứ 9 liên tiếp với sự bứt phá ở các nhóm cổ phiếu như ngân hàng, thép, bất động sản…

Đối với nhóm cổ phiếu bất động sản, tâm điểm tập trung vào các mã vốn hóa vừa và nhỏ, trong đó, SSH, HRB, FID, TDH, PV2 và HQC đều được kéo lên mức giá trần. TDH phiên này có dư mua giá trần gần 1,9 triệu đơn vị. Theo BCTC quý II/2021 mới được công bố, TDH đạt 119 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 17% so với cùng kỳ. Trong kỳ, TDH có 216 tỷ đồng doanh thu hoạt động tài chính, tăng 175% so với cùng kỳ nhờ thanh lý các khoản đầu tư tại Công ty Song Hỷ Quốc tế, Công ty Đầu tư Khoáng sản VICO Quảng Trị. Bên cạnh đó, khoản cổ tức, lợi nhuận được chia tại Công ty Bách Phú Thịnh và Công ty Phát triển Nhà Daewon Thủ Đức cũng tăng cao. Kết quả, TDH báo lãi sau thuế 155 tỷ đồng, gấp gần 14 lần cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, các mã bất động sản thanh khoản cao tăng mạnh đáng chú ý có HAR tăng 4,9%, DXG tăng 3,9%, CEO tăng 3,6%, DRH tăng 3,3%, IDC tăng 1,2% lên 33.800 đồng/cp và có thỏa thuận 10,2 triệu cổ phiếu, trị giá 367 tỷ đồng.

Tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, sự tích cực cũng diễn ra. Ngoài VIC và PDR là 2 mã vốn hóa lớn không tăng ở phiên 5/8, các mã khác như VHM, NVL, THD, BCM và VRE đồng loạt tăng. VHM tăng đến 11,1% lên 111.700 đồng/cp và khớp lệnh 5,2 triệu cổ phiếu. Phiên này, VHM có giao dịch thỏa thuận 4,5 triệu cổ phiếu, trị giá gần 484 tỷ đồng.

Sàn giao dịch bất động sản "thoi thóp" trong dịch bệnh

Tính đến thời điểm này, hầu như chỉ có các Sàn giao dịch bất động sản thuộc những doanh nghiệp quy mô lớn, có tiềm lực tài chính và trực tiếp làm chủ đầu tư dự án như: Công ty CP dịch vụ địa ốc Đất Xanh Miền Bắc, Công ty CP Đầu tư và kinh doanh BĐS Hải Phát Land, Tập đoàn Cengroup… mới tiếp tục duy trì hoạt động, tuy nhiên hầu hết các sàn giao dịch đều hoạt động theo phương thức kinh doanh như bán hàng trực tuyến, áp dụng công nghệ 4.0 vào việc quản lý thông tin, quản lý giao dịch, thanh toán, quảng cáo.

Còn lại khoảng 80% các sàn giao dịch BĐS chỉ làm trung gian môi giới thì hầu như phải tạm dừng hoạt động.

dsc09663-1527312002-vnex-1627895065.jpg
Các sàn giao dịch bất động sản khó triển khai kinh doanh trong tình hình dịch bệnh.

Tại một số tỉnh/thành phố (TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội…) xuất hiện hiện tượng trên các trang thông tin về bất động sản, rất nhiều đơn vị môi giới bất động sản đã mạo danh Chủ đầu tư rao bán, tìm đủ mọi cách lừa người mua đặt cọc nhà ở xã hội. Các dự án bất động sản bỏ hoang còn tồn tại rất nhiều tại hầu hết các địa phương, gây lãng phí tài nguyên đất đai và làm mất mỹ quan đô thị.

Tín hiệu tốt cho thị trường văn phòng

Theo kết quả của Khảo sát Tương lai Văn phòng châu Á Thái Bình Dương năm 2021 của CBRE, ngày càng nhiều doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng văn phòng trong dài hạn, đồng thời áp dụng các chiến lược có tính linh hoạt hơn và mô hình làm việc kết hợp mới.

Cuộc khảo sát về những khách thuê thuộc nhiều lĩnh vực và khu vực khác ở châu Á Thái Bình Dương, cho thấy khoảng 50% khách thuê có ý định mở rộng quy mô danh mục địa điểm thuê của họ trong ba năm tới, mức tăng đáng kể từ mức 23% vào tháng 10 năm 2020.

Đứng đầu là các doanh nghiệp châu Á đang thể hiện mong muốn mở rộng mạnh mẽ hơn, đặc biệt là các công ty công nghệ và một số công ty đầu tư và bảo hiểm. Trong số các công ty đa quốc gia, bên cạnh việc chú trọng về sự củng cố địa điểm thuê cũng như chuyển văn phòng đến những địa điểm chất lượng hơn, một số khác vẫn có mong muốn mở rộng, chẳng hạn như các công ty công nghệ.

Trong khu vực Đông Nam Á, tâm lý kinh doanh ở Việt Nam được đánh giá tích cực. Cuộc khảo sát của CBRE Việt Nam trong quý 2-2021 cho thấy 32% số khách được khảo sát kỳ vọng có sự tăng trưởng và hơn 50% dự báo tình hình ổn định. Tâm lý này có thể phần nào hỗ trợ giá thuê ở cả TP.HCM và Hà Nội trước các chính sách giãn cách xã hội do tình hình dịch Covid-19 hiện nay. Song điều này có thể thay đổi, nếu như các biện pháp giãn cách Covid-19 còn tiếp tục kéo dài đến quý 4.


Thanh Hà